.

Văn hóa đọc ở Đà Nẵng

.

Bài cuối: Đọc sách là sự bồi đắp tâm hồn

TIN LIÊN QUAN

Bài 1: Gam màu trầm lặng

Trao đổi với phóng viên Báo Đà Nẵng, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Đình An (ảnh) cho rằng, đọc sách là sự bồi đắp tâm hồn. Khi lớp trẻ quan niệm: Làm giàu không cần đọc sách, mà chỉ cần thông thạo các con số, biết chút mánh khóe... thì chẳng mấy chốc lối sống thực dụng sẽ ngập tràn.

* Trong rất nhiều hội thảo, tọa đàm, văn hóa đọc (VHĐ) ở Việt Nam nói chung, Đà Nẵng nói riêng bị cho là đang có những dấu hiệu sa sút. Theo ông, đâu là những biểu hiện của tình trạng này?

- VHĐ ở nước ta nói chung, Đà Nẵng nói riêng hiện nay là vấn đề đáng lo ngại, trước hết bởi số lượng sách phát hành quá ít so với dân số. Không nói đâu xa, thời vua Minh Trị ở Nhật Bản thế kỷ trước cho dịch những cuốn sách hay nhất thế giới, bán được hàng chục nghìn bản với dân số hơn 30 triệu người. Trong khi đó, cùng cuốn sách này dịch ở Việt Nam, dân số gần 90 triệu người nhưng chỉ in 1.000-2.000 bản. Bên cạnh đó, những tập quán mang tính hỗ trợ cho hoạt động đọc ở nước ta dường như chưa hình thành hoặc quá mờ nhạt. Cụ thể, ngay với thói quen tặng quà, ngày nay không nhiều người tặng sách. Ngày Lễ tình nhân, người ta sẽ tặng nhau hoa hồng, kẹo chocolate, mỹ phẩm; ngày Quốc tế Phụ nữ, ngày Nhà giáo Việt Nam... cũng tương tự. Các gia đình khá giả ngày nay ít đầu tư cho tủ sách, ít có thói quen chưng sách, như nhà văn Sơn Nam từng phản ánh, đến những gia đình khá giả hiện nay có thể thấy những tủ rượu rất sang trọng, nhưng sách thì không có một cuốn. Ngày xưa, những gia đình trung lưu trở lên, hầu như không có gia đình nào không bày biện cho mình một tủ sách, có thể chưa đọc ngay nhưng họ để dành, coi như một tài sản quý cho con cháu... Bây giờ, ngay cả hoạt động giới thiệu sách cũng chẳng mấy ai chú ý. Không như ngày xưa, chúng tôi có thể vượt rừng, đi bộ hàng cây số chỉ để nghe giới thiệu về một cuốn sách.

*Theo ông, đâu là nguyên nhân?

- Ngày nay, trong một xã hội phát triển, một bộ phận giới trẻ quen nhận kiến thức từ người khác và chính điều này dẫn tới hệ quả tất yếu, đó là sự ỷ lại, tính thụ động trong việc khai thác và tiếp nhận thông tin. Thậm chí, truyền hình đã làm luôn hoạt động điểm báo, điểm sách. Và với mọi thứ dễ dàng trong điều kiện có sẵn như thế, giới trẻ sẽ cảm giác mình biết hết, trong khi kỳ thực lại không biết gì, hoặc biết chưa đến nơi đến chốn. Tất nhiên, nguyên nhân không thể chỉ đổ lỗi hoàn toàn cho thời đại công nghệ thông tin, cho ý thức của người dân. Nếu chúng ta có được những đầu sách chất lượng đến tận tay người đọc, hoạt động quảng bá, tôn vinh VHĐ được quan tâm đúng mức..., thì chắc chắn sẽ khác.

* Có ý kiến cho rằng, VHĐ ở đây không chỉ dừng lại ở kỹ năng đọc, chuyện đọc sách mà hiểu rộng hơn đó chính là văn hóa tích lũy thông qua cả kỹ năng nghe-nhìn. Quan niệm của ông về vấn đề này như thế nào?

