Tại chương trình biểu diễn Âm nhạc đường phố - hoạt động phụ trợ cuộc thi Trình diễn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2012, tiết mục “nhạc miệng” của một “nhạc công” không chuyên đã làm hàng ngàn khán giả yêu nhạc say sưa, thích thú và thán phục.
Nguyễn Đình Huy (giữa) cùng hai thành viên của MS Club tại Công viên 29-3 sau một buổi tập Beatbox. |
“Nhạc miệng” là cách hiểu nôm na về bộ môn thứ 5 của Hip hop trẻ trung - Beatbox đang thu hút giới trẻ Đà Nẵng. Trần Đình Anh (21 tuổi), sinh viên năm 3 Trường CĐ Công nghệ Thông tin Đà Nẵng, một trong những “tín đồ” tiên phong của Beatbox tại Đà Nẵng, cũng là người mang lại những trải nghiệm thú vị cho khán giả với phần trình diễn “nhạc miệng” đặc sắc, tại chương trình Âm nhạc đường phố vào đêm 27-4 vừa qua cho biết, nhạc miệng Beatbox rất đặc biệt, là một dàn hợp xướng của những tiếng “bụp bụp, chát chát” mô phỏng những bản nhạc thông thường; dần dà thành thục, Beatbox có thể mô phỏng mọi âm thanh của cuộc sống.
Những người tập Beatbox lâu dần thành một thói quen, miệng không hoạt động thì không chịu được, ngay cả lúc đi lên cầu thang cũng lẩm nhẩm các âm thanh này. Còn người thưởng thức khi nghe Beatbox tự nhiên sẽ lắc lư, miệng cũng lẩm nhẩm phụ họa theo. “Trong lễ nhập trường năm 2009, tiết mục Beatbox của một sinh viên đến từ Hà Nội đã khiến em mê tít, ngay hôm sau em cùng vài người bạn nhất quyết theo người sinh viên đó để học môn này”, Đình Anh thổ lộ.
Để có thể biểu diễn, người học Beatbox phải trải qua thời gian khổ luyện những âm thanh cơ bản như: kick drum, snare drum và hi-hat (đặt theo tên 3 phần cơ bản của dàn trống), sau đó mới có thể thực hiện những âm thanh khó hơn như nhạc Jazz, nhạc sàn, DJ. “Do đó, trở thành Beatboxer chuyên nghiệp là chặng đường dài, ngoài năng khiếu còn cần sự đam mê, kiên trì”, Đình Anh đúc rút.
Không chỉ Đình Anh mà còn rất nhiều bạn trẻ Đà Nẵng đam mê Beatbox. CLB MS (MS Club) ở Đà Nẵng tập hợp các bạn trẻ ham mê Hiphop, trong đó có Beatbox, hiện có khoảng 20 thành viên và hằng tuần vẫn liên tục tiếp nhận các thành viên mới. Theo Nguyễn Đình Huy, Chủ nhiệm MS Club, ngoài sự hấp dẫn của bản thân môn nghệ thuật này, việc tập luyện linh động và không đòi hỏi nhạc cụ hỗ trợ khiến người tập gắn bó với Beatbox. “Tập Beatbox rất đơn giản, chỉ cần micro, chai nước và một... cái miệng thì bạn đã có thể học Beatbox ở bất cứ đâu”, Huy nói.
Hầu hết các thành viên MS Club là sinh viên các trường ĐH, CĐ và THPT trên địa bàn thành phố và đều đến với môn nghệ thuật này khá tình cờ. Minh Quang (sinh viên Trường ĐH Kinh tế - ĐH Đà Nẵng) trong một lần lang thang trên mạng được bạn gửi một clip về Beatbox. Thế là Quang tập và mê với “nhạc miệng” lúc nào chẳng hay. Rồi cả các bạn nữ cũng bị lôi cuốn bởi những tiếng “bụp bụp, chát chát” của Beatbox, như Ngọc Dung - thành viên mới toanh của CLB, trong khi Kiều Oanh (học sinh Trường THPT Phan Châu Trinh) được bạn bè rủ tham gia rồi trở nên say mê bộ môn này.
Theo các thành viên của CLB MS, ở Đà Nẵng nói riêng, Việt Nam nói chung đều chưa có tài liệu dạy Beatbox. Các bạn trẻ vào mạng Internet tìm kiếm, dịch các tài liệu, xem các clip của nước ngoài, tự học rồi chia sẻ với bạn bè, sau đó sáng tạo những âm thanh của riêng mình. Chính niềm đam mê đã kéo những người chơi Beatbox lại với nhau.
Song, hiện ở Đà Nẵng, các CLB của các bạn trẻ say mê Beatbox, Hiphop hay nghệ thuật đường phố nói chung chủ yếu tập luyện và sinh hoạt ở công viên, vỉa hè, đường phố chứ chưa hình thành những CLB có cơ sở chuyên nghiệp, cũng chưa tạo ra được nguồn kinh phí để duy trì hoạt động bền vững.
Từ những năm 1970, người Pháp kết hợp dòng nhạc Acapella, Blue và Jazz với những giai điệu của người dân châu Phi tạo ra một loại hình mới: nghệ thuật tạo nhạc bằng miệng - Beatbox. Đây là sự mô phỏng âm thanh của bộ gõ bằng miệng như tiếng trống, guitar điện, giả lập tiếng xước đĩa của DJ (scratch), thậm chí cả những kỹ thuật khó như vừa đánh trống vừa hát, vừa đàn vừa hát. Beatbox phổ cập khá rộng rãi và được coi là bộ môn thứ 5 của Hiphop. |
Bài và ảnh: THANH TÂN