Với các loại hình nghệ thuật sân khấu nói chung, trong biểu hiện nghệ thuật tuồng nói riêng, tiếng cười có một thế mạnh đặc biệt.
Một cảnh trong trích đoạn tuồng Hồ Nguyệt Cô hóa cáo. (Ảnh: Internet) |
Tiếng cười thể hiện tính cách, niềm vui, sự đắc thắng, tiếng cười cũng thể hiện hoàn cảnh, bi kịch, hay tột cùng nỗi đau của nhân vật trên sân khấu… Đôi khi một vở diễn, một câu chuyện được kể bằng nghệ thuật tuồng để lại nỗi ám ảnh, sự day dứt cho người xem bởi một giọng cười... Đạo diễn, NSƯT Cao Đình Liên đã nói về sức mạnh của tiếng cười trong nghệ thuật tuồng như thế. Rồi ông kể tôi nghe chuyện về NSND Đàm Liên - người được gọi là “bà chúa của sân khấu Tuồng” và cũng có thể xem là “bà chúa của tiếng cười trên sân khấu Tuồng”. Với ai đã xem vở Hồ Nguyệt Cô hóa cáo thì khó quên được tiếng cười quá nhiều ám ảnh của nhân vật Hồ Nguyệt Cô do NSND Đàm Liên thủ vai. Hồ Nguyệt Cô vì quá yêu, quá say, để mất viên ngọc quý vào tay người yêu mà mãi mãi mất kiếp người, suốt đời phải chịu làm kiếp cáo. Khi khán giả đang lặng yên, hồi hộp theo dõi từng tình tiết vở diễn, bỗng tiếng hét vang lên trên sân khấu: “Ngọc ta đâu, ai cướp ngọc ta? Thiết Giao, ai cướp ngọc ta?” Tiếng hét nỉ non, ai oán, đau khổ, thù hận, đánh thức đến nơi sâu thẳm nhất trong tâm can mỗi khán giả. Vậy mà với NSND Đàm Liên, thể hiện như thế trong nghệ thuật tuồng vẫn chưa đủ. Bởi chỉ có tiếng cười mới thể hiện tận cùng của nỗi đau, chỉ có tiếng cười mới đẩy câu hát lên tới đỉnh điểm. Và những buổi diễn tiếp theo đó, NSND Đàm Liên đã chọn cách diễn hát một câu rồi cười, cười lăn lộn, cười trong tiếng khóc, tiếng nấc… để lấy đi không biết bao nhiêu nước mắt của những người yêu tuồng.
Không chỉ với vai Nguyệt Cô, NSND Đàm Liên còn để lại dấu ấn đậm nét trên sân khấu tuồng một thời bởi tiếng cười phản diện của nhân vật Hàng Tố Mai, tiếng cười của mụ Huyện đánh ghen, tiếng cười của thị Hến khi lừa được cả Chánh tổng lẫn quan huyện trong vở Nghêu Sò Ốc Hến, rồi tiếng cười giả điên của Đắc Kỷ...
Hoặc nói tới NSND Nguyễn Lai, nguyên Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, là nói đến 36 tiếng cười mà ông đã dày công nghiên cứu sáng tạo và đúc kết lại trong suốt mấy chục năm. Vì theo ông, “mỗi người đều có tính cách riêng biệt, tiếng nói khác nhau, thì giọng cười cũng khác nhau. Có giọng cười nhẹ nhàng, điềm đạm. Có giọng cười cởi mở, vô tư. Có giọng cười sâu độc, ghen ghét, gay gắt, chua xót. Có giọng cười dâm ô, dữ tợn, hay tầm thường. Có giọng cười giả lả bề ngoài… Vì vậy, dù phải tuân thủ tính ước lệ, quy phạm nghiêm ngặt của nghệ thuật tuồng, nhưng trên sân khấu không thể diễn tiếng cười chung chung được. Và muốn có từng tiếng cười riêng biệt lại phải khổ công nghiên cứu, luyện tập. Chẳng hạn, muốn thể hiện tiếng cười của vua Trụ, ngoài việc quan sát, nghiên cứu những con người hoang dâm ngoài đời, ông còn phối hợp cả tiếng con gà trống gọi mái hoặc tiếng con dê đực… Thế mới có chuyện người ta vẫn nhắc đi nhắc lại về NSND Đàm Liên rằng, có hôm giữa canh trưa, chị bật lên những tiếng cười như điên loạn, làm mọi người xung quanh hoảng hốt. Hóa ra đó là lúc chị tập tiếng cười của nhân vật Phương Cơ giả điên trong tuồng Ngọn lửa Hồng Sơn…
Diễn viên kỳ cựu của Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, nghệ sĩ Hoa Liên từng nổi danh trên sân khấu Tuồng Quảng Nam - Đà Nẵng một thời bởi điệu cười nịnh Bụt (nịnh nhỏ) cho biết, để có được giọng cười nịnh Bụt “không ai qua” ấy, ông phải khổ luyện ngót chục năm. Và cũng theo nghệ sĩ Hoa Liên, một diễn viên chỉ có một thế mạnh nhất định, người đã giỏi cười nịnh nhỏ rồi thì không thể tạo được sự đột phá với cười nịnh lớn, không thể tạo dựng tên tuổi với điệu cười trung. Người đã giỏi điệu cười trung này thì cũng không thể giỏi điệu cười trung kia… Như chính ông bây giờ có thể cười tất cả các điệu cơ bản trong nghệ thuật tuồng, nhưng không thể thành công như cười nịnh Bụt. “Điều quan trọng là người diễn viên phải biết đâu là thế mạnh của mình để phát huy tối đa trong vai diễn”, nghệ sĩ Hoa Liên nói.
Tâm sự thêm về nghề, nghệ sĩ Hoa Liên nói rằng riêng tiếng cười khổ luyện như thế, nhưng đó chỉ là một trong rất nhiều vấn đề mà người diễn viên tuồng phải đáp ứng. Dù chỉ tập giọng cười, hay cách đi dáng đứng, một điệu bộ cử chỉ, một sắc mặt, một cách vuốt râu cũng đòi hỏi cái tâm của người nghệ sĩ tuồng để đứng vững trên sân khấu và phát huy tốt vai trò của những người làm đẹp cho đời.
NGỌC DUNG