.

Văn hóa… dzô!

Một đời tất bật ngược xuôi lo toan hiếu hỉ… nên mỗi người có quyền tự thưởng những phút giây thư giãn, chén tạc, chén thù. Việc uống rượu, bia nào phải bây giờ mới có. Chẳng phải ngày xưa thi tiên Lý Bạch đã nổi danh uống rượu làm thơ đó sao! Các cụ uống rượu để bàn luận văn chương, để ngẫm chuyện đời, cùng chúc nhau… trong sự “tương kính như tân”. Người xưa đã biến cái sự uống thành một nét văn hóa tinh thần tao nhã. Cùng với sự thay đổi của xã hội, nét văn hóa ấy đã ít nhiều đổi thay đáng để luận bàn…

Chẳng biết tự bao giờ, tiếng mời nhau cạn ly trong các đám tiệc bỗng dưng không còn nữa. Thay vào đó là cách mời dân dã hơn, ngắn gọn hơn đã được mọi người nhanh chóng chấp nhận. Bây giờ, đến trẻ con độ tuổi mẫu giáo trong tiệc sinh nhật cũng biết cụng ly (nước ngọt) “1, 2, 3, dzô” nữa là!

Nếu dạo một vòng quanh các nhà hàng, quán nhậu khi thành phố lên đèn, đâu đâu cũng nghe điệp khúc “dzô… dzô” cất lên với nhiều cung bậc, tần số khác nhau, nhất là mấy tháng gần Tết Nguyên đán, liên hoan, tổng kết, tất niên liền tù tì…

Ở nông thôn, phong trào “dzô” cũng không kém phần sôi nổi. Ở lĩnh vực này thật sự không có khoảng cách giữa nông thôn và thành thị. Đó là chưa kể việc đám chạp, giỗ, cúng xóm, cúng đường… diễn ra quanh năm suốt tháng khiến chút bình yên nơi thôn dã không còn nữa.

Người ta đồn rằng “dzô” xuất xứ từ dân nhậu miệt vườn Nam Bộ. Có một sự suy diễn nguyên bản là “uống dzô”…, nhưng sau đó nhậu mệt quá, nên còn mỗi từ “dzô” cho gọn. Bây giờ không chỉ ở miền Nam mà cả miền Bắc cũng thịnh hành cái cách mời cụng ly này. Đó là lý giải của các “đệ tử lưu linh” khề khà bên chén rượu không biết độ đúng sai thế nào. Nhưng có lẽ điều mà ai cũng nhận thấy, đây là lời mời hết sức dân dã, trong một phạm vi hết sức thân tình. Ấy thế mà hiện nay nó đã vượt ra khỏi ranh giới vốn có để gia nhập vào những không gian mang tính cách nghi lễ như đám cưới, đám hỏi, tiệc ngoại giao...

Hầu hết các tiệc cưới ngày nay được tổ chức tại các nhà hàng sang trọng với con số vài trăm người. Người ta luôn quan tâm đến việc uống gì trong mỗi bữa tiệc nhưng lại quên cách uống như thế nào cho đẹp và có văn hóa. Sau màn ra mắt của cô dâu, chú rể và gia đình hai bên, người dẫn chương trình cất cao giọng: Chúng ta cùng nâng ly chúc mừng cho đôi bạn trẻ trăm năm hạnh phúc, nào 1, 2, 3, dzô!”.

Có thể cách mời “dzô” đầy dân dã này kéo người ta lại gần nhau hơn, dễ hiểu nhau hơn, nhưng nếu lạm dụng quá mức sẽ tạo ra những cảnh xô bồ, dở khóc dở cười. Có chú rể trong lúc đi chúc rượu quan khách, gặp bạn bè liền “dzô” tới bến khiến cô dâu và các đấng sinh thành một phen ê mặt với quan viên 2 họ. Những nam thanh nữ tú khi vào tiệc đã thản nhiên điệp khúc “1, 2, 3 dzô” như ở quán nhậu. Trong nhiều đám giỗ chạp, nhiều cụ cao niên rất bất bình khi được con cháu đến cụng ly mời “dzô” trăm phần trăm một cách ngang hàng…

Trong văn hóa người Việt, ăn uống cũng phải có văn hóa, lời mời là một phần biểu hiện của văn hóa ứng xử. Người xưa khi mời rượu, ly nâng ngang mày để thể hiện sự tôn trọng, động tác uống phải khoan thai, lấy tay áo hoặc bàn tay che miệng… Tất nhiên, trong cuộc sống sôi động ngày nay có thể phiên phiến cho hợp thời, nhưng cũng không thể chấp nhận kiểu “văn hóa… dzô” đại trà như thế!  

NHƯ HẠNH

;
.
.
.
.
.