.

Tuồng hiện đại

.

Nên hay không nên phát triển đề tài hiện đại trong nghệ thuật tuồng vốn giàu tính bác học đang là vấn đề được đặt ra khi loại hình này  đứng trước yêu cầu đổi mới.

Một cảnh trong vở Thị Kính, Thị Mầu do Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh biểu diễn.
Một cảnh trong vở Thị Kính, Thị Mầu do Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh biểu diễn.

Tuồng hiện đại không pha tạp

Theo ông Trần Ngọc Tuấn, Phó Giám đốc phụ trách Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, tuồng hiện đại ngày nay bị pha tạp nhiều, đôi lúc không có sự tách bạch rõ ràng với thể loại kịch nói. Song trước đây, các vở tuồng hiện đại đã rất thành công như: Chị Ngộ, Gia đình má Bảy, Sư già và em bé, Mối tình qua Tết Li-boong… Cũng theo ông Tuấn, yếu tố tạo nên thành công của những vở tuồng hiện đại ấy là nhờ chúng ta có Đoàn Tuồng khu 5 với một lớp nghệ sĩ tâm huyết, chắc nghề, diễn tích tuồng hiện đại nhưng vẫn giữ nguyên vẹn được trình thức biểu diễn của nghệ thuật tuồng truyền thống, giữ được cái gốc của tuồng. Đòi hỏi này với lớp diễn viên trẻ ngày nay là chuyện không dễ.

Ông Tuấn cho rằng, so với tuồng dân gian, tuồng truyền thống, tuồng lịch sử thì tuồng hiện đại chưa thành công. Nghệ thuật tuồng đã đạt đỉnh cao thời phong kiến và cho đến bây giờ vẫn chưa có giai đoạn nào vượt qua đỉnh cao ấy. Chưa vượt được nên nói chuyện phát triển, làm mới là rất khó. “Nhà nước ta có chủ trương giữ gìn và phát triển các loại hình nghệ thuật truyền thống nói chung, tuồng nói riêng, không được giẫm chân tại chỗ. Nhưng theo ý tôi, không giẫm chân tại chỗ ở đây có nghĩa là diễn viên ngày càng phải diễn hay hơn, ý tứ vở diễn phải càng ngày càng sâu sắc hơn, hoặc chúng ta có thể linh động bỏ bớt những hạn chế, những thể thức có phần rườm rà, không còn phù hợp, chứ không nhất thiết phải nạp đề tài mới, một cách khiên cưỡng thì mới gọi là phát triển…”, ông Tuấn bày tỏ quan điểm.

NSƯT Cao Đình Liên, đạo diễn tuồng cho rằng, tuồng hiện đại, hay tuồng lấy đề tài hiện đại được tính từ sau Cách mạng Tháng Tám, nhưng đến nay thể tài này vẫn đang trên đường thể nghiệm, chứ chưa có một công trình nào, một điều tra chính thức nào về cái được và chưa được của tuồng hiện đại. Vì vậy, để đánh giá một cách chính xác là vấn đề khó khăn. Có điều, thực tế các vở tuồng hiện đại được cho là thành công từ thời kháng chiến chống Pháp đến nay chỉ gắn với những giai đoạn lịch sử nhất định, nếu nay trình diễn lại chắc chắn sẽ không hút được khán giả. Ngay cả những vở từng được khán giả thích, giờ xem lại chưa hẳn họ muốn xem, vì không khí, bối cảnh cụ thể ấy không còn nữa. Trong khi đó, nhiều vở tuồng cổ qua bao thăng trầm, biến cố, vẫn vẹn nguyên giá trị tư tưởng, vẫn giàu sức hấp dẫn như: Nghêu sò ốc hến, Mỵ Châu - Trọng Thủy, Lịch sử hãy phán xét... Vì vậy, theo NSƯT Cao Đình Liên, vấn đề không phải ở đề tài hiện đại hay không hiện đại, quan trọng là cách thể hiện, là nội dung tư tưởng có gắn với tâm tư, tình cảm của con người, có nói lên được những vấn đề của con người hay không.

Làm mới tuồng: Chuyện không dễ!

Không ít ý kiến cho rằng, nên làm mới tuồng để hút khán giả trẻ, thì những người tâm huyết với tuồng cổ lại lý luận rằng, mỗi loại hình nghệ thuật có một đối tượng khán giả riêng, người muốn xem tuồng phải hiểu tuồng mới xem được… Trừ những vở tuồng hiện đại phản ánh các cuộc chiến đã qua, vở Người cáo đang được coi là vở tuồng gần với cuộc sống đương đại nhất, từng được Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh dàn dựng, đem đi thi từ những năm 2007-2008, nhưng có ý kiến lại nói rằng, Người cáo thực chất cũng chỉ là một vở tuồng hiện đại chỉ một nửa, còn một nửa vẫn là tuồng dân gian, từ đó để thấy rằng, tuồng muốn “hiện đại” đúng nghĩa không phải chuyện ngày một ngày hai.

Chị Nguyễn Thị Kiều Oanh (28 tuổi, ở quận Hải Châu) bộc bạch: “Mình không xem nhiều tuồng hiện đại, chỉ biết rằng mỗi khi xem trên ti-vi, thấy các diễn viên mặc đồ hiện đại, nhưng thỉnh thoảng vừa nói, rồi hát, rồi múa may thì thấy không phù hợp”. Một khán giả lớn tuổi hơn cũng bày tỏ, nên để tuồng đúng với tuồng xưa, hãy kể những câu chuyện tuồng có tích, có sử, còn những vấn đề thời sự ngày nay nên dành cho thể loại kịch nói. Tại Hội diễn sân khấu tuồng và dân ca kịch toàn quốc tại Đà Nẵng vào tháng 1-2010, Vòng tay núi rừng của Đoàn Nghệ thuật Tuồng Thanh Hóa là vở tuồng duy nhất mang đề tài hiện đại. Lúc đó, một số ý kiến của các đoàn tham gia Hội diễn cho rằng, không thể có “tuồng mới” với đề tài đương đại. Nhưng cũng có những ý kiến ủng hộ việc thử nghiệm “tuồng mới”.

Về vấn đề này, NSND Trần Đình Sanh, nguyên Giám đốc Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh cho rằng, việc đưa hơi thở cuộc sống hiện đại vào sân khấu tuồng là việc tốt, nên làm, vì vấn đề bảo tồn và phát triển nghệ thuật truyền thống không bao giờ triệt tiêu cái mới, tất nhiên cái mới đó phải có gốc rễ, nền tảng vững chắc. Trong hàng trăm vở tuồng hiện đại đã được dựng, số được coi là thành công không nhiều. Cũng theo NSND Trần Đình Sanh, tuồng với đề tài hiện đại vẫn có điều gì đó không thuận, nhưng như thế không có nghĩa không làm được. Nếu kịch bản hay, bối cảnh phù hợp, không xa rời trình thức diễn tuồng… thì tuồng mới vẫn có thể được chấp nhận. “Thông điệp nghệ thuật, về cuộc sống, về nhân sinh mới là điều còn lại sau cùng đối với người xem tuồng”, NSND Trần Đình Sanh nhấn mạnh.

Bài và ảnh: THANH TÂN

;
.
.
.
.
.