.

Ký ức thời hoa lửa

.

Ngọn lửa thời chiến tranh oanh liệt, hào hùng một lần nữa lại rực cháy trong câu chuyện của hai chiến sĩ cách mạng năm xưa tại Bảo tàng Đà Nẵng. Và những giọt nước mắt đã rơi trên những khuôn mặt còn rất trẻ…

Ông Hoàng Thanh Thụy (bìa phải) và ông Văn Đức Long (giữa) kể chuyện những tháng ngày ở nhà tù Côn Đảo.
Ông Hoàng Thanh Thụy (bìa phải) và ông Văn Đức Long (giữa) kể chuyện những tháng ngày ở nhà tù Côn Đảo.

Những trang sử viết bằng máu

“Đồng đội tôi nằm đây còn rất trẻ/ Nhiều người chưa từng một lần yêu…”, với giọng đọc trầm ấm bài thơ do chính mình sáng tác, Phó Chủ tịch Hội Tù yêu nước Đà Nẵng Hoàng Thanh Thụy đã khiến cả hội trường lặng đi trong buổi giao lưu, gặp gỡ nhân chứng lịch sử với chủ đề “Những năm tháng không quên” do Bảo tàng Đà Nẵng tổ chức vào sáng 22-7. “Các bác có thể kể lại cho chúng cháu nghe những kỷ niệm sâu sắc nhất ở Côn Đảo được không ạ?”, Trương Thị Phương Thảo (25 tuổi, nhân viên Công ty CP Thủy điện A Vương) hỏi. Và trang sử bi tráng lần lượt được mở với những câu chuyện sinh động. Ông Thụy bồi hồi: “Kỷ niệm tôi nhớ nhất là lần để tang Bác Hồ trong tù. Khi được tin Bác mất, tôi không ngủ mấy đêm liền, chưa dám nói với đồng đội. Sáng hôm sau, tin ấy lan truyền và cả phòng giam tù chính trị ôm nhau khóc trong sự ngạc nhiên của bọn lính canh. Không ai bảo ai, mọi người đều lặng lẽ bước ra sân với miếng băng tang trên ngực áo. Bọn địch bảo tất cả bỏ miếng băng tang xuống, nếu không sẽ bị bắn chết. Rồi chúng nổ một loạt súng… Anh em nghĩ chắc sẽ hy sinh nhưng mở mắt thấy mình vẫn còn sống. Thì ra chúng bắn lên trời”. Ông Thụy bảo, sau lần đó, một tên lính hỏi nhỏ rằng, Hồ Chủ tịch là ai mà những người tù chính trị tôn thờ đến không kể tính mạng như thế. Ông Thụy chỉ khẽ cười: “Đó chính là sự khác nhau giữa chúng ta”.

Rồi đến chuyện làm thơ trong tù. Những con vật như: ruồi, muỗi, rệp cũng hóa thân vào những vần thơ đầy lạc quan của những người Cộng sản. Phó Ban liên lạc tù chính trị Côn Đảo Văn Đức Long đã kể về những giờ học văn hóa trong tù. Khi kẻ thù đánh kẻng “Keng! Keng”, lập tức tù nhân vào lớp học. Đang say sưa nghe giảng đoạn “Kiều ở lầu Ngưng Bích” thì một tốp lính đi vào với vẻ mặt dữ tợn. Có lẽ bắt đầu một cuộc đàn áp mới. Nhưng không, tên lính đứng lặng một hồi với vẻ thích thú khi nghe giảng Kiều, rồi khoát tay: “Đi chúng bay, nó dạy học kệ nó!”. Những cuộc đấu tranh trong tù diễn ra sôi nổi. Chống chào cờ địch, tuyệt thực 12 ngày đêm… đã khiến kẻ thù phải chùn bước trong việc đàn áp tù nhân. Đã có những chiến sĩ hy sinh ở tuổi đời còn rất trẻ. Đó là Lem, Ánh, Vân, Dương… Nhắc đến mỗi cái tên đồng đội, ông Thụy nghẹn lời. “Mày có phải là đảng viên không Dương? Sao mày gan góc đến vậy? Sao mày không chịu khai?”, bọn địch tra tấn Dương vì nghi anh là đảng viên. Chúng treo anh trên chảo dầu nóng quay tròn cho đến khi anh chết dần trong đau đớn. Đêm trước, nằm bên Thụy, Dương còn hỏi: “Anh Thụy ơi, hồi nào em được vào Đảng như các anh nhỉ?”. Còn Lem thì chết giữa phòng trong đêm giao thừa do một phát đạn của địch bắn vào giữa thái dương…

