(ĐNĐT) - Ngày 24-6, tại trường Đại học Duy Tân diễn ra hội thảo “Mấy vấn đề về Văn học Quảng Nam-Đà Nẵng thế kỷ XX ”.
Nhiều giáo sư, nhà phê bình văn học tên tuổi tham gia hội thảo như Giáo sư Phong Lê (nguyên Viện trưởng viện Văn học Việt Nam), Phó GS.TS Nguyễn Hữu Sơn, Phó GS.TS Lưu Khánh Thơ, Phó GS.TS Nguyễn Thị Bích Thu (Viện Văn Học), nhà phê bình, nghiên cứu Lại Nguyên Ân…; các giảng viên đến từ khoa Ngữ Văn ĐH Khoa học Huế, Sư phạm Huế, Sư phạm Đà Nẵng; đại diện Hội Văn học Nghệ thuật TP Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam; đại diện Chi nhánh Nhà xuất bản Hội Nhà văn tại miền Trung…
Hội thảo là một trong những hoạt động trong khuôn khổ đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh “Lịch sử Văn học Quảng Nam thế kỷ XX” được UBND tỉnh Quảng Nam giao cho Đại học Duy Tân chủ trì đề tài. Và đây là lần thứ hai, giới nghiên cứu phê bình văn học, các giảng viên khoa Ngữ Văn, nhà nghiên cứu văn hóa cùng ngồi lại để thảo luận, đóng góp ý kiến làm sáng tỏ các vấn đề: Khái niệm văn học Vùng và vấn đề nghiên cứu văn học Vùng trong bối cảnh đổi mới, hội nhập; Những thành tựu nổi bật của văn học Quảng nam Đà Nẵng thế kỷ XX qua từng thời kỳ và qua các tác giả, tác phẩm tiêu biểu; Vị trí và đặc trưng của Văn học Quảng Nam-Đà Nẵng trong nền Văn học cả nước.
Phát biểu tại hội thảo, Giáo sư Phong Lê nhấn mạnh, nghiên cứu văn học, văn hóa vùng hôm nay có giá đặc biệt trong việc khẳng định bản sắc văn hóa Việt. Chúng ta đang đứng trước bối cảnh hội nhập, đang sống trong một thế giới được kết nối nhanh và rộng khắp. Một thế giới phẳng đã mang lại cuộc cách mạng chưa từng có đối với cuộc sống con người, làm thay đổi tư duy, cảm xúc, thái độ, làm khác đi nhiều giá trị và trật tự đã được xếp đặt trước đó cả chục năm.
"Chính vì thế, việc khẳng định chất “Văn hóa thuần Việt”, “giá trị Văn hóa, văn minh Việt” trong một thế giới luôn biến động và đã đổi thay nhiều, thật sự rất có ý nghĩa. Và hôm nay, chúng ta bắt đầu công việc đó bằng việc nhìn lại những giá trị văn học của một vùng đất", Giáo sư Phong Lê nói.
Tin và ảnh: Ngọc Dung