Bên cạnh việc thiên nhiên ưu ái cho Đà Nẵng những phong cảnh hữu tình, thành phố còn có kho tàng di sản quý giá để góp phần phát triển du lịch bền vững.
Hội đua thuyền truyền thống tại lễ hội đình làng Túy Loan. |
Theo thống kê của Bảo tàng Đà Nẵng, hiện toàn thành phố có 44 di tích văn hóa, lịch sử, cách mạng, danh thắng được xếp hạng. Trong đó, 14 di tích được xếp hạng cấp quốc gia; 30 di tích xếp hạng cấp thành phố và nhiều di tích đang được hoàn chỉnh hồ sơ để công nhận. Ngoài ra, còn có rất nhiều di sản văn hóa phi vật thể có giá trị, được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, tiêu biểu phải kể đến các lễ hội: Mục đồng, Cầu ngư, Quán Thế Âm; hay các lễ hội đình làng Túy Loan, Hòa Mỹ, Hòa Minh…
Trong những năm qua, nhiều di tích đã được đầu tư, tôn tạo, phục hồi như: Đình Hải Châu, Nhà thờ tiền hiền làng An Hải và Thoại Ngọc Hầu, đình Thạc Gián, Đà Sơn, Hòa Minh, Hòa Mỹ… Trong đó, nhiều đình làng và lễ hội được phục dựng bằng nguồn kinh phí xã hội hóa có giá trị hàng tỷ đồng từ các tổ chức, cá nhân…
Theo ông Hồ Tấn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Quản lý di sản văn hóa thành phố Đà Nẵng, đến nay, cơ bản mạng lưới di tích trên địa bàn thành phố đã được bảo tồn, tu bổ, bảo đảm khả năng tồn tại lâu dài và từng bước phát huy giá trị tích cực dưới nhiều góc độ khác nhau. Tuy nhiên, trải qua nhiều năm chiến tranh và sự hủy hoại của thiên nhiên, một số di tích chưa có điều kiện được chăm sóc, bảo tồn. Do cả yếu tố chủ quan lẫn khách quan, tình trạng một số di tích bị xuống cấp diễn ra từ nhiều năm nay, nhưng việc giải quyết đòi hỏi thời gian và kinh phí.
Trong bối cảnh giao lưu và hội nhập kinh tế quốc tế, hoạt động du lịch có vai trò quan trọng trong việc chuyển tải, trao đổi văn hóa, đồng thời là động lực tích cực cho việc bảo vệ di sản văn hóa. Vì vậy, vấn đề tăng cường công tác tuyên truyền đến cộng đồng về các giá trị của di sản văn hóa, tăng tính hấp dẫn của di sản văn hóa, hướng tới mục tiêu phục vụ phát triển du lịch bền vững là hết sức cần thiết.
Theo các nhà nghiên cứu văn hóa ở Đà Nẵng, việc bảo tồn và khai thác các giá trị văn hóa trên địa bàn thành phố phải bảo đảm tính 2 mặt của vấn đề. Bởi lẽ, nếu chỉ bảo tồn mà không chú ý tới khai thác sẽ gây lãng phí tài nguyên, hạn chế việc phát huy giá trị. Ngược lại, nếu chỉ khai thác mà không bảo tồn thì còn nguy hiểm hơn, bởi điều đó sẽ gây hủy hoại di sản văn hóa, môi trường và để lại những hậu quả to lớn khác mà chưa thể lường hết được.
Bài và ảnh: KHANG HUY