.

Thiếu sân chơi cho trẻ

.

Trẻ em vùng ven thành phố Đà Nẵng đang thiếu sân chơi bổ ích, phù hợp với lứa tuổi trong dịp hè. Nhưng làm sao để tạo ra sân chơi cho các em lại là câu hỏi khó.

Một điểm vui chơi giải trí của trẻ em (thôn Bình Kỳ, phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn) trở nên hoang phế.
Một điểm vui chơi giải trí của trẻ em (thôn Bình Kỳ, phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn) trở nên hoang phế.

Với trẻ em ở trung tâm thành phố, việc tham gia giải trí ở Công viên 29-3, thư viện, nhà sách và các khu vui chơi giải trí tại những trung tâm thương mại trong dịp hè là chuyện đơn giản. Nhưng với trẻ em vùng ven, đó là điều xa xỉ. Nghỉ hè gần một tháng nay, em Trần Văn Năm (học sinh lớp 3/1 Trường tiểu học Tô Hiến Thành, phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn) chỉ biết quanh quẩn trong nhà, cha mẹ đi làm cả ngày nên không có thời gian đưa em đi chơi, còn ở trong thôn thì chẳng biết chơi gì, chơi ở đâu. Trong khi đó, em Đinh Văn Phúc (12 tuổi, thôn Giàn Bí, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang) cho biết, thời gian nghỉ hè của em là những ngày giúp gia đình chăn thả trâu, cùng bạn bè tắm sông, bắt ốc…

Đó là thực trạng chung của hàng ngàn trẻ em vùng ven thành phố Đà Nẵng mỗi khi hè về. Anh Cao Xuân Tuấn, Bí thư Đoàn phường Hòa Quý, cho biết mỗi dịp hè về, Đoàn Thanh niên phường chú trọng xây dựng kế hoạch triển khai các hoạt động hè, nhằm tạo sân chơi lành mạnh, rèn luyện sức khỏe cho các em. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, các hoạt động do Đoàn phường tổ chức chỉ thu hút một bộ phận nhỏ các em tham gia.

Việc tổ chức các hoạt động hè phải gắn liền với các thiết chế văn hóa như: nhà sinh hoạt văn hóa, sân bóng đá, khu vui chơi giải trí… Song, ở các phường vùng ven như Hòa Quý, Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn), Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ) hoặc các xã thuộc huyện Hòa Vang…, tìm đỏ mắt cũng không có một thiết chế văn hóa nào để các em vui chơi, giải trí, có chăng chỉ là những khu vui chơi giải trí đã xuống cấp và trở nên hoang phế.

Thiếu các sân chơi bổ ích, trẻ em ở vùng ven thường tìm đến các điểm kinh doanh Internet. Tại điểm Internet ở thôn Bình Kỳ (phường Hòa Quý) vào một ngày đầu hè, mặc dù mới 8 giờ sáng nhưng không còn một máy trống và hầu hết người chơi là trẻ em. Cách tiệm Internet vài trăm mét, tại quán nước mía, cũng có một nhóm trẻ đang đánh bài một cách sành điệu. Chủ quán cho biết: “Ngày nào cũng vậy, bọn trẻ chẳng biết chơi gì ngoài bài và Internet”.

Một cán bộ phường Hòa Quý thừa nhận: Trong những năm qua, sau những tháng hè, nhiều học sinh đã nghiện game và trốn học, trốn gia đình để đến các điểm Internet… Sau mỗi kỳ nghỉ hè, bằng sự nỗ lực của gia đình, nhà trường và địa phương, các em mới trở lại trường và đương nhiên, kết quả học tập giảm sút rõ rệt.

Bà Ngô Thị Nhàn, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang) cho biết, cấp ủy, chính quyền xã luôn băn khoăn vì chưa đáp ứng đủ các điểm vui chơi cho trẻ mỗi khi hè về. Năm nào cũng vậy, khi các trường có kế hoạch nghỉ hè, chính quyền xã đều giao nhiệm vụ cho Đoàn Thanh niên tổ chức tiếp nhận học sinh, đồng thời lên kế hoạch sinh hoạt hè cho các em, nhưng hoạt động này không diễn ra thường xuyên.

Làm sao để có một sân chơi lành mạnh, bổ ích cho các em ở vùng ven trong dịp hè, để các em tăng thêm những hứng khởi cho năm học mới là câu hỏi không dễ tìm được đáp án.

Bài và ảnh: VĂN NỞ

;
.
.
.
.
.