.

Công nhân cần nơi giải trí

.

Thiếu các thiết chế văn hóa ở các khu công nghiệp (KCN) và khu chế xuất (KCX), đời sống tinh thần của công nhân, lao động rất nghèo nàn.
 

Công nhân rất cần môi trường thích hợp để nghỉ ngơi, sinh hoạt, học tập, rèn luyện, thư giãn… nhằm tái tạo sức lao động. Trong ảnh: Công nhân Công ty TNHH Valley View (Khu công nghiệp An Đồn) trong giờ làm việc.                                                                                                                                               (Ảnh mang tính minh họa).
Công nhân rất cần môi trường thích hợp để nghỉ ngơi, sinh hoạt, học tập, rèn luyện, thư giãn… nhằm tái tạo sức lao động. Trong ảnh: Công nhân Công ty TNHH Valley View (Khu công nghiệp An Đồn) trong giờ làm việc. (Ảnh mang tính minh họa).

Sau mỗi ngày làm việc, anh Nguyễn Văn Hải (quê huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) cùng nhóm công nhân trong khu trọ của mình thường xuyên tổ chức nhậu. Anh Hải cho biết, lúc mới ở quê ra anh đâu có biết nhậu nhẹt gì, nhưng qua mấy năm làm công nhân một công ty ở KCN Hòa Khánh, việc ăn nhậu vào mỗi buổi chiều đã trở thành thói quen. Anh Hải tâm sự: “Làm công nhân như tụi em sau giờ làm việc còn biết đi đâu, chơi gì ngoài nhậu và cà-phê. Chúng em muốn tham gia các hoạt động thể thao, văn hóa lắm chứ, nhưng chẳng biết chơi ở đâu. Trong KCN này không có thiết chế văn hóa nào phục vụ cho công nhân”.

Trong những năm qua, các KCN và KCX trên địa bàn Đà Nẵng thu hút mạnh giới đầu tư cả trong lẫn ngoài nước vì giá thuê cơ sở hạ tầng và nhân công rẻ cùng với nhiều chính sách ưu đãi của thành phố. Tuy nhiên, chủ đầu tư chỉ quan tâm đến phát triển sản xuất, kinh doanh và tăng lợi nhuận mà không bị ràng buộc trách nhiệm phải chăm lo đến điều kiện làm việc, ăn, ở..., nhất là hưởng thụ văn hóa của người lao động. Tại các KCN và KCX Thọ Quang, Hòa Khánh, Hòa Cầm, An Đồn, và gần đây là KCN Liên Chiểu mở rộng (Thanh Vinh)… với diện tích hàng chục hecta và thu hút hàng chục ngàn công nhân, lao động mỗi năm, nhưng chúng tôi mỏi mắt đi tìm cũng không nhìn thấy một khu vui chơi giải trí hay bất kỳ một công trình văn hóa nào khác.

Cách đây vài năm, được sự quan tâm của lãnh đạo thành phố, công trình Nhà Văn hóa Lao động đã được xây dựng và đưa vào sử dụng nhằm đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí của công nhân và người lao động. Tuy nhiên, đối với công nhân tại các KCN và KCX trên địa bàn thành phố, Nhà Văn hóa Lao động là một thiết chế văn hóa nằm ngoài “tầm với” của họ.

Anh Hồ Thanh Điệp, công nhân KCN Hòa Khánh, cho rằng không chỉ riêng Nhà Văn hóa Lao động, mà đối với bất kỳ các thiết chế văn hóa nào của thành phố như: nhà hát, rạp chiếu phim, thư viện…, công nhân ở KCN Hòa Khánh cũng không thể được hưởng thụ đầy đủ, bởi những nơi đó ở quá xa các KCN và lý do chính vẫn là do thu nhập thấp, lại chịu áp lực về thời gian làm việc… nên rất ít người lao động có điều kiện tham gia các hoạt động giải trí cách xa nơi họ ở.

Thiếu các thiết chế văn hóa, việc thỏa mãn các nhu cầu văn hóa tinh thần của công nhân sẽ gặp khó khăn. Công nhân tìm đến các hoạt động bên ngoài như các quán cà-phê, đại lý Internet công cộng, các khu vui chơi giải trí tư nhân… Đến với những dịch vụ này, công nhân phải tiêu tốn một khoản tiền khá lớn vì ở đó không có hoạt động trợ giá. Chưa kể họ còn phải đối diện nguy cơ tiêm nhiễm các văn hóa phẩm đồi trụy và tệ nạn xã hội. Thậm chí, nhiều công nhân lao vào những cuộc nhậu thâu đêm và trở thành thói quen nguy hại cho bản thân và xã hội.

Bài và ảnh: VĂN NỞ

;
.
.
.
.
.