.

Những người say đồ cổ

.

Không ít dân chơi Đà thành vẫn miệt mài với cuộc “cổ ngoạn”, đam mê những cổ vật quý hiếm, đòi hỏi lắm công phu, thời gian và tiền bạc.

Ông Mười Thương bên bộ áo giáp của võ sĩ Samurai đắt tiền mới tậu được, một trong những chuẩn bị cho trưng bày Văn hóa Việt - Nhật mà ông đang ấp ủ.
Ông Mười Thương bên bộ áo giáp của võ sĩ Samurai đắt tiền mới tậu được, một trong những chuẩn bị cho trưng bày Văn hóa Việt - Nhật mà ông đang ấp ủ.

Người “giàu” nhất Đà Nẵng

Nhắc đến thú chơi đồ cổ ở Đà Nẵng, có lẽ không ai không biết đến tên tuổi Mười Thương. Mười Thương là cách gọi ghép tên của hai vợ chồng ông Nguyễn Mười và bà Ngô Thị Thương, những người đã gắn bó với các món đồ cổ từ hơn 20 năm nay. Khoảng đầu năm 1990, lần đầu tiên bắt gặp những món đồ gốm sứ Chu Đậu (Hải Dương) do các ngư dân trục vớt từ biển (ở Cù lao Chàm, Quảng Nam), hai vợ chồng Mười Thương đã mê mẩn và bén duyên với nghề buôn đồ cổ từ đó.

Bà Thương cho biết, buôn đồ cổ sinh lợi khá lớn, nhất là khi gặp đúng dân sành chơi bởi họ sẵn sàng trả giá cao gấp 3-4, thậm chí trên cả chục lần so với giá gốc. Có thu nhập, có điều kiện tiếp tục chơi đồ cổ thì càng chơi, càng hiểu, càng mê. Cứ thế, “bệnh nghiền đồ cổ cứ ngấm dần vào máu thịt tôi lúc nào không hay. Có những món đồ cổ độc, hiếm, người chơi tứ xứ tìm đến trả giá cao ngất ngưởng, nhưng vợ chồng tôi nhất định không bán”, bà Thương chia sẻ.

Ông Mười từng được coi là người “giàu” nhất Đà Nẵng với việc sở hữu hàng chục tấn tiền xu của các triều đại vua chúa. Theo ông Mười, tiền xu là món đồ cổ có sức mê hoặc lớn và ông thường nói vui rằng, “tôi mê tiền lắm!”. Từ đồng tiền từng bị vùi sâu dưới lòng đất, hay ngoài biển khơi, đến tiền dân gian, tiền cung đình, tiền báo hiếu, tiền ban thưởng…, ông Mười đều tỉ mẫn sưu tầm, rồi cất giữ cẩn thận. Đồng tiền chứa đựng hơi thở cuộc sống của từng thời đại, nhìn vào đồng tiền có thể biết được triều đại đó thịnh hay suy. Ví như triều nhà Mạc, chiến tranh liên miên, vàng đồng không đủ đúc vũ khí nên đồng tiền chủ yếu được đúc bằng kẽm. Thời Minh Mạng thịnh vượng, người ta lại thấy nhan nhản tiền bằng vàng, bạc, đồng… Nhìn đồng tiền còn có thể hình dung cuộc sống, lề lối sinh hoạt của cha ông một thời. Ông Mười “mê tiền” vì lẽ đó. Tuy nhiên, hiện nay vì nhiều lý do khách quan, ông Mười không thể giữ nguyên vẹn lượng đồng xu khổng lồ ấy. Vợ chồng ông vẫn tiếp tục sưu tập, sở hữu hàng ngàn đồ gốm, đồ đồng, sứ, tranh đá cổ… qua nhiều triều đại của Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản cho cửa hàng đồ cổ tại gia ở Đà Nẵng và chi nhánh ở thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời chuẩn bị thành lập một Bảo tàng tư nhân mà cả hai đã ấp ủ từ lâu.

Giữ hồn văn hóa Việt

Theo tâm sự của ông bà Mười Thương, việc phân biệt đồ cổ thật với đồ cổ giả cũng từ kinh nghiệm chơi và buôn bán mà có. Nếu người sưu tập chịu khó nghiên cứu lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, địa lý... để tích lũy kiến thức, thì hiểu biết về cổ vật sẽ thêm sâu sắc và niềm vui cảm nhận sẽ càng lớn lao. Ông Mười khẳng định, không cần phải là... tỷ phú mới có thể chơi đồ cổ và thật ra có những tỷ phú tuy sở hữu nhiều đồ cổ nhưng vẫn không phải là người chơi đồ cổ thật sự. Với những người say mê đồ cổ mà ít tiền, có thể chọn cho mình một loại nào phù hợp với sở thích và điều kiện tài chính, chẳng hạn có người chuyên sưu tầm các đồng xu, hay bình vôi ăn trầu, hoặc chung uống trà cổ... Qua thơ, họa khắc trên các chung trà, bề dày văn hóa của nhiều thời đại quá khứ sẽ tái hiện và cho người ngắm những trải nghiệm thú vị.

Không được lau chùi cẩn thận, bày biện bắt mắt như tiệm đồ cổ của hai vợ chồng Mười Thương, căn nhà nhỏ đầy đồ cổ của anh Trương Hoài Tuyên (đường Lê Hữu Trác, quận Sơn Trà) lại làm người xem choáng ngợp bởi cách sắp đặt thoạt nhìn có vẻ tùy tiện và ngổn ngang, nhưng thật ra trong đó có cả trình tự văn hóa… Bình gốm, nồi đồng, niêu đất, bình vôi… cùng thúng tiền xu dính cục, một số bức tượng đất… chễm chệ từ ngoài cổng đến sân nhà, ban-công, phòng khách. Đặc biệt, có nhiều món đồ rất quý như bộ nồi đồng, thúng tiền xu trên 1 tạ còn dính nguyên đất sét, bê-tông. Anh Tuyên bảo, anh thích sự tự nhiên, giản dị, những vật do tiền nhân để lại và không muốn có bất kỳ một tác động mới nào.

Xuất phát từ nghề thu mua phế liệu, anh Tuyên đến với đồ cổ từ 15 năm nay. Trước đây, anh cũng đam mê nhiều thứ lắm, từ Tây, Tàu, đến Chăm, Việt… Nhưng càng chơi, anh càng nhận ra mình thích gần gũi những gì gắn với hồn cốt người Việt, thích những gì hiền hậu và giản đơn. Anh mê những bình gốm Quảng Đức, đồ đồng Thanh Hóa, bình vôi Bình Định…, cả những bát, bình méo mó, bởi đó là sản phẩm làm bằng tay của người Việt xưa.

Lưu giữ những sản phẩm thuần Việt, sưu tập đầy đủ các đồ cổ thuần Việt qua các triều đại là cách giữ hồn văn hóa Việt của một người chơi đồ cổ như anh Tuyên. Trong khi đó, lý giải về việc bỏ hàng tỷ đồng để mua các đồ cổ “độc” từ các nước, ông Mười Thương nói rằng, xây dựng một bảo tàng tại gia với sự trưng bày đa dạng, trong đó xen kẽ cả những món đồ cổ độc đáo mang hơi thở cuộc sống Tây phương một thời cũng là cách giữ gìn văn hóa Việt - gìn giữ trong sự giao lưu, vận động, so sánh để khẳng định mình một cách mạnh mẽ, dứt khoát và cởi mở.

Bài và ảnh: THANH TÂN

;
.
.
.
.
.