.

Bố tôi

.

Bố chưa đến 70 tuổi thì mẹ mất. Cuối thế kỷ XX, tuổi thất thập không còn “cổ lai hy” nữa nhưng phần cuối cuộc đời bố chịu cuộc sống đơn côi. Ấy là bố tự muốn sống thế. Bố mẹ có 4 đứa con trai đã thành gia thất. Con trai trưởng là cán bộ nghỉ hưu về quê lo việc ông bà thay bố. Hai đứa con trai khác đang làm việc tại Đà Nẵng. Người con trai thứ 3 cũng đã kịp lập gia đình, có con trai nối dõi và hy sinh tại Quảng Trị năm 1982.

Bố tôi là đảng viên, trưởng tộc họ Trương Minh Lệ. Cả cuộc đời ông sống ở làng. Có đi đâu xa cũng vài ba bữa, mà cũng chỉ quanh quẩn mấy xã ở huyện Bố Trạch, Tuyên Hóa thôi.

Một đôi lần ông vào Đà Nẵng thăm cháu. Đúng nghĩa là thăm cháu thật, ở được năm bữa, nửa tháng ông quẩy quả đòi về quê.

Gần cả chục năm sau khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, tình hình kinh tế khó khăn, nhưng đời sống cán bộ, công chức được cải thiện nhiều. Cuộc sống còn thiếu trước hụt sau, nhưng chúng tôi cũng đủ sức bảo đảm cho bố cơm ngày hai bữa đủ thịt thà, canh rau, nhưng ông nhất quyết không là không.

- Tau biết các con thương bố, nhưng đi vô đi ra trong 4 bức tường mà thấy mệt. Bố không quen sống kiểu này, ông nói.

Tính ông vậy, đã quyết là không ai ngăn cản. Hôm sau chúng tôi chở bố lên bến xe.

Tôi nghĩ thói quen, tập quán quê nhà níu kéo ông. Phần nữa, ông muốn sống trong ngôi nhà của mình để hằng ngày hương khói cho ông bà và mẹ tôi.

Ở quê còn vợ chồng anh trai cả, nhưng ông vẫn sống một mình. Sau khi mẹ mất một thời gian, dịp xủi mả năm 1992, bố gọi tất cả các người con lại bàn chuyện gia sự. Khi con cái tề tựu đông đủ, ông lấy trong xéo ông vẫn mang theo người một mảnh giấy.

- Tau nói với bọn bây, tau sống không bao lăm nữa. Bố mẹ có tất cả từng này gia sản. Mẹ mất rồi, bố giao lại cho các con.

Mảnh giấy ông ghi đầy đủ, chi tiết từ ngôi nhà lớn nơi thờ ông bà, căn nhà nhỏ kế bên vợ chồng anh trai cả đang ở, mấy thước ruộng, vườn, chum, lu, vại sành, thùng phuy đến tô, đĩa, chén bát... Tóm lại là tất cả những gì ông có, đều được liệt kê, không bỏ sót. Ông nói:

- Căn nhà lớn để vợ chồng thằng Đức ở thờ tự, tau về nhà thằng Đức. Khi chết, bọn bây dành để làm nhà thờ và để những đứa ở ngái tá túc trong những lần về quê. Còn lại tất cả chia 4, đứa nào cũng có phần như nhau, các con tùy đó mà sử dụng. Ông nói thêm, đứa nào có ý gì thì nói hết, nhất trí rồi đừng nói qua, nói lại nữa, tau không thích.

Còn cái này nữa, ông rút ra cuốn sổ tiết kiệm. Số dư chỉ 2 triệu đồng, đưa cho người anh thứ 2 trước tất cả mấy em tôi:

- Đây là số tiền con cho bố khi con đang học ở Liên Xô.

Anh em chúng tôi ngỡ ngàng, bố giải thích:

- Tiền hắn cho tau dưỡng già, tau cảm ơn. Tau nghĩ con có 4 đứa, đứa có cho, còn những đứa khác không có thì răng. Ăn của đứa này, còn đứa khác? Bây có bây cho bố, rứa là quý. Nhưng tau chỉ nhận phần lộc thôi, phần vốn tau gửi lại.

Tất cả phần hậu sự của tau, tau đã lo đầy đủ, từ hòm, khăn tang, quần áo… các con không phải lo gì nữa.
Bố mẹ nghèo nhưng minh bạch, vẫn còn đau đáu nỗi lo, khi ông bà về với tổ tiên, các con, cháu có tỵ nhau về của nả? Anh em chúng tôi thường nhắc nhau về nỗi băn khoăn bố không nói ra lời. Chúng con nguyện không vì của cải, tiền tài mà phiền lòng đấng sinh thành.

Tính bố tôi vậy, cả làng ai cũng biết. Ông sống đạm bạc, thanh liêm và đầy tự trọng. Lý lịch Đảng của ông khai thành phần gia đình bần nông. Đến anh em chúng tôi phần này trong lý lịch vẫn khai như vậy. Nhiều lúc nghĩ về gia đình, tôi thấy mình hạnh phúc vì được sinh ra, được nuôi dưỡng trong một gia đình nông dân thanh bần.

