.

Cần biểu tượng nhiếp ảnh mới về Đà Nẵng

.

Đã đến lúc ống kính của các nhà nhiếp ảnh cần sáng tạo thêm những biểu tượng mới về Đà Nẵng, tăng cường quảng bá hình ảnh thành phố thay vì chỉ có hình ảnh cầu sông Hàn hơn 10 năm nay.
 

Cầu Sông Hàn - một biểu tượng của Đà Nẵng.                                Ảnh: TRẦN NGỌC
Cầu Sông Hàn - một biểu tượng của Đà Nẵng.                                          Ảnh: TRẦN NGỌC

Dạt dào dáng núi, hình sông...

Theo ý kiến của các nhà nhiếp ảnh và các phóng viên ảnh trên địa bàn thành phố, Đà Nẵng không thiếu những cảnh đẹp, độc đáo, có thể trở thành biểu tượng riêng của thành phố, chứ không nhất nhất chỉ có cầu sông Hàn. Ông Huỳnh Anh, Chủ nhiệm CLB Nhiếp ảnh sông Hàn, giải thích Đà Nẵng có biển xanh ngắt, có Ngũ Hành Sơn hùng vĩ, có bán đảo Sơn Trà duyên dáng, có đỉnh Bà Nà quanh năm sương phủ… Nhưng các nghệ sĩ nhiếp ảnh chưa phát huy hết những nét đẹp thiên phú ấy, chưa tìm được góc nhìn đắc địa nhất để tạo nên những bức ảnh, bức tranh đậm “hồn” Đà Nẵng. Và theo ông Anh, nếu được chọn một trong số những nét đẹp thiên phú đó, ông sẽ chọn biển, vì biển Đà Nẵng vừa đẹp, vừa giàu có. Tuy nhiên, tìm cách thể hiện như thế nào để biển Đà Nẵng khác biển Nhà Trang, Vũng Tàu… lại là chuyện không hề đơn giản. Bởi lẽ hiện nay, giới nhiếp ảnh Đà Nẵng chưa có được “góc biển Đà Nẵng” nào thật sự độc đáo và không bị trộn lẫn ấy.

Gần chung quan điểm với Chủ nhiệm CLB Nhiếp ảnh sông Hàn, nhà nhiếp ảnh Ông Văn Sinh cũng cho rằng, biển nên là lựa chọn số một của các nhà nhiếp ảnh khi muốn tìm kiếm hình ảnh đặc trưng cho Đà Nẵng. Và để tạo nét khu biệt với biển của các địa phương khác trong cả nước, các tay máy cần tìm góc sáng tạo có thể gắn được Ngũ Hành Sơn với biển, vì chỉ Đà Nẵng mới có Ngũ Hành Sơn. Gần gũi hơn, có thể gắn với khu resort hiện đại, trẻ trung dọc bờ biển… Còn phóng viên ảnh Vũ Công Điền lại cho rằng, chụp thế nào thì chụp, nhưng nhất định phải có núi, có biển, có sông, có cả góc phố sầm uất tạc vào dáng sông, dáng núi ấy thì sẽ có một biểu tượng ảnh đẹp cho Đà Nẵng. Cửa Hàn - nơi gặp gỡ của sông và biển cũng là một lựa chọn độc đáo, rồi cầu Rồng trong tương lai… cũng là những biểu tượng mà người Đà Nẵng nên bắt đầu nghĩ tới.

“Chất” Đà Nẵng

Khá khác biệt với ý kiến của các đồng nghiệp, phó nháy tên tuổi Ngọc Hợi không chọn cho mình một góc riêng nào. Ông cho rằng, các nghệ sĩ có thể tha hồ tìm kiếm mọi nơi chốn, ngóc ngách của thành phố, miễn tác phẩm nghệ thuật được tạo ra sẽ đậm chất Đà Nẵng. Như Huế, đâu phải chỉ có Cổng Ngọ Môn, Thành Nội, dòng sông Hương, hay cầu Tràng Tiền mà một cành phượng rũ duyên dáng cũng tạo thành nét Huế. Tất cả phụ thuộc vào tài năng của người nghệ sĩ. Có điều, theo nhà nhiếp ảnh Ngọc Hợi, nói như thế không có nghĩa mọi thứ là không cùng, bởi một người có thể tự tin bảo rằng mình yêu Đà Nẵng, mình hiểu hết vẻ đẹp Đà Nẵng, thì ngoài sông, biển, những cây cầu, bạn cần biết 4 đỉnh, có thể gọi là 4 “tuyệt đỉnh” để ngắm thành phố đầu biển, cuối sông. Đó là đỉnh đèo Hải Vân nhìn về Vịnh Đà Nẵng, nhìn xuống chân đèo; đỉnh Sơn Trà nhìn ra biển Đông, nhìn về thành phố; đỉnh Ngũ Hành Sơn hướng về sông Cổ Cò, nhìn về phía Tây Đà Nẵng và đỉnh Bà Nà nhìn về thành phố lúc bình minh, hoàng hôn, cũng như khi màn đêm buông xuống… Đó là những điểm ngắm đắc địa giúp khám phá được vẻ đẹp tinh diệu của non nước, vạn vật Đà thành.

Ông cũng cho rằng, Đà Nẵng cần sớm tổ chức những cuộc thi có trọng tâm, đề cập thẳng vấn đề tìm kiếm ảnh biểu tượng Đà Nẵng, chắc chắn các nghệ sĩ nhiếp ảnh thành phố cũng như cả nước sẽ rất hưởng ứng. Chủ nhiệm CLB Nhiếp ảnh sông Hàn Huỳnh Anh cũng cho rằng, nên tổ chức những cuộc triển lãm chuyên đề (chẳng hạn về biểu tượng biển Đà Nẵng) thay vì các cuộc thi chung chung như trước.

Đặc biệt, khi chia sẻ với chúng tôi, nhiều ý kiến còn nhận định rằng, biểu tượng về một vùng đất, một xứ sở, không phải cứ cứng nhắc chụp lấy cảnh quan, mà cũng có thể là con người tiêu biểu.

THANH TÂN

;
.
.
.
.
.