.

Nhà văn hóa cơ sở: “Lượng” nhiều, “chất” chưa cao

.

Hiện nay số lượng nhà văn hóa ở cơ sở nhiều nhưng do thiếu người quản lý; trang thiết bị, cơ sở vật chất còn nghèo nàn nên dẫn đến tình trạng “lượng” nhiều mà “chất” chưa cao.
 

Nhà họp cộng đồng liên tổ Bình Kỳ 2 được xây dựng kiên cố, tuy nhiên hiện nay đang trở thành nơi sản xuất mây tre.
Nhà họp cộng đồng liên tổ Bình Kỳ 2 được xây dựng kiên cố, tuy nhiên hiện nay đang trở thành nơi sản xuất mây tre.

Nhà văn hóa là một thiết chế tổng hợp, ngoài các chức năng giáo dục, chức năng giao tiếp, nhà văn hóa còn là nơi phát triển khả năng sáng tạo và đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí của quần chúng… Tuy nhiên, bên cạnh những điểm sáng thì ở nhiều nơi, nhà văn hóa còn hoạt động èo uột, kém hiệu quả. Quận Ngũ Hành Sơn hiện có tổng cộng 24 nhà văn hóa cấp cơ sở. Các nhà văn hóa này được đầu tư xây dựng trên diện tích từ 80 - 300m2, nhà xây cấp 4 và có trang bị các thiết bị âm thanh, ánh sáng. Phần lớn được Nhà nước đầu tư và có sự đóng góp của nhân dân với tổng giá trị vài chục triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng. Tuy nhiên, một số người dân sống xung quanh các nhà văn hóa này cho biết: “Nhà văn hóa chủ yếu dành cho cán bộ thôn và tổ dân phố làm việc” (!?).

Không riêng ở Ngũ Hành Sơn, đa số các nhà văn hóa cấp cơ sở trên địa bàn thành phố đều kiêm nhiệm trọng trách của thôn, tổ dân phố. Ông Trần Công Khuê, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin quận Liên Chiểu cho biết, do cấp thôn và tổ chưa đủ điều kiện để xây dựng nơi làm việc riêng cho cán bộ thôn, tổ dân phố nên các nhà văn hóa ở cơ sở thường là nơi làm việc của các cán bộ thôn, tổ trưởng tổ dân phố. Tuy còn những bất cập trong việc sử dụng thiết chế này, nhưng điều quan trọng là phân bổ thời gian hợp lý để hoạt động hiệu quả”.

Thực tế cho thấy, nhiều địa phương không những không phát huy hết chức năng của nhà văn hóa trong việc giáo dục, phát triển khả năng sáng tạo và đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí của quần chúng…, mà còn chuyển đổi công năng của nhà văn hóa thành nơi sản xuất. Chẳng hạn, ở thôn Bình Kỳ (phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn), một công trình vừa được xây dựng kiên cố và lấy tên là Nhà họp cộng đồng liên tổ Bình Kỳ 2. Nhưng thời gian gần đây, thiết chế văn hóa này lại biến thành nơi sản xuất mây tre của một cơ sở tư nhân.

Trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có hàng trăm CLB như: CLB thơ, CLB dưỡng sinh, CLB không sinh con thứ ba, đội văn nghệ quần chúng... Thực tế này đòi hỏi sân chơi lớn, đáp ứng nhu cầu văn hóa, tinh thần cho người dân. Trong khi đó, các nhà văn hóa đã xây dựng vẫn trong tình trạng èo uột, hoạt động lấy lệ, chưa phát huy hiệu quả vốn có của mình.

Bài và ảnh: VĨNH KHANG
 

;
.
.
.
.
.