.

“Bảo tàng” tại gia

.

Những kỷ vật được Thiếu tướng Trần Minh Hùng (64 tuổi, ở tổ 8, phường Thạch Thang, quận Hải Châu) cất giữ trang trọng trong hai chiếc tủ kính ở tầng hai của ngôi nhà ông ở. Và ông coi những kỷ vật phủ bụi thời gian đó là hồi ức sống quý báu lưu giữ cho con cháu.

Chiếc xẻng được ông Trần Minh Hùng cất giữ rất cẩn thận.
Chiếc xẻng được ông Trần Minh Hùng cất giữ rất cẩn thận.

Chiếc xẻng thấm máu

Trong hai chiếc tủ kính ấy, chiếc tủ nằm trong cùng đựng những kỷ vật thời kháng chiến chống Mỹ; chiếc bên cạnh treo những huân chương, huy chương và những kỷ vật khi ông chiến đấu ở vùng Đông Bắc Campuchia và Nam Lào. Chiếc xẻng xỉn màu được ông nâng niu nhất trong các kỷ vật bởi nó đã theo ông trong suốt chặng đường hành quân chiến đấu, từ miền sông Thu đến sông Thạch Hãn, Thành cổ Quảng Trị vào sông Tiền, sông Hậu đến Mekong rồi ra sông Kỳ Cùng chảy qua biên giới Lạng Sơn; hay đi đến miền đất đỏ bazan Tây Nguyên đầy nắng, gió; rồi qua tận thảo nguyên nước Nga xa xôi… Cũng với chiếc xẻng này, ông đã đào không biết bao nhiêu chiến hào để tấn công địch. Và cũng với chiếc xẻng, tự tay ông đã xúc từng mảng đất để chôn cất những đồng đội.

“Cậu Huy - Tiểu đội trưởng trinh sát còn trẻ lắm, mới 19 tuổi lại hay cười hay nói. Cậu Trợ - Chính trị viên phó đại đội 5 - cũng còn khá trẻ… Tất cả đều đã nằm lại ở Thành cổ Quảng Trị. Ra đi mà chưa kịp nhắn nhủ gì về quê nhà…”, ông Hùng rưng rưng. Đợt chiến đấu vào tháng 5-1972, hơn 200 chiến sĩ đã vĩnh viễn ra đi. Ông Hùng xúc động: “Lúc đó, chúng tôi gạt nước mắt an táng đồng đội trong những chiếc túi nilon, còn gọi là túi sĩ tử. Chỉ có vậy thôi!”. Với ông Hùng và đồng đội, ra đi cũng là trở về - sự trở về với đất mẹ giản dị.

Ngoài chiếc xẻng, còn có những vật không thể thiếu như: mũ tai bèo gắn bó với ông Hùng từ ngày còn là Dũng sĩ diệt Mỹ (lúc 15 tuổi); chiếc bi-đông luôn được ông mang theo bên mình; hay chiếc thắt lưng cùng chiếc đài bán dẫn thân thiết…

Nắm cơm về với mẹ

Nho nhỏ nhưng rất có ý nghĩa với ông Hùng là chiếc túi đựng cơm vắt. Có lần, con gái ông muốn mua cho cha một chiếc ví mới thay thế chiếc túi vải cũ kỹ ấy. Nhưng ông cười bảo: “Nó cũ nhưng chứa được cả thời trai trẻ của ba. Nhờ nó mà ba cũng như nhiều đồng đội khác có thể cõng những gùi hàng hơn 30kg trên lưng để vượt đèo, vượt dốc”. Vậy là con gái ông không hỏi nữa, thỉnh thoảng còn lau chùi các kỷ vật.

Cũng với chiếc túi đựng cơm ấy, trong Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam 30-4-1975, ông nắm những nắm cơm chuẩn bị trên đường trở về quê nhà mà bàn tay run lên vì hân hoan, xúc động. “Khi ấy tôi là Trưởng tiểu ban tác huấn Trung đoàn 95 ở thành phố Sài Gòn. Trong thời khắc Sài Gòn giải phóng, tôi và các đồng đội đều ôm chầm lấy nhau, khóc òa lên như những đứa trẻ trong niềm vui bất tận. Tôi chỉ muốn lên đường trở về thăm quê nhà”, ông Hùng bồi hồi nhớ lại. Lúc đó, trong hành trang của ông, có chiếc túi đựng cơm nắm, bi-đông nước, một cái áo len cho mẹ, 2 gói kẹo cho em và rất nhiều nỗi nhớ…

Đến bây giờ, những câu chuyện về một thời chiến đấu oanh liệt được ông Hùng truyền lại cho các con thật nhẹ nhàng thông qua các kỷ vật. Ba người con của ông (2 trai, 1 gái) đều đã trở thành những người lính, và họ lại tiếp tục kể cho con cháu nghe những câu chuyện truyền đời của ông cha.

Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ

;
.
.
.
.
.