Về thôn Hưởng Phước (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang), hỏi những đứa trẻ chăn trâu về “ông Mai dân ca”, chúng tôi nhận được dồn dập những lời đáp: “Em biết, để em dẫn đi!”, “Em cũng biết”…
Ông Mai với công việc thường nhật. |
Khi chúng tôi vừa bước vào khoảng sân rộng rãi, thoáng đãng của nhà “ông Mai dân ca”, cảm giác mệt mỏi sau chặng đường khá dài với cái nóng và bụi chợt tan biến. Ngồi trên bộ bàn ghế bằng gỗ giữa sân ngắm cây cảnh, nghe chim hót, cảm giác thư thái không gì bằng. Ngôi nhà yên bình đến nỗi khách đến ngồi ngắm cảnh được một lúc rồi mà người trong nhà vẫn không ai hay biết. Khi chúng tôi cất tiếng gọi lần thứ hai thì một thanh niên mới ra và đưa tôi đến một ngôi nhà nhỏ khác có khoảng sân và một vườn mướp. Ông Mai đang đóng chõng tre ở đó, niềm nở rằng “làm để nuôi vợ nuôi con đây!”.
Vở diễn đoạt 5 Huy chương Vàng
Bên ấm trà đặc, ông Mai cho biết: “Nghề nông là chính thứ nhất, nghề ni (đóng chõng tre) là chính thứ nhì, làm để sống và để viết dân ca”. Rồi ông bắt đầu kể chuyện về “Niềm tin” - vở dân ca kịch đầu tay mà ông tâm đắc nhất trong hơn 30 năm vừa cày ruộng vừa cầm bút của mình. Ông nói, đó là những ngày mùa hè năm 1979 khi cả vùng Hòa Vang nô nức với sự kiện xây dựng hồ chứa nước Hòa Trung để khắc phục tình trạng thiếu nước kéo dài, đặc biệt vào mùa hạn. Với tầm nhìn của lãnh đạo tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ), đây là việc đáng mừng, nhưng với người dân quanh năm cày cấy, chưa thoát khỏi những suy nghĩ cổ hủ, lạc hậu thì chuyện làm hồ Hòa Trung trên núi chẳng khác mấy việc “treo nước lên cây”. Theo yêu cầu của Ty Thủy lợi, vở dân ca kịch “Niềm tin” được chắp bút, dàn dựng và hoàn thành một tháng sau đó.
Với ca từ mộc mạc, tiết tấu vui tươi, “Niềm tin” được biểu diễn trên sân khấu, trên công trường, nương ruộng đã cổ động tinh thần làm việc của người dân, đặc biệt góp phần vun đắp niềm tin của mọi người vào thắng lợi của công trình sẽ phục vụ chính lợi ích của họ, để từ đó thêm tin vào chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước. Ông Mai tự hào khoe thêm, vở dân ca kịch “Niềm tin” sau đó được đến 5 Huy chương Vàng tại Hội diễn sân khấu dân ca toàn quốc năm 1981, được vinh dự biểu diễn phục vụ Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn trong một lần ông vào thăm khu 5.
Đam mê bất tận
Tên đầy đủ của “ông Mai dân ca” là Nguyễn Hữu Mai (62 tuổi), người gốc Hòa Liên, sinh ra trong một gia đình nông dân giàu truyền thống cách mạng. Theo ông biết thì trong gia đình mình chẳng ai có năng khiếu văn chương, hát hò. Nhưng từ nhỏ, ông Mai đã rất thích hát và thích sáng tác. Làm Trưởng ban Văn hóa - Thông tin xã, đội trưởng đội Thông tin lưu động huyện Hòa Vang, và may mắn được học lớp tập huấn dân ca, kịch sân khấu của thầy Vĩnh Huế, cô Thu Loan, trước năm 1979, ông Mai sáng tác kịch nói, kịch thơ tại quê nhà. Chỉ khi đến “Niềm tin”, ông mới phát hiện niềm đam mê đặc biệt với dân ca và tự cảm thấy “hình như mình có khiếu”. Từ đó, “Nắng sớm trên đồi mít” (nói chuyện phong trào trồng mít năm 1982 ở Hòa Vang), “Bản kiểm điểm” (phê phán những tiêu cực trong cách làm của hợp tác xã cũ, năm 1985)… cùng hàng loạt những tác phẩm dân ca giàu chất sống, thấm đượm hơi thở thời cuộc ngày ấy đã theo người mê dân ca đi khắp Hòa Vang rồi đến Núi Thành, lên Trà My, về Đại Lãnh, huyện Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam)… “Ngày ấy biểu diễn sướng lắm, người ta gùi gạo đi xem dân ca, mặc dù ánh đèn sân khấu chỉ là mấy ngọn măng-sông tối thui nhưng họ vẫn ngồi say sưa, sân khấu đóng rồi mà còn lưu luyến chưa chịu về. Ôi, cái thời Hòa Vang quanh năm hội diễn, bốn mùa hội thi ấy!”, ông Mai nhớ lại.
Ông Mai cũng nói rằng, ngày nay có bao nhiêu chuyện để viết dân ca, chuyện thanh niên, chuyện phụ nữ, công đoàn, thiếu nhi, người cao tuổi, chuyện an toàn giao thông, văn hóa-văn minh đô thị…, miễn là người ta còn cần là ông vui rồi. Đến bây giờ, ông Mai không còn tham gia biểu diễn và không thể nhớ hết mình đã viết bao nhiêu vở dân ca, bao câu hò Quảng. “Đứa con (tác phẩm – NV) nào ra đời mình cũng phải xem cho được nó sống thế nào, thấy người ta chăm chút, công phu thì mình sẽ vui hơn”, ông Mai thổ lộ.
Chưa bao giờ “ông Mai dân ca” tự nhận mình là nghệ sĩ. Đề cập đến cái nghiệp suốt đời theo đuổi, ông chỉ nói giản dị: “Chỉ cần thuộc Truyện Kiều, thuộc lục bát, yêu quê hương thì sẽ viết được dân ca”.
Bài và ảnh: THANH TÂN