.

­Để bảo tàng gần hơn với công chúng

.

Đối với nhiều du khách thập phương, Bảo tàng Điêu khắc Chăm ở Đà Nẵng luôn là điểm đến hấp dẫn. Nhưng trong lòng người dân địa phương, nơi đây lại là chốn thâm nghiêm, có phần kỳ bí và xa lạ.

Bức Tiên nữ đầu người mình chim (ảnh trái) và tượng sư tử được trưng bày trong chuyên đề Giao lưu nghệ thuật Đại Việt - Chămpa.
Bức Tiên nữ đầu người mình chim (ảnh trái) và tượng sư tử được trưng bày trong chuyên đề Giao lưu nghệ thuật Đại Việt - Chămpa.

Thưa thớt khách nội địa

Bà Nguyễn Thị Dung (60 tuổi, trú phường Thạch Thang, quận Hải Châu) cho biết, tuy là người gốc Đà Nẵng nhưng chưa một lần bà đến Bảo tàng Điêu khắc Chăm. Lý do bà nêu ra là vì “cổ vật Chăm thiêng lắm”, bà sợ… nên không đến. Chị Lê Thị Hoàng Anh (28 tuổi, trú phường Tân Chính, quận Thanh Khê) cũng cho biết, từ nhỏ đến giờ, chị chưa đến Bảo tàng Điêu khắc Chăm lần nào. Hoàng Quý Phước (21 tuổi, quê Quảng Nam, sinh viên Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng) kể: 3 năm học tập và sinh sống ở Đà Nẵng, Phước đã cùng bạn bè tham quan chùa Linh Ứng, Bãi Bụt, suối Lương… vì các điểm đến này vừa đẹp, vừa mát mẻ lại ít tốn kém. Phước và các bạn không nghĩ đến các bảo tàng, nhất là muốn vào Bảo tàng Điêu khắc Chăm phải mua vé.

Khác bà Dung, chị Hoàng Anh và Quý Phước, ông Huỳnh Văn Giáp (62 tuổi, cán bộ hưu trí ở quận Cẩm Lệ) đã đến Bảo tàng Điêu khắc Chăm vào tháng 4 năm ngoái. Ông bộc bạch: “Các tượng Chăm đẹp thật đấy, nhưng thật lòng tôi chẳng hiểu được bao nhiêu”.

Theo thống kê của Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng, 6 tháng đầu năm 2012, bảo tàng đón hơn 95.000 lượt khách tham quan, nhưng chỉ có hơn 8.000 khách nội địa (chiếm khoảng 8,4%), còn lại chủ yếu là khách quốc tế, riêng người Đà Nẵng đến bảo tàng lẻ tẻ nên không thống kê được con số cụ thể. Dự đoán trong 6 tháng cuối năm nay, tổng lượng khách đến bảo tàng khoảng hơn 86.000, trong đó khách nội địa khoảng hơn 6.000 (chỉ khoảng gần 7%).

Cần nỗ lực từ nhiều phía

Ông Võ Văn Thắng, Giám đốc Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng, cho rằng việc người Việt Nam nói chung, Đà Nẵng nói riêng chưa tìm được hứng thú thật sự với bảo tàng, trước hết do họ chưa có thói quen đến bảo tàng như người phương Tây. Đặc biệt với các cổ vật Chăm, người ta có phần né tránh do quan niệm về sự linh thiêng đã ăn sâu vào tiềm thức. Mặt khác, phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, thực trạng như thế chứng tỏ bảo tàng vẫn chưa hấp dẫn, chưa tạo được chỗ đứng trong lòng công chúng. Ông Thắng nói thêm: “Không thể bắt người dân phải hứng thú với những bức tượng Chăm kỳ bí, không thể buộc họ phải chau mày, nhíu mắt bởi những ánh mắt, cử chỉ, hình dung quá dữ dội và đầy ám ảnh của những bức tượng Chăm đầu thú hoặc đầu người, trong khi họ cần thư giãn…”. Thực tế ấy đòi hỏi những phương pháp thuyết minh chuyên sâu hơn, những không gian nghe nhìn hỗ trợ mới mẻ, sinh động để khách tham quan bớt căng thẳng khi vừa phải căng tai nghe từng lời của hướng dẫn viên (chỉ thuyết minh một lần), vừa phải căng mắt nhìn, rồi căng đầu lý giải về hiện vật. Câu hỏi đặt ra không gì khác ngoài vấn đề kinh phí, khi mà nhà nhà, người người thắt chặt hầu bao, các đơn vị lữ hành thì tìm kiếm các địa chỉ du lịch giá rẻ, hoặc miễn phí, nên kinh phí cho sự đổi mới, hay đột phá đối với một bảo tàng tự chủ kinh phí như Bảo tàng Điêu khắc Chăm là rất khó.

Để làm phong phú thêm hoạt động của bảo tàng và từng bước thu hút khách nội địa, vài năm gần đây, Bảo tàng Điêu khắc Chăm đã tổ chức nhiều hội thảo, triển lãm chuyên đề như: Triển lãm ảnh Ký ức Đà Nẵng; trưng bày thông tin tư liệu Từ khảo cổ học đến bảo tàng; phối hợp với Trường ĐH Mỹ thuật triển khai và tổ chức trưng bày chuyên đề Giao lưu nghệ thuật Đại Việt - Chămpa Tư liệu và hiện vật; triển khai hoạt động múa Chăm (biểu diễn định kỳ vào các ngày 15 và 30 hằng tháng); tổ chức tiếp đón, miễn, giảm phí tham quan cho hàng ngàn lượt khách là học sinh, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, thương binh, những người có công… đã góp phần không nhỏ trong việc đưa bảo tàng gần hơn với công chúng. Tuy nhiên, cũng vì hạn chế kinh phí, các hoạt động trên chưa đủ độ rộng, lẫn chiều sâu, thường tổ chức theo kiểu phối hợp với các đơn vị ngoài thành phố, nên lắm lúc không được chủ động, ông Thắng bộc bạch.

Vượt lên những khó khăn hiện tại, các cán bộ của Bảo tàng Điêu khắc Chăm vẫn miệt mài nghiên cứu tổng thể bộ sưu tập Tháp Mẫm, chuẩn bị cho hợp đồng thiết kế trưng bày lại Phòng Tháp Mẫm sắp tới; triển khai thực hiện công tác khai quật khảo cổ tại di tích Chăm Phong Lệ; phối hợp với Hội Văn nghệ dân gian chuẩn bị tổ chức Hội thảo Giao lưu văn hóa Việt - Chăm; tham gia dự án trưng bày của UNESCO mang chủ đề Di sản chung 3 nước Việt Nam - Lào -Campuchia; tăng cường công tác quảng bá bảo tàng…

Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, các bảo tàng ở Việt Nam hiện hao hao giống nhau, do cách làm, cách tư duy thiếu sự sáng tạo, đột phá, nên kém hấp dẫn. Muốn bảo tàng phát triển, cần đầu tư bài bản cho những bảo tàng chuyên đề (như Bảo tàng Điêu khắc Chăm). Các cấp lãnh đạo cần thay đổi quan niệm lâu nay rằng, bảo tàng chỉ là nơi cất giữ hiện vật (đã có sẵn) và các cán bộ được trả lương chỉ để làm mỗi công việc đó, cần nghĩ đến chữ phát triển, nâng cấp, mở rộng, thu hút…

Bài và ảnh: THANH TÂN

;
.
.
.
.
.