.

Cẩn thận với thú chơi chim

.

Thời gian gần đây, phong trào chơi chim đang nổi lên rầm rộ trong giới trẻ Đà Nẵng, nhưng bên cạnh những ưu điểm, thú vui này cũng để lại không ít hệ lụy.

Phần lớn các bạn trẻ nuôi chim trong không gian sinh hoạt của gia đình nên nguy cơ gây ô nhiễm môi trường do phân và thức ăn của chim gây ra là rất lớn.
Phần lớn các bạn trẻ nuôi chim trong không gian sinh hoạt của gia đình nên nguy cơ gây ô nhiễm môi trường do phân và thức ăn của chim gây ra là rất lớn.

Con đi cấp cứu vì nuốt... lông chim

Gần 10 năm nuôi chim, anh Đ.N.U (ở đường Trưng Nữ Vương, quận Hải Châu) được xem là dân chuyên nghiệp trong “nghề”. “Tài sản” gồm 12 con chim chào mào, phần lớn thời gian trong ngày, anh U. dành để lo cho chim ăn, dọn vệ sinh, tắm rửa. Hằng ngày, cứ đúng 5 giờ 30, anh lại mang lồng chim đến quán cà-phê ở kiệt 8, đường Hoàng Diệu (quận Hải Châu) và cùng các “chiến hữu” chia sẻ kinh nghiệm về nghề nuôi chim, đồng thời đây cũng là điểm giao dịch mua bán chim. Thỉnh thoảng anh U. lại cùng nhóm bạn tổ chức những chuyến đi xa (chủ yếu lên đèo Hải Vân) để bẫy chim về nuôi và bán lại.

Quá mê chim nên hầu như mọi chuyện sinh hoạt trong gia đình rồi cả việc đưa rước và dạy bảo con cái cũng được anh U. giao hẳn cho vợ. Nhưng cũng vì vậy, chuyện cãi nhau, xung đột giữa hai vợ chồng anh U. diễn ra như cơm bữa, có hôm tình hình căng thẳng đến mức hàng xóm phải can ngăn, hòa giải. Nói về niềm đam mê của chồng, chị L.T.K.T, vợ anh U, buồn bã: “Chị nhìn xem, nhà tui từ trong ra ngoài không có chỗ mô không có phân chim. Đi từ ngoài ngõ vào đã nghe mùi hôi, nhà nhỏ nên càng ô nhiễm hơn. Đó là chưa nói đến chuyện chim hót cả ngày làm 3 mẹ con tui nhức đầu, không ngủ được. Nhà đã khó khăn, ông lại cứ lo chim với cò, mình tui phải chạy chợ để nuôi cả nhà, rứa mà ông càng ngày nuôi chim càng nhiều”.

Mới chỉ tham gia nuôi và chơi chim 2 năm nay, nhưng anh T. (ở đường Phan Đăng Lưu, quận Hải Châu) đã thể hiện đam mê của mình không kém bất cứ một ai. Điều kiện kinh tế gia đình khá giả nên anh T. rất “mạnh tay” khi mua chim về nuôi. Nhà anh hiện có 3 chú chim chào mào, mỗi con có giá từ 2-3 triệu đồng và 10 con khác cũng loại này, mỗi con được mua với giá từ 700.000-800.000 đồng. Nuôi lồng gỗ, nhỏ chưa đủ, anh T. còn nhờ thợ gia công chiếc lồng sắt rộng gần 2m2 rồi thả vào đó thêm 10 con nữa để... ngắm. Vì nuôi nhiều, lại thường xuyên để lồng chim trong nhà nên có lần con trai gần 1 tuổi của anh nuốt lông chim và phải đưa đi cấp cứu. Sau tai nạn đó, vợ chồng anh suýt ly hôn. Chán ngán khi nói về niềm đam mê của chồng, chị H. - vợ anh T. chia sẻ: “Mang tiếng đi làm chứ được bao nhiêu tiền ông nướng vào chim hết. Thời gian mình sinh con, ông đi suốt ngày, về đến nhà là tắm, cho chim ăn chứ không hề bồng con”.

Bên cạnh việc nuôi chim như một thú vui giải trí, xuất hiện ngày càng nhiều hoạt động tổ chức độ chim nhưng núp dưới bóng các cuộc thi chim ở quán cà-phê. Anh U. cho biết, giá mỗi cuộc độ rất vô chừng, có khi chỉ độ tiền cà-phê, nhưng cũng có những người chi ra tiền triệu chỉ vì máu ăn thua.

Ô nhiễm môi trường và bệnh tật

Ông Trần Tới, Chi cục phó Chi cục Thú y thành phố Đà Nẵng khuyến cáo: “Qua theo dõi, chúng tôi nhận thấy, hoạt động mua bán và nuôi chim cảnh hiện diễn ra khá nhiều ở thành phố. Tuy nhiên, để bảo đảm an toàn vệ sinh môi trường, người dân nên hạn chế nuôi loại động vật này, nếu nuôi thì chỉ với số lượng ít (từ 1-2 con) và phải vệ sinh, diệt khuẩn cẩn thận, sạch sẽ. Thành phố vừa triển khai công tác tăng cường phòng, chống dịch cúm gia cầm, chim cũng là loại động vật mẫn cảm với bệnh này và cũng là một trong những con đường truyền bệnh nguy hiểm, nên tốt nhất không nên dung dưỡng mầm bệnh trong gia đình”.

Được biết, trong phân chim và các loài gia cầm có loại nấm Cryptococcus neoformans. Loại nấm này theo phân ra ngoài, phát tán trong không khí, tấn công vào phổi, rồi lên não gây viêm màng não cho con người. Biến chứng nặng nề nhất của bệnh là mù mắt và gây tử vong.

Bài và ảnh: KHÁNH  HÒA

;
.
.
.
.
.