Chuyện tù nhân bị địch đánh đã trở nên bình thường. Đi đốn củi, ngồi nghỉ: Đánh. Làm việc chậm: Đánh. Thậm chí, không có lý do gì cũng bị đánh. Nhiều khi người tù ôm bó củi mà máu chảy từ rừng về đến nhà. Ở nhà tù Phú Quốc có tên Trần Văn Nhu (Bảy Nhu) - cai ngục khét tiếng với “biệt tài” bẻ răng người. Không biết bao nhiêu chiến sĩ Cộng sản đã bị hắn bẻ răng. Đến cái cuối cùng, hắn bắt người ta nuốt vào bụng bảo để… làm kỷ niệm. Có đợt, chúng bảo những người tù leo lên cây và ở dưới chúng chặt cây rồi cùng nhau cười khoái trá khi thấy người tù ngã xuống bị cành cây đâm lòi ruột. Rồi những trận đói triền miên. Với người tù, cái đói có lẽ còn khủng khiếp hơn cái chết. Đã có những người không chiến thắng được bản thân, nhưng cuộc đấu tranh vẫn diễn ra, ngày càng mạnh mẽ.

Hiểu để sống xứng đáng

Ông Hoàng Thanh Thụy kể về ngày tù nhân được trao trả sau khi Hiệp định Paris được ký kết. “Chúng tôi ùa ra vui sướng. Ai cũng gầy gò, xanh xao. Có người đi không vững. Có người chỉ đi được bằng tay…”, ông Thụy nhớ lại. Về đến chiến khu, nghe tiếng kẻng lấy nước mà anh em lục tục bảo nhau đi khiêng cơm, rồi bấm nhau cười: À, mình đang ở nhà rồi! Đêm tự do đầu tiên là đêm ông Thụy không sao quên được. 16 đồng chí tuổi mới 19, đôi mươi đã chết ngay dưới suối. Họ không chết vì đạn mà chết vì no sau cái đói triền miên. Anh chiến sĩ trẻ Đinh Đức Dũng (quê ở Quế Sơn, Quảng Nam) lúc chết dưới suối, người lạnh ngắt, miệng còn ứ đầy cơm. Ông Thụy và đồng đội đã đứng lặng người đi rất lâu bên bờ suối. “Dũng ơi, tại sao anh không an táng em ở đảo mà lại phải chôn cất em ở nơi này?”. Một câu hỏi, một nỗi day dứt cứ ám ảnh ông trong từng giấc ngủ, bởi cuộc chiến quá khắc nghiệt. Trước đó, Dũng còn thổ lộ với ông về nụ hôn của một cô gái hàng xóm trao cho anh trước lúc lên đường mà anh chưa kịp đáp trả. Và Dũng đã không còn cơ hội để thực hiện ý định ấy nữa…

Những giọt nước mắt của các bạn trẻ hôm nay đã rơi trong những câu chuyện kể từ quá khứ bởi các chứng nhân lịch sử. “Các chú, các bác đã sống và chiến đấu thật bi hùng để có ngày hôm nay. Vì vậy, chúng mình phải sống sao cho xứng đáng”, Bùi Thị Diễm (27 tuổi, cán bộ Cục Hải quan Đà Nẵng) thổ lộ. Kết thúc buổi giao lưu, ông Thụy nhắn nhủ: “Hiểu quá khứ là để nhắc nhở rằng mình đã vay quá khứ nhiều lắm, để sống sao cho xứng đáng. Nếu là con chim, chiếc lá/ Thì chim phải hót, chiếc lá phải xanh/ Lẽ nào vay mà không có trả/ Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình” (Tố Hữu)”.

Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ
 

;
.
.
.
.
.