Sau bài viết “Thiếu ca khúc hay về thành phố bên sông Hàn” đăng trên Báo Đà Nẵng, số ngày 21-5-2012, nhiều bạn đọc đã chia sẻ những suy nghĩ, mong ước sẽ có những tác phẩm âm nhạc về Đà Nẵng làm lay động trái tim của người dân cả nước.
Nhạc sĩ cần thăng hoa xúc cảm
Bàn về ca khúc hay, đầu tiên phải quan tâm đến tài năng của nghệ sĩ. Nói thế không có nghĩa là Đà Nẵng thiếu tài năng quy tụ. Các nhạc sĩ nổi tiếng của cả nước như: Trần Tiến, An Thuyên, Nguyễn Cường, Đỗ Hồng Quân, Trần Hoàn, Thuận Yến, Phan Huỳnh Điểu… đều đã đến Đà Nẵng với mong muốn tìm kiếm ca khúc hay về thành phố “đầu biển cuối sông”, nhưng rốt cục vẫn chưa thể có ca khúc vượt khỏi địa giới Đà Nẵng. Vậy, vấn đề ở đây có thể là Đà Nẵng đã không làm tài năng của các nghệ sĩ thăng hoa bằng những cuộc thi, những giải thưởng lớn...
Có thể các tên tuổi lớn đến Đà Nẵng rồi để lại ca khúc theo kiểu “trả nợ” cái thịnh tình của người dân thành phố, chứ cảm xúc chưa đủ độ chín, hoặc chưa đến thời điểm. Sáng tác nghệ thuật như người câu cá vậy, có khi ngồi cả ngày, bị rỉa hết bao nhiêu mồi ngon nhưng con cá muốn câu thì vẫn không thể câu được. Có lẽ cần có những chuyến đi, những trải nghiệm tự nhiên hơn. Nghĩa là chúng ta phải biết chờ đợi, tất nhiên không phải bó tay chờ đợi mà phải tăng cường các hoạt động quảng bá, kích thích sáng tạo nghệ thuật và không thể phủ nhận rằng, Đà Nẵng đang yếu khâu này. Hơn nữa, đòi hỏi người nghe đối với âm nhạc hiện khắt khe hơn nhiều lần so với trước kia. Bên cạnh đó, việc giữ gìn, gầy dựng những nét riêng của Đà Nẵng cũng sẽ góp phần làm cho những tác phẩm sau này của thành phố biển trở nên đậm đà hơn.
(Ông Hồ Hải Học, nguyên Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học -Nghệ thuật Đà Nẵng)
Ca khúc mang âm hưởng dân ca đã đi vào lòng người
Ngoài những ca khúc lớp trẻ ngày xưa chúng tôi vẫn thuộc như “Cô du kích Đà Nẵng” (Thanh Anh), “Đà Nẵng ơi, chúng con đã về” (Phan Huỳnh Điểu)…, bây giờ tôi chỉ mê những ca khúc về Đà Nẵng có âm hưởng dân ca như “Em có về Đà Nẵng cùng anh” (Trần Ái Nghĩa), “Đà Nẵng tình người” (nhạc Đình Thậm, thơ Ngân Vịnh). Còn những ca khúc khác thực sự tôi không rõ lắm. Theo tôi, các ca khúc này đã thật sự đi vào lòng người Đà Nẵng. Nhưng chúng tôi cũng mong ước người dân ở các tỉnh, thành khác cũng biết đến và yêu các bài hát về Đà Nẵng.
(Ông Nguyễn Hữu Mai, 62 tuổi, ở xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang)
Sáng tạo nghệ thuật không phải là “cưỡi ngựa xem hoa”
Muốn có tác phẩm nghệ thuật đích thực về một vùng đất, một địa danh, người nhạc sĩ phải gắn bó, phải “sống chết” với vùng đất, với địa danh ấy mới có thể khám phá được những vẻ đẹp tiềm ẩn, những nét riêng giàu sức rung cảm. Viết thành bài hát thì dễ nhưng để có bài hát hay thì cực khó. Ngay cả một thao tác tưởng chừng rất nhỏ là đưa hai tiếng “Đà Nẵng” vào ca khúc làm sao cho mềm mại, uyển chuyển đòi hỏi biết bao tâm sức của người nghệ sĩ tâm huyết. Người thưởng thức không phải nghe bài hát một lần thì có thể cảm nhận hết cái hay, cái đẹp của bài hát ấy. Vì vậy, cần phải tăng cường hoạt động quảng bá, ghi âm, thâu băng đĩa, để khán giả có cơ hội được nghe đi nghe lại. Tôi tự hỏi tại sao Đài Phát thanh - Truyền hình thành phố không có chương trình “Tiếng hát quê hương” hằng tuần, hằng tháng, để người Đà Nẵng được nghe nhiều hơn các ca khúc về Đà Nẵng.
(Nhạc sĩ Đình Thậm - Giám đốc Nhà hát Trưng Vương)
THANH TÂN (ghi)