- Các phương tiện nghe-nhìn cung cấp cho chúng ta những thông tin ngắn gọn, kịp thời. Nhưng dù thời đại nào, tôi vẫn tin rằng không gì thay thế được sách. Nói về vai trò của sách, đọc sách thì không thiếu những ý kiến của các chuyên gia, tôi nghĩ mình không cần nhắc lại. Chỉ xin dẫn ra một trong số đó là ý của nhà nghiên cứu Nguyễn Trung, rằng: “Đọc sách là con đường ngắn nhất đi tới hiểu biết cuộc sống đang ngày càng mở rộng với vận tốc ngày càng nhanh. Đọc sách sẽ giúp mình được rảnh rỗi hơn nhiều trong công việc, bình tĩnh hơn nhiều trong cuộc đời. Càng nhiều tuổi, tôi càng thấm thía: càng bận bịu, bức xúc bao nhiêu, thì càng phải cố tìm chọn sách mà đọc bấy nhiêu”.

* Nói VHĐ ngày nay sa sút, vậy ngày trước ở Quảng Nam - Đà Nẵng đã từng tồn tại VHĐ đỉnh cao, thời điểm mà phần lớn người dân lúc đó đều không biết chữ?

- Quảng Nam - Đà Nẵng từng có VHĐ, tất nhiên vì điều kiện đất nước, VHĐ ngày xưa không trải rộng trong đại đa số dân chúng mà chỉ tập trung ở những người có điều kiện đi học. Sôi nổi nhất của phong trào đọc ở Quảng Nam - Đà Nẵng là thời kỳ đọc Tân thư vào đầu thế kỷ XX. Hệ thống sách báo của các chủ soái phong trào Duy Tân lúc bấy giờ được gọi là Tân thư đã làm thay đổi mạnh mẽ nhận thức của đông đảo tầng lớp sĩ phu yêu nước. Sau phong trào Tân thư, truyền thống hiếu học ở Quảng Nam luôn gắn với VHĐ. Cụ Phan Thanh, Phan Bôi là những người nổi tiếng với vốn tri thức giàu có từ việc đọc sách. Các giáo sư như Lê Trí Viễn, Huỳnh Lý, Lê Đình Kỵ đều là những người nổi danh không phải bằng con đường học vấn, bằng cấp mà bằng quá trình tự học, tự trau dồi qua sách vở...

* Sự sa sút của VHĐ hẳn sẽ dẫn đến rất nhiều hệ lụy. Điều gì khiến một người tâm huyết với sự nghiệp văn hóa như ông lo lắng nhất?

- VHĐ không chỉ tác động đến sự giàu hay nghèo của tri thức, đáng ngại hơn là sự tác động về mặt đạo đức, lối sống, tâm hồn. Khi con người cứ sống nhanh, sống gấp, dễ chấp nhận những giai điệu đơn giản của các bản nhạc viết vội, những cuốn sách nghèo nàn về thông tin, vụng về trong biên tập..., họ chẳng mấy khi dừng lại ở những trang viết đầy tính nhân văn về cách đối nhân xử thế, về một thân phận đáng thương hay những cuốn sách kinh điển, những trang sách lịch sử hào hùng của các dân tộc... để biết được trách nhiệm, bổn phận của mình. Khi lớp trẻ quan niệm, làm giàu không cần đọc sách, mà chỉ cần thông thạo các con số, biết chút mánh khóe... thì chẳng mấy chốc lối sống thực dụng sẽ tràn ngập khắp nơi. Sự nghèo nàn về kinh tế, về tri thức có thể từ từ bồi đắp, nhưng sự nghèo nàn về tâm hồn sẽ là lỗ hổng không gì bồi đắp được...

* Theo ông, cần có những giải pháp nào để VHĐ có thể trở về vị trí xứng đáng trong đời sống người Đà thành?

- Đây là vấn đề của toàn xã hội. Chúng ta cần tăng tính hấp dẫn của hệ thống thư viện; nên mời những chuyên gia có uy tín, có khả năng thuyết phục cho các buổi giới thiệu sách; nên tổ chức các cuộc thi, những ngày hội sách tôn vinh VHĐ. Đặc biệt, nhà trường từ bậc tiểu học đến đại học phải làm thế nào tạo được thói quen đọc sách, niềm say mê đọc sách cho học sinh, sinh viên...

* Xin cảm ơn ông!

THANH TÂN thực hiện

;
.
.
.
.
.