Trong lúc có quá nhiều phương tiện giải trí, tiếp cận thông tin, vấn đề văn hóa đọc được đặt ra bởi loại hình văn hóa tao nhã này đang bị thờ ơ.
Hiện nay không có nhiều bạn trẻ đam mê sách Văn học như thể này. |
Thị trường sách không sôi động
Bà Nguyễn Thị Ngọc Liên, Giám đốc Chi nhánh Nhà sách Phương Nam tại Đà Nẵng cho biết, vài năm trở lại đây, hoạt động thương mại của Nhà sách này được duy trì nhờ một phần không nhỏ việc kinh doanh các mặt hàng văn phòng phẩm, băng đĩa, đồ lưu niệm… Còn doanh thu từ việc bán sách thì liên tục giảm do sức mua giảm sút, nhất là các loại sách kinh điển, các tác phẩm văn học nổi tiếng. Đối tượng lui tới nhà sách nhiều nhất là tuổi teen và loại sách được lứa tuổi này ưa chuộng không gì khác là những câu chuyện giải trí kiểu “mì ăn liền”, vừa nhanh, vừa gọn; một số đến nhà sách để uống cà-phê, số khác đi mua quà sinh nhật…
Trong khí đó, ông Phạm Huy Hào, Cửa hàng trưởng Nhà sách Fahasa Đà Nẵng chiêm nghiệm: “Trong lúc kinh tế khó khăn, thị trường sách không còn sôi động như trước, người ta phải cân đo, đong đếm nhiều hơn khi quyết định bỏ tiền cho một món hàng nào đó và thực tế cho thấy, sách không phải là ưu tiên hàng đầu”. Nhà sách Fahasa Vĩnh Trung cũng cho hay, hoạt động mua bán sách hè trong tháng 6 vừa qua diễn ra khá sôi nổi. Tuy nhiên, bạn đọc chủ yếu đến nhà sách vẫn là thiếu nhi, còn sinh viên, công chức, người lớn tuổi đến nhà sách chỉ cầm chừng.
Dạo một vòng xung quanh khu vực các trường ĐH Bách khoa, ĐH Sư phạm, CĐ Kinh tế - kế hoạch Đà Nẵng có thể thấy quán cà-phê, quán karaoke, nhà hàng, quán nhậu, quán Internet… mọc lên như nấm, hoạt động rộn rã cả ngày lẫn đêm. Trong khi đó, nhà sách, quầy bán sách chỉ đếm trên đầu ngón tay, hoạt động cầm chừng. Nguyễn Thị Quý, sinh viên Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng, đang làm thêm tại nhà sách Lạc Việt (đường Nguyễn Lương Bằng) cho biết, công việc ở đây rất nhàn nhã vì mỗi giờ, nhà sách chỉ tiếp từ 5-7 khách, trong khi lực lượng nhân viên làm theo ca từ 4-5 người/ca.
Thực tế đáng buồn hơn, khi một số nhà sách còn cho thấy sự yếm thế của mình bằng việc dần thu hẹp mặt bằng, nhường chỗ cho các loại hình giải trí phổ biến như cà-phê, karaoke... Đơn cử, Nhà sách Sơn Trà gần đây đã chấp nhận dồn mọi hoạt động lên tầng áp mái nóng bức, nhường hẳn tầng một thoáng rộng, mát mẻ cho một chủ quán cà-phê, vì cho rằng việc dành cả hai tầng khang trang cho sách và các ấn phẩm khác là quá lãng phí!
Thư viện: Nhiều bấp cập!
Tọa lạc vị trí trung tâm thành phố, quang cảnh thoáng đãng nên Thư viện Khoa học Tổng hợp thành phố (gọi tắt là Thư viện Tổng hợp) luôn là điểm đến lý tưởng cho tất cả mọi người, đặc biệt trong dịp nghỉ hè. Có điều, khách đến thư viện không hẳn vì mục đích đọc sách. Cụ thể, các cụ hưu trí thường đến thư viện để đọc báo; phần lớn sinh viên đến để học bài, vẽ tranh, chỉ có thiếu nhi thì thật sự chăm chú với các tập truyện tranh. Một sinh viên bộc bạch: Đến thư viện học bài rất hiệu quả, vì nơi đây yên tĩnh, lại không nóng như ở nhà trọ. Một sinh viên kiến trúc cũng chia sẻ rằng, không gian sân vườn tại Thư viện Tổng hợp rất đẹp, kích thích nhiều ý tưởng sáng tạo cho những người sáng tác tranh.
Thư viện công cộng thành phố Đà Nẵng được tổ chức theo đơn vị hành chính từ thành phố đến quận, huyện, xã, phường. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, hệ thống thư viện này đang ngày càng bộc lộ nhiều bất cập, ảnh hưởng không nhỏ đến nhu cầu đọc của người dân. Như Thư viện Tổng hợp thành phố được xây dựng từ năm 1975, là khu Trung tâm văn hóa Pháp, diện tích xây dựng trên 1.500m2 nhằm phục vụ cho mục đích làm việc nên không đúng với yêu cầu và công năng của một thiết chế thư viện. Hơn nữa, thời gian sử dụng đã quá lâu, đến nay cơ sở xuống cấp và đang trong tình trạng quá tải về kho sách, hạn chế chỗ ngồi của bạn đọc và thiếu chỗ triển khai các hoạt động nghiệp vụ.
Toàn thành phố chỉ có 3/8 quận, huyện, 13/56 phường, xã có thư viện. Trong đó, các thư viện tuyến dưới này đều chưa bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật, chất lượng kho sách, chất lượng phục vụ… Vì vậy, các thư viện chưa giành được sự quan tâm đúng mức của cộng đồng người dân địa phương.
(Còn tiếp)
Bài và ảnh: THANH TÂN