.

Lễ Tắt bếp ở Trà Kiểm: Lễ hội của tình cộng đồng

Ông Nguyễn Thanh Quý, Trưởng thôn Trà Kiểm cho biết, lễ Tắt bếp của thôn có từ trước cả cuộc kháng chiến chống Pháp, lúc ông còn nhỏ. Trong chiến tranh, lễ Tắt bếp có đôi ba năm bị gián đoạn, còn từ ngày giải phóng đến nay, chưa năm nào thôn không tổ chức và được ấn định vào ngày 12-2 âm lịch. Cứ đời này sang đời khác, năm này qua năm khác như thế, không ai biết chính xác khởi nguồn ngày lễ độc đáo của dân làng này là ngày nào, năm nào; chỉ biết rằng, suốt ngày diễn ra lễ hội, cả làng được thả sức vui chơi, ăn uống tại đình làng (nay là Nhà Văn hóa thôn) nên không bếp nhà nào đỏ lửa. Theo đó, nhân dân trong làng gọi là lễ Tắt bếp.

Đã thành thông lệ, từ ngày 10-2, các đại diện chư phái tộc đôn đốc trai tráng quét dọn đường làng, làm vệ sinh đường sá sạch sẽ. Các mẹ, các chị trong thôn nôn nao sửa soạn gạo mắm, gánh nước, củi... Tối 11-2, cả làng trên xóm dưới của thôn Trà Kiểm quây quần về Miếu Ông để thực hiện lễ cúng rước tiền hiền, tổ tiên và cả những vong hồn chúng sinh về dự lễ. Sáng sớm 12-2, toàn thôn tập trung tại Nhà Văn hóa thôn để tổ chức lễ chính tế Thần, Thành hoàng bổn xứ và các vị tiền hiền, hậu hiền khai canh lập nên làng, cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng no đủ, cầu Thành hoàng làng bảo an cho dân mạnh khỏe quanh năm, công việc nhà nông thắng lợi.

Sau lễ, người già, trẻ, trai, gái ngồi chung lại tại sân Nhà Văn hóa thôn dùng cơm trưa. Ngày trước, bữa cơm được xây dựng từ các sản vật địa phương được dân làng mang đến, vì lễ hội diễn ra trong tiết xuân nên sản vật thường rất phong phú. Ngày nay, bữa cơm cũng dựa trên tinh thần tự nguyện, mọi người tùy điều kiện, hoàn cảnh góp tiền, góp sức. Lễ hội to hay nhỏ phụ thuộc vào tình hình kinh tế của dân làng mỗi năm. Tại bữa cơm chung, mọi người cùng tìm hiểu về một loại giống lúa cho năng suất cao, loại cây trồng phù hợp với đất đai, thổ nhưỡng địa phương. Dân làng còn hỏi thăm nhau về sức khỏe, kinh tế của gia đình, con cháu học hành thi cử, đỗ đạt ra sao… Cả con cháu đi làm ăn xa lâu ngày cũng về tề tựu. Các bậc cao niên ôn lại lịch sử hình thành làng, kể chuyện những người có công với làng, về tổ tiên, nhắc nhở con cháu không quên nguồn cội... Mọi người thêm hiểu nhau, tình làng nghĩa xóm thêm bền chặt.

Trong ký ức về lễ Tắt bếp của các bậc cao niên trong làng còn có những trò chơi dân gian như kéo co, thi đập om, nhảy dây, bao bố, đẩy cây, nấu cơm, vật tay, thi đấu cờ tướng, cờ gánh…; hay hình ảnh các bà, các mẹ, các chị, các cụ ông thường tập trung dưới gốc đa làng hát hò khoan đối đáp; trẻ em hát đồng dao, đánh nẻ, nhảy dây... cho đến khi trời tối mịt. Ngày nay, vì nhiều lý do, các hoạt động này cũng dần thưa vắng, chỉ được tổ chức xen kẽ 2 năm một lần, nhưng không phong phú, sôi nổi như trước.

Theo ông Nguyễn Thúc Dũng, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hòa Vang, lễ Tắt bếp đang dần được khôi phục ở nhiều thôn, xã của huyện Hòa Vang, nhưng còn mang tính chất manh mún, lẻ tẻ. Đến nay, được tổ chức đều đặn và bài bản nhất vẫn là lễ Tắt bếp ở Trà Kiểm. “Dù lễ hội này diễn ra trong một ngày, quy mô nhỏ, gói gọn trong thôn làng nhưng mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Qua đó, khơi gợi tinh thần luôn lấy cộng đồng làm trọng của người dân Việt Nam từ bao đời nay”, ông Dũng khẳng định.

THANH TÂN

;
.
.
.
.
.