.

Múa Chăm tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm

.

Một trong những sản phẩm du lịch đã được đưa vào phục vụ du khách ở Bảo tàng Điêu khắc Chăm là biểu diễn nghệ thuật múa Chămpa. Qua hơn 2 tháng, du khách hào hứng đón nhận, nhưng phía đơn vị chủ quản vẫn còn nhiều đắn đo.

Những nỗ lực bước đầu

Biểu diễn nghệ thuật múa Chăm tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng.
Biểu diễn nghệ thuật múa Chăm tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng.

Chương trình biểu diễn nghệ thuật múa Chămpa do Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh thực hiện tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm mỗi tháng 2 lần, lúc 10 giờ các ngày 15 và 30 hằng tháng, phục vụ miễn phí cho du khách. Đây là một trong những nỗ lực rất lớn của ngành VH-TT&DL thành phố Đà Nẵng nhằm đa dạng hóa và tăng cường các hoạt động phục vụ khách tham quan. Chương trình có thời lượng từ 20 - 30 phút với các tiết mục múa Apsara, múa Vũ hội làng Chăm, độc tấu kèn Sararcu… vốn là một phần trong kho tàng văn hóa-nghệ thuật vô cùng đặc sắc và độc đáo của người Chăm một thời, nay được tái hiện.

Theo ghi nhận của chúng tôi, chương trình biểu diễn nghệ thuật múa Chămpa bước đầu đã được du khách đón nhận nồng nhiệt. Anh Nguyễn Minh Hải, du khách đến từ thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng đây là một sản phẩm du lịch độc đáo, gắn với một không gian biểu diễn độc đáo nên sẽ thu hút du khách. Cùng cảm nhận đó, chị Thu Hà - du khách đến từ Quảng Ninh cũng có ấn tượng rất tốt đẹp về chương trình. Chị Hà cho biết, Bảo tàng Điêu khắc Chăm là sản phẩm du lịch độc đáo, trình diễn nghệ thuật múa Chămpa ngay trong Bảo tàng này lại càng độc đáo và sinh động, khiến nơi đây không chỉ trưng bày những hiện vật mà còn góp phần giúp du khách hiểu thêm về đời sống văn hóa tinh thần, không gian văn hóa phi vật thể của người Chămpa.

Trăn trở

Tuy nhiên, những nỗ lực của ngành VH-TT&DL chỉ mới dừng lại ở những gì mình đang có, chưa đem lại những gì du khách đang cần trong việc phát huy hết những giá trị văn hóa vô cùng quý giá của nền nghệ thuật văn hóa Chămpa, để rồi từ đó tạo nên những sản phẩm du lịch thật sự giá trị, nhằm níu chân du khách.

Thực tế cho thấy, sau hơn 2 tháng tổ chức biểu diễn múa Chămpa đã nảy sinh những bất cập ngay chính trong khâu tổ chức. Không gian tổ chức ở ngay tiền sảnh của Bảo tàng, sân khấu tạm bợ, nóng bức; không cách âm nên mỗi lần diễn ra chương trình gây ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động chung của Bảo tàng, đặc biệt đối với những du khách cần sự yên tĩnh để nghiên cứu, tìm hiểu tại Bảo tàng. Chương trình biểu diễn cố định, mỗi tháng 2 lần nên du khách nào may mắn hay vô tình đến đúng 10 giờ các ngày 15 và 30 hằng tháng thì được xem.

Nhiều người cho rằng, cách làm văn hóa, cách làm du lịch như chương trình biểu diễn nghệ thuật múa Chămpa tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm hiện nay rất cứng nhắc, thụ động và… không giống ai nên cần phải xem xét lại. Bởi lẽ, theo ngành VH-TT&DL thành phố, mục đích cuối cùng mà chương trình này hướng đến là đa dạng hóa và tăng cường các hoạt động phục vụ du khách. Song, thực chất việc biểu diễn chỉ âm thầm diễn ra, đúng ngày, đúng giờ, mỗi tháng 2 lần… thì không thể nói vì chương trình này mà du khách đến với Bảo tàng nhiều hơn.

Ông Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng, cho biết Bảo tàng hiện rất cần nâng cao chất lượng trưng bày, tăng cường công tác nghiên cứu khoa học, công tác tuyên truyền, quảng bá và đầu tư mua những hiện vật quý hiếm để bổ sung vào các bộ sưu tập… hơn là làm những chương trình nghệ thuật như đang làm. Ông Thắng cũng thừa nhận nếu tổ chức biểu diễn kéo dài mà không bán vé như hiện nay thì Bảo tàng không đủ sức để duy trì thường xuyên. Bên cạnh đó, không có thu để bù chi thì chất lượng nghệ thuật sẽ không đạt hiệu quả như mong muốn. Như vậy, liệu có tạo nên sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách? Câu hỏi này xin dành cho những nhà quản lý văn hóa và du lịch thành phố.

Bài và ảnh: VĂN NỞ

;
.
.
.
.
.