Báo Đà Nẵng tiếp tục nhận được ý kiến chia sẻ của nhiều nhạc sĩ xung quanh vấn đề thiếu ca khúc hay về thành phố bên sông Hàn.
* Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu:
Khó lý giải cho sự “tình cờ” của nghệ thuật
Bây giờ ngồi viết thì chưa chắc tôi đã có được một “Giải phóng quân” như ngày xưa. Hay trong một đêm rất khó để có “Đà Nẵng ơi, chúng con đã về”, như cái đêm biết tin Đà Nẵng giải phóng, gần hơn là “Quảng Nam yêu thương”...
Phải nói rằng, vấn đề cảm xúc người nhạc sĩ, tính thời điểm xuất hiện ca khúc rất quan trọng. Tính đến bây giờ, tôi đã sáng tác khá nhiều ca khúc về Đà Nẵng, nhưng nói thật lòng, chưa có ca khúc nào khiến tôi thấy hài lòng. Bệnh đau đầu, hay đau bụng, chỉ cần uống thuốc chữa đau đầu, đau bụng sẽ khỏi ngay, còn chuyện tìm lời giải cho ca khúc hay về Đà Nẵng thì thật khó để tìm ra phương cách cụ thể. Đặc biệt, trong nghệ thuật, đừng nên lấy cái này so sánh với cái kia, rồi quy chụp ngang bằng, hơn thua, bởi mỗi sự ra đời của ca khúc gắn với một thời điểm, có thể một sự tình cờ, không lặp lại. Và chuyện treo giải 100, 200 triệu đồng hay hơn thế nữa cũng không phải cách để có ca khúc hay, vì tác phẩm nghệ thuật là thứ đặc biệt không thể mua mà có.
Là người con của Đà Nẵng, tôi luôn cảm thấy mình mắc nợ một ca khúc để đời cho quê hương. Sắp tới, khi sức khỏe còn cho phép, nhất định tôi sẽ về Đà Nẵng sống ở Bà Nà, hay một làng quê của thành phố một thời gian, tiếp tục tìm niềm cảm hứng, tìm sự tình cờ tuyệt diệu trong âm nhạc.
* Nhạc sĩ An Thuyên:
Cần đầu tư cho “sự xuất hiện” của ca khúc
Sáng tác một ca khúc hay hoàn toàn không giống chuyện xây một ngôi nhà, mà khó hơn gấp mười, gấp trăm lần chuyện xây nhà. Chúng ta cần quan niệm thế nào là ca khúc hay, thế nào là ca khúc nổi tiếng. Được ca khúc như mong muốn là cả quá trình từ người sáng tác đến người sử dụng.
Không phải nhạc sĩ Đà Nẵng không có tài, hơn nữa Đà Nẵng cũng đã quy tụ được nhiều nhạc sĩ tên tuổi của cả nước, không phải Đà Nẵng chưa có ca khúc hay, mà vấn đề là Đà Nẵng chưa sử dụng, chăm chút thật tốt cho những tài năng và những ca khúc hay ấy. Ngày xưa “Huế thương” của tôi xuất hiện trong cầu truyền hình trực tiếp 3 miền, ngay khi tiếng hát của người ca sĩ cất lên thì gần như hàng triệu trái tim người Việt cả Bắc, Trung, Nam đều chung nhịp đập. Hay “Hà Tĩnh mình thương” của tôi cũng xuất hiện trong một thời điểm rất xúc động, khi Hà Tĩnh đang oằn mình trong trận lũ lịch sử, thì bài hát cũng được phát trực tiếp từ Hà Nội đến thành phố Hồ Chí Minh... Còn bây giờ, đơn cử những ca khúc về Đà Nẵng theo tôi có chất lượng như “Sông Hàn tình yêu của tôi” (An Thuyên), “Người Đà Nẵng” (Nguyễn Thụy Kha)..., thì ngay cả người Đà Nẵng cũng không mấy khi nghe đến. Nếu Đà Nẵng cứ mời nhạc sĩ về sáng tác, nhưng rồi tác phẩm, tâm sức của họ cứ bị bỏ lửng như thế, thì hỏi làm sao họ có đủ nhiệt tình để quay lại thành phố lần tiếp theo. Cách làm dàn trải và chưa tới nơi của Đà Nẵng sẽ rất khó cho việc tìm kiếm ca khúc hay, nhất là trong lúc nền âm nhạc “loạn” lên như thế này.
* Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha: “Duyên” chưa tới
Theo tôi, cái “duyên”, đó là lý do đầu tiên và là lý do chính. Đến nay, Đà Nẵng chưa có ca khúc nổi tiếng, vậy là duyên vẫn chưa tới. Lý do thứ hai, có lẽ thuộc về quá trình tạo ra ca khúc hay cho thành phố có vấn đề gì đó, còn lúng túng ở khâu nào đó.
Hiện có hai cách đầu tư cho ca khúc chủ yếu, một là đầu tư theo diện rộng, theo kiểu “quét sạch”, hai là đầu tư “điểm”. Đà Nẵng đã mở nhiều trại sáng tác, nhiều cuộc thi, treo nhiều giải thưởng lớn, đã đầu tư theo diện rộng, nhưng hình thức đầu tư này vẫn chưa tạo ra ca khúc hay về thành phố. Đà Nẵng cũng đã đầu tư “điểm” bằng cách chọn các nhạc sĩ: Phan Huỳnh Điểu, Nguyễn Văn Tý, An Thuyên, Trần Tiến... Không ai phủ nhận tài năng của những nhạc sĩ này, nhưng hình như các điểm ấy vẫn chưa “trúng”. Trong lúc chờ “duyên”, Đà Nẵng cần tiếp tục duy trì cả hai cách thức tạo ca khúc để có thể tận dụng mọi cơ hội cho sự xuất hiện của ca khúc hay. Đặc biệt, trước khi “sản xuất” ca khúc mới, cần tận dụng một sách triệt để, quảng bá cho thật tới những ca khúc hiện có, tránh tình trạng bỏ sót những ca khúc có thể sẽ đủ sức lay động triệu triệu trái tim cả nước trong hơn cả ngàn ca khúc hiện có.
Là người con của Đà Nẵng, tôi luôn cảm thấy mình mắc nợ một ca khúc để đời cho quê hương. Sắp tới, khi sức khỏe còn cho phép, nhất định tôi sẽ về Đà Nẵng sống ở Bà Nà, hay một làng quê của thành phố một thời gian, tiếp tục tìm niềm cảm hứng, tìm sự tình cờ tuyệt diệu trong âm nhạc. Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu |
THANH TÂN ghi