Khi giao lại tài sản cho các con, ông sống thanh thản trong căn nhà nhỏ cạnh ngôi nhà cũ. Hằng ngày, ngoài chuyện nhổ cỏ, chăm cây, ông thường đi quanh xóm mua tre về chẻ hom mang ra chợ bán. Những năm 1990, phong trào ngói hóa rầm rộ ở nông thôn, nhưng mỗi ngày ông cũng bán được vài trăm hom, theo ông nói là đủ tiền chợ. Mỗi lần về quê, tôi đều lựa lời năn nỉ ông đừng làm nữa. Chặt tre, chẻ hom ngó rứa mà không nhàn nhã, dằm đâm, đứt tay là thường tình, nhưng ông chỉ nói gọn lỏn: Làm cho vui, chứ ngồi không chịu răng được…

Sau ngày hòa bình lập lại, trong phong trào xây dựng tổ đổi công, rồi xây dựng HTX, bố mẹ tôi đều gương mẫu đi đầu. Nhờ bình dân học vụ, bố thông thạo đọc và viết. Khi quê tôi thành lập HTX vay mượn, sau này đổi thành HTX tín dụng những năm đầu 1960, bố tôi được bầu vào Ban quản trị và được cử làm thủ quỹ HTX từ đó đến ngày mẹ tôi qua đời (1986).

Hơn 25 năm làm thủ quỹ HTX tín dụng xã Quảng Minh, đó không biết là kỷ lục về tham gia giữ 1 chức danh - mà bây giờ người ta cho là rất nhạy cảm - của một đơn vị kinh tế hợp tác hay không, nhưng với người dân quê tôi, ông rất được nhân dân thương yêu, tín nhiệm. Những năm về già, thỉnh thoảng ông bị nhầm lẫn trong chi trả tiền. Có lần, ông chi trả dư cho 1 ngư dân ở Giáp Tam mấy triệu đồng. Vài ngày sau, kiểm lại quỹ thấy hụt ông đến gia đình kia xin lại. Không những họ trả tiền lại mà còn phân bua, xin lỗi vì chưa kịp mang trả lại bác, mong bác cảm thông. Có lẽ, sự cần mẫn, trong sáng vô tư như vậy nhưng một thời gian dài sau khi nghỉ, ông được HTX gọi lại làm thủ quỹ thêm mấy năm nữa.

Những năm chiến tranh phá hoại khốc liệt, bố tôi cùng các cô, các chú trong HTX đội bom lặn lội làng trên, xóm dưới thu tiền tiết kiệm của bà con phục vụ cho kháng chiến và xây dựng nhưng khi ra về với hai bàn tay trắng. Không lương, không bổng lộc cũng không Huân chương, huy chương. Tổ chức có gợi ý ông khai báo công lao để khen thưởng, nhưng ông không mấy mặn mà. Ông bảo chú Phán, chú Lín, o Khỉnh - những người đồng sự của ông - công trạng nhiều hơn, phần Huân, Huy chương nên dành cho các o, chú ấy.

Ông nói sống một mình để được tự do nhưng tôi nghĩ lý do chính là ông không muốn làm phiền con cháu. Sống một mình, muốn ăn thức gì, ăn lúc nào thì ăn. Bố tôi là con trai một trong một gia đình có 4 chị em nên việc dọn dẹp nhà đến chuyện bếp núc ông ít động tay đến. Thời còn mẹ tôi, tất cả chuyện đó đều do mẹ làm. Tôi biết ông tự lo cuộc sống cho mình không phải dễ. Thường thì sáng ông nấu nồi cơm, ăn một phần, phần còn lại dành cho bữa chiều. Thức ăn nhà quê thường 2 thứ: Cá kho mặn và canh. Bản tính ít ăn canh nên các cháu tôi thuật lại ngày này qua tháng khác, ông nội độc diễn cơm nguội và cá kho. Thịt thì họa hoằn mới có. Những lúc có thức ngon, ông kêu mấy cháu nội đến ăn cùng.

Người già ăn uống vậy thật không yên lòng con cái. Lại càng thương hơn khi tuổi mới ngoài 40 ông đã rụng hết răng.

Sau này, chúng tôi muốn làm cho ông bộ răng giả, nhưng ông gạt đi, bảo tau chịu thế quen rồi.

Ông “nhai” cơm nguội bằng “nếu”, trệu trạo rồi nuốt. Cũng có lẽ vì vậy, nên cuối đời ông mắc bệnh dạ dày…
Minh Lệ quê tôi là làng quê nghèo, có thể coi là nhất nhì 9 xã vùng nam huyện Quảng Trạch. Người dân ở đây sống bằng nghề nông, khi nông nhàn thì lên rừng kiếm củi. Cả làng không có nghề thủ công nào.

Cũng như làng quê Quảng Trạch, Minh Lệ quê tôi không có mái chùa nào. Ngoài một bộ phận nhỏ ở xóm Nam theo Thiên chúa giáo, còn lại bà con có tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Nơi gửi gắm cuộc sống tâm linh mang tính cộng đồng là nhà thờ tộc và đình làng. Thường thì một năm hai kỳ, bà con thân tộc tập trung ra nhà thờ tộc, cúng bái. Đó là ngày giỗ Thành Hoàng và ngày xủi mả. Người làng tôi không biết có một ngày Vu lan trong năm. Tôi không là tín đồ Phật giáo, nhưng nơi tôi sinh sống hiện nay là vùng đa tôn giáo, nên những va đập cuộc sống hằng ngày khiến tôi ngộ ra rằng, người làng mình cũng có nhiều quan niệm như các tôn giáo mà quan niệm về hiếu nghĩa là một ví dụ. Người dân quê tôi cho rằng, con cái, trước hết phải có hiếu nghĩa, và phải sống sao cho xứng với đức sinh thành. Tôi thấy lễ Vu lan cũng gần gũi với cuộc sống đời thường, nhưng với tôi, tôi không phải cứu mẹ như Mục Kiền Liên, mà bố mẹ tôi là những tấm gương mà hằng ngày tôi soi vào để sửa mình. Nhân ngày lễ Vu lan, tôi chép lại một số chuyện nhỏ về bố như là sự tri ân. Bố đã để lại cho các con cả cuộc đời của bố.

TRƯƠNG CÔNG ĐỊNH
 

;
.
.
.
.
.