.

Cậu tôi và bài thơ “Đêm nay Bác không ngủ”

.

Cậu tôi, nhà thơ Minh Huệ - tác giả bài thơ Đêm nay Bác không ngủ tên khai sinh là Nguyễn Đức Thái. Ông sinh ngày 3-11-1927 tại Bến Thủy, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, là con đầu trong gia đình có đến 9 người con của ông ngoại tôi, một nhà nho yêu nước ở Nghệ An.

Gia đình nhà thơ Minh Huệ năm 1975.  Ảnh tư liệu
Gia đình nhà thơ Minh Huệ năm 1975.                                                                                     Ảnh tư liệu

Minh Huệ là tên thường gọi của ông sau này, khi ông trở về sau kháng chiến. Mẹ tôi là em gái liền kề của ông và được ông dành nhiều tình cảm yêu thương nhất, bởi những năm tản cư kháng Pháp ở thành phố Vinh, cậu thoát ly tham gia hoạt động cách mạng, mẹ tôi phải nghỉ học để tăng gia sản xuất và buôn bán nhỏ, phụ giúp ông bà ngoại nuôi một đàn em... Vì những mối quan hệ đó mà suốt những năm chiến tranh chống Pháp, rồi đến chống Mỹ và sau ngày đất nước thống nhất, gia đình chúng tôi tuy ở xa nhau nhưng vẫn luôn giữ mối quan hệ gắn bó và chia sẻ cùng nhau những thăng trầm trong cuộc sống. Nhớ về cậu Huệ, tôi luôn nhớ lời mẹ dạy tôi học ở cậu sự liêm khiết, tính cần cù và luôn có trách nhiệm với con cháu. Và hơn hết, ông luôn là người tận tâm với công việc.

Cậu Huệ tham gia Việt Minh (tháng 5-1945) và cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Nghệ An (tháng 8-1945). Trong kháng chiến chống Pháp, ông hoạt động tuyên truyền, văn nghệ, tuyên huấn, báo chí ở Nghệ An, Khu ủy khu 4 và một số nơi khác. Ông  từng kinh qua các vị trí công tác như: Hội trưởng Hội sáng tác Văn nghệ Liên Khu 4; Khu ủy khu 4 (làm thư ký văn hóa cho Bí thư Khu ủy Nguyễn Chí Thanh, sau này là Đại tướng Nguyễn Chí Thanh); Trưởng Ban Thơ - lý luận phê bình, văn học dịch - NXB Văn học, Ủy viên Ủy ban Hành chính kiêm Trưởng Ty Văn hóa Nghệ An, Ủy viên Ủy ban Trung ương Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam...

Cuộc đời hoạt động nghệ thuật của ông gắn liền với hoạt động cách mạng. Ông là chiến sĩ xung kích của Đảng trên mặt trận văn hóa. Ngoài tác phẩm thơ Đêm nay Bác không ngủ nổi tiếng về đề tài Bác Hồ (đã được đưa vào sách giáo khoa) hơn nửa thế kỷ nay, ông còn nhiều tác phẩm khác đã xuất bản như Tiếng hát quê hương (thơ, 1959), Đất chiến hào (thơ, 1970), Mùa xanh đến (thơ, 1972), Rừng xưa rừng nay (bút ký, 1962), Ngọn cờ Bến Thủy (truyện ký, 1974-1979), Phút bi kịch cuối cùng (tiểu thuyết, 1990), Thưởng thức thơ viết về Bác Hồ (tiểu luận, 1992)...

Nêu những dẫn chứng trên để nói rõ hơn một điều là có dạo, người ta tưởng đã có thể sắp xếp Minh Huệ vào số “những nhà thơ một bài” như Hồng Nguyên và Hữu Loan ở Thanh Hóa; Hoàng Lộc, Thôi Hữu ở Việt Bắc; Trần Hữu Thung ở Nghệ An... - những người chỉ với một bài thơ hay thì họ đã “đứng” được với thi đàn. Với cậu tôi, trong sự nghiệp sáng tác của mình, bài thơ Đêm nay Bác không ngủ xứng đáng được coi là bài thơ hay nhