.
Nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng

Tự tình với quê hương

.

Nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng đã từng lấy xương người thật là nạn nhân chiến tranh làm tác phẩm trong một cuộc triển lãm gây chấn động dư luận vào trước 1975 tại Sài Gòn... Hôm nay, ông vẫn toát lên sự bình dị và luôn say mê công việc.
 

Phạm Văn Hạng bên mô hình đầu và đuôi Rồng được chọn để hiện thực hóa trên Cầu Rồng.
Phạm Văn Hạng bên mô hình đầu và đuôi Rồng được chọn để hiện thực hóa trên Cầu Rồng.

Nơi đất lành chim đậu

Sinh ra trong một gia đình nghèo ở Nam Ô (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng), từ nhỏ Phạm Văn Hạng đã đam mê nghề điêu khắc, hội họa. Chứng kiến cảnh đau thương của chiến tranh, ông luôn mong những ngày tháng yên bình, nên ngay từ những tác phẩm đầu tay rồi cả những tác phẩm sau đó, ông hướng đến chủ đề hòa bình, khát khao vươn đến sự bình an và no ấm. Đó là những tác phẩm như: Mẹ Dũng sĩ, Đài tưởng niệm ở Đà Nẵng, Đài tưởng niệm ở Hà Nội... cho đến các Vườn tượng Đà Lạt, thành phố Hồ Chí Minh...

Suốt đời rong ruổi qua nhiều vùng đất, ở đâu Phạm Văn Hạng cũng để lại dấu ấn bằng những tác phẩm điêu khắc tiêu biểu, đặc biệt là với Đà Nẵng. Ông vui mừng và hạnh phúc khi nhìn thấy quê hương Đà Nẵng đang ngày càng đổi mới và phát triển. Mỗi cây cầu mọc lên là một công trình kiến trúc, là những tác phẩm nghệ thuật, biểu tượng cho sự đoàn kết, gắn bó, năng động của Đảng bộ và nhân dân Đà Nẵng. Sự canh cánh nỗi nhớ quê nhà đã thôi thúc ông cho ra đời những đứa con tinh thần - những công trình tiêu biểu về đất và người Đà Nẵng như: Mẹ Dũng sĩ Đà Nẵng (gò hàn đồng, cao 12m); Đài Tưởng niệm Quảng Nam-Đà Nẵng (với chất liệu bê-tông đá, cao 45m); Nhà cách mạng Phan Châu Trinh (đá trắng) năm 2006…

Phạm Văn Hạng được bạn bè gán những biệt danh như: “Con quỷ thánh thiện”, “Nghệ sĩ trong đêm”. Chia sẻ về điều này, ông bộc bạch: “Có khi đó là do cá tính không giống ai của tôi. Tôi thích trầm ngâm, cô độc làm việc trong đêm khuya, tôi hạnh phúc khi được hết mình trong lao động sáng tạo và hòa đồng với cuộc sống”. Trong cuộc sống, khi giao tiếp, ông luôn vui vẻ, hòa nhã. Trong nghệ thuật sáng tạo, ông luôn nghiêm khắc, tỉ mẩn đến từng mi-li-mét.

Rồng bay trên sông Hàn

Mới đây, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đã đồng ý chọn mẫu thiết kế Rồng của nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng để hiện thực hóa thiết kế Rồng bay trên sông Hàn qua công trình Cầu Rồng. Ông rất vui mừng và hạnh phúc vì ở tuổi 70 vẫn được tham gia thực hiện một công trình lớn ngay trên quê hương. Ông hạnh phúc chia sẻ rằng, sau khi nhận được thông tin từ thành phố, ông quên ăn, quên ngủ, ngày đêm canh cánh trong lòng về những ý tưởng. Sau 6 lần ông thực hiện với sáu mẫu hình Rồng khác nhau, cuối cùng, mẫu hình Rồng thời Lý đã được lãnh đạo thành phố đồng ý. Theo ông, trong dân gian, có rất nhiều hình tượng Rồng. Song, Rồng thời Lý rất hiền hòa, thể hiện thiện chí mong muốn hòa bình, hướng đến độc lập tự do, ấm no, hạnh phúc. Đồng thời, Rồng thời Lý rất dung dị, muốn giao hòa với đất trời, với năm châu…, phù hợp với một thành phố trẻ, năng động, sáng tạo và khát khao bay cao, bay xa như Đà Nẵng.

Với mẫu Rồng của Phạm Văn Hạng, đầu rồng sẽ được làm từ 18 - 20 tấn thép, chiều cao từ mặt cầu đến đỉnh đầu Rồng 7,5m, chiều dài của đầu Rồng 15m. Đuôi Rồng sẽ được làm bằng 15 tấn thép, có chiều cao 6m, chiều dài 13m. Dự kiến, thời gian thi công đầu và đuôi Rồng trên Cầu Rồng là 8 tháng.

Phạm Văn Hạng tiết lộ: Để thi công công trình này, ông sẽ huy động nhiều tay thợ vừa giỏi về mỹ thuật, vừa giỏi về kỹ thuật với hơn 30 năm kinh nghiệm, trong đó có những người thợ đã từng tham gia vai trò chính trong việc thực hiện tượng Mẹ Dũng sĩ Đà Nẵng. Bởi lẽ, theo ông, Rồng trên Cầu Rồng là nghệ thuật điêu khắc công nghiệp cơ khí, hoàn toàn khác với điêu khắc đá, điêu khắc gỗ và điêu khắc đồng. Nó đòi hỏi người thực hiện phải có đầu óc tổ chức, kỹ năng tạo hình, kỹ thuật tạo dáng và kỹ thuật gò hàn…

Bên cạnh việc thực hiện tác phẩm Rồng trên Cầu Rồng, Phạm Văn Hạng cũng đã được lãnh đạo thành phố đồng ý thực hiện tác phẩm Đất lành chim đậu tại giao lộ Trần Phú - Bạch Đằng - Đống Đa. Tượng cao 5m, chiều ngang 10m và chiều dài 10m. Dự kiến tượng sẽ được tiến hành thực hiện trong năm nay.

Nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng sinh năm 1942 tại Nam Ô, Đà Nẵng, hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, hội viên Hội Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh...

Triển lãm chính của ông: Trừu tượng (sơn dầu) tại Huế năm 1967, Siêu thực tại Nhà Văn hóa Pháp (Sài Gòn, năm 1971), Tranh tượng tại Hội Việt - Mỹ (Sài Gòn, năm 1973), Tự họa tại Hội Kiến trúc sư Việt Nam (Hà Nội, năm 1989), Mộng và Thực tại Gallery Tự Do (thành phố Hồ Chí Minh, năm 1999).

Những Giải thưởng chính: 10 năm Điêu khắc Việt Nam (1984-1994), 10 năm Văn học-Nghệ thuật Quảng Nam-Đà Nẵng (1985-1995), 2 năm Kiến trúc Việt Nam (1994-1996), Tượng đài 23-9 thành phố Hồ Chí Minh (1997), Giải nhất tượng Bác sĩ Yersin Đà Lạt (2003), Văn học - Nghệ thuật Sài Gòn, Hội họa (1973)...

Bài và ảnh: VĂN NỞ

;
.
.
.
.
.