.

Lãng phí phong trào nghệ thuật quần chúng

.

Hiện không thiếu những hội thi, hội diễn, liên hoan nghệ thuật quần chúng từ cấp thành phố đến quận, huyện, xã phường trên địa bàn Đà Nẵng. Nhưng thực tế các hội thi, hội diễn ấy lan tỏa đến đâu, hướng đến điều gì đang là những câu hỏi được đặt ra.
 

Một tiết mục tại Liên hoan ca khúc cách mạng mừng quê hương giải phóng, do Phòng Văn hóa-Thông tin quận Thanh Khê tổ chức.
Một tiết mục tại Liên hoan ca khúc cách mạng mừng quê hương giải phóng, do Phòng Văn hóa-Thông tin quận Thanh Khê tổ chức.

Diễn để phục vụ… Ban giám khảo

Rất nhiều lần chúng tôi chứng kiến các hội thi, hội diễn, liên hoan nghệ thuật quần chúng do các Phòng Văn hóa-Thông tin tổ chức với những hình ảnh gần giống nhau: Trên sân khấu, các nghệ sĩ không chuyên gồng mình biểu diễn, ban tổ chức cùng các giám khảo ngồi sát sân khấu đăm chiêu thưởng thức. Phía sau ban  giám khảo là những chiếc ghế nhựa lỏng chỏng khắp khán phòng; chỉ vài chục người xem, nhưng kẻ ngồi người đứng. Một số người chăm chú theo dõi, vì đấy là tiết mục của phường mình, đơn vị mình; còn lại thì túm tụm, chuyện trò rôm rả… Rồi cả người xem và người “tám” chuyện lần lượt ra về, trả lại khán phòng thoáng rộng cho ban tổ chức, các cán bộ văn hóa, một số phóng viên kiên nhẫn và ban giám khảo vẫn phải ngồi chấm cho đến tiết mục cuối cùng.

Một cán bộ văn hóa quận nói rằng, việc tổ chức các sân khấu văn nghệ quần chúng nhằm “tìm kiếm những hạt nhân của phong trào văn hóa, văn nghệ ở cơ sở, tạo sân chơi bổ ích, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa cho người dân”. Tuy nhiên, nhạc sĩ Trần Ái Nghĩa không ít lần làm giám khảo tại những hội thi như thế này bức xúc: “Vấn đề là có bao nhiêu người dân được thụ hưởng văn hóa từ những hội thi văn nghệ quần chúng? Tôi không hiểu người ta làm công tác tổ chức, tuyên truyền thế nào mà số lượng người đến các hội thi, hội diễn như vậy vơi dần. Trong khi đó, nhiều tiết mục được đầu tư rất công phu, chất lượng và kinh phí mỗi lần tổ chức cũng ít. Đây là sự lãng phí lớn”.

Không chỉ dừng lại ở cấp quận, huyện, ngay các liên hoan nghệ thuật quần chúng do thành phố tổ chức hiện cũng không mấy người mặn mà. Chẳng hạn như, tại Liên hoan đàn hát dân ca năm 2011 do Trung tâm Văn hóa thành phố tổ chức rất quy mô, vậy mà không mấy người đến xem đêm công diễn. Ông Ngô Văn Bảy, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Văn hóa thành phố Đà Nẵng, không phủ nhận thực tế này và cho rằng, đó là một trong những nguyên nhân khiến các hội thi, hội diễn văn nghệ do trung tâm tổ chức vài năm gần đây thưa hơn trước…

Vẫn có những điểm sáng

Đối lập lại với tình hình chung, những năm qua, sức sống của phong trào văn hóa-văn nghệ quần chúng quận Thanh Khê dường như không có dấu hiệu đi xuống. Mỗi năm, quận Thanh Khê vẫn tổ chức hàng chục hội thi, hội diễn, liên hoan. Và điều đặc biệt là mỗi đợt như thế kéo dài từ 3 - 5 đêm diễn, nhưng đêm nào số lượng người xem cũng chật kín. Bà Phan Thị Hà Bắc, Phó trưởng Phòng Văn hóa-Thông tin quận Thanh Khê thừa nhận: Nhờ địa chỉ tổ chức truyền thống của quận là Công viên 29-3, vị trí thuận tiện, nhiều người biết nên khán giả đến xem đông.

Bà Bắc còn nói vui rằng, cách làm của quận Thanh Khê không có gì đặc biệt, chỉ cẩn thận, chu tất một chút, và hình như cũng nhờ người Thanh Khê “có sẵn máu văn nghệ, nên mình được nhờ”. Nói vậy nhưng để có được một chương trình văn nghệ chất lượng, những người làm văn hóa như bà Bắc phải tất bật trong cả tháng, từ việc hình thành ý tưởng, đến xây dựng chương trình rồi tuyên truyền, vận động... Để các hội diễn định kỳ như: Hát về người chiến sĩ, Tiếng hát cán bộ, công nhân, viên chức, Kịch thông tin phòng chống bạo lực gia đình… không bị nhàm chán là chuyện không hề đơn giản.

Nói về phát triển phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng trong thời gian đến, ông Nguyễn Thúc Dũng, Trưởng phòng Văn hóa- Thông tin huyện Hòa Vang, một trong những đơn vị dẫn đầu về phong trào văn nghệ quần chúng của thành phố Đà Nẵng cũng lạc quan cho rằng: “Hiện tại làm văn hóa-văn nghệ không dễ, nhưng khó không có nghĩa là không làm được. Hòa Vang vốn là mảnh đất của “quanh năm hội diễn, bốn mùa hội thi”, chúng tôi tin và tự hào với sức mạnh truyền thống, nhất định mọi thứ sẽ thay đổi theo chiều hướng tốt đẹp”.

Bài và ảnh: NGỌC DUNG

;
.
.
.
.
.