.

Thắp sáng ngọn lửa tuồng

.

Những nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh đã nỗ lực không ngừng để bảo tồn, phát huy bộ môn nghệ thuật tuồng và để tiếng trống chầu vang hằng đêm…

Một cảnh trong vở tuồng cổ do các nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh thực hiện.
Một cảnh trong vở tuồng cổ do các nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh thực hiện.

Những tín hiệu vui

Thực tế cho thấy, việc bảo tồn và phát huy nghệ thuật truyền thống ngày càng gặp khó khăn hơn. Điều đó cũng đồng nghĩa rằng, việc thu hút và đào tạo được diễn viên trẻ tài năng cho sân khấu tuồng càng hiếm hoi. Vậy mà, trong những năm gần đây, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh đã đưa sản phẩm tuồng vào phục vụ du lịch, bước đầu thu hút được các du khách trong và ngoài nước đến với nhà hát. Ông Trần Ngọc Tuấn, Phó Giám đốc, phụ trách Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh cho biết, gần hai năm trở lại đây, nghệ thuật tuồng bước đầu đã được định hình dần tại các chương trình biểu diễn phục vụ du lịch, để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp đối với du khách. Qua những buổi biểu diễn đã cho thấy, du khách rất quan tâm đến bộ môn nghệ thuật tuồng truyền thống Việt Nam.

Vì vậy, từ khi có chủ trương của thành phố, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh đã nỗ lực duy trì biểu diễn vào các tối thứ tư và thứ bảy hằng tuần để phục vụ du khách; đồng thời lưu diễn tại các địa phương trên địa bàn thành phố để phục vụ nhân dân. Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm nay, Nhà hát đã thực hiện 138 buổi biểu diễn, trong đó có nhiều buổi biểu diễn phục vụ bà con vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, theo ông Tuấn, vấn đề ở đây không phải biểu diễn bao nhiêu buổi, thu được bao nhiêu tiền… mà quan trọng hơn, thông qua các buổi biểu diễn, không chỉ giúp đưa tuồng cổ tiếp cận với khán giả mà còn hướng đến mục tiêu xa hơn là quảng bá hình ảnh và nghệ thuật truyền thống của dân tộc; góp phần bảo tồn nghệ thuật tuồng cổ.

Ông Tuấn cho biết, nhiều năm trước, các chương trình biểu diễn tuồng phục vụ khách du lịch chỉ theo mùa vụ và phụ thuộc nhiều vào nhu cầu của du khách cũng như sự tham gia của các đơn vị lữ hành. Hai năm gần đây, lãnh đạo thành phố có hướng thúc đẩy việc tổ chức chương trình chuyên phục vụ du khách. Nhiều hoạt động phụ trợ cũng đã được tổ chức như trưng bày hình ảnh về nghệ thuật tuồng, trang phục tuồng, nhạc cụ dân tộc, bày bán sản phẩm lưu niệm…, bước đầu đem lại những kết quả đáng khích lệ cho đội ngũ những người làm nghệ thuật tuồng truyền thống.

Chuẩn bị cho tương lai

NSND Trần Đình Sanh, nguyên Giám đốc Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh từng kỳ vọng có một kế hoạch “dài hơi” để quảng bá nghệ thuật sân khấu truyền thống, trong đó có bộ môn Tuồng. Là người tâm huyết với nghệ thuật tuồng, ông Sanh còn mong muốn sân khấu Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh sáng đèn thường xuyên. Trong khi đó, nhiều người cao tuổi và yêu tuồng lo lắng rằng, nếu không bồi đắp, hướng lớp trẻ đến với tuồng thì loại hình này sẽ mai một thật sự. Vì vậy, theo ông Trần Ngọc Tuấn, bên cạnh việc xây dựng các trích đoạn tuồng để biểu diễn, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh sẽ tiếp tục định hướng về phát triển nghệ thuật cho lớp diễn viên trẻ, phối hợp với Trường trung cấp Văn hóa-nghệ thuật xây dựng kế hoạch đào tạo, tuyển sinh cho lớp cao đẳng diễn viên và nhạc công tuồng, đồng thời tập huấn thay vai cho đội ngũ diễn viên trẻ… Nhà hát cũng sẽ tổ chức biểu diễn thêm mỗi tháng một lần (vào tối chủ nhật tuần thứ 4 hằng tháng) với các vở tuồng truyền thống và các vở tuồng lịch sử đặc sắc.

Từ đầu tháng 9 tới, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh phối hợp với các trường để tổ chức nói chuyện về nghệ thuật tuồng và biểu diễn các trích đoạn tuồng, nhằm định hướng cho học sinh bước đầu nhận biết cái đẹp, cái hay của nghệ thuật tuồng truyền thống qua các yếu tố như: điệu bộ, hóa trang, phục trang, tuồng tích. Bên cạnh đó, sẽ hướng đến việc triển khai tốt các tiết dạy về tuồng trong trường học để thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện - học sinh tích cực”, qua đó từng bước gieo vào tâm hồn các em cái hay, cái đẹp, ý nghĩa nhân văn và nghệ thuật sâu sắc của bộ môn này.

Bài và ảnh: NGỌC HÂN

;
.
.
.
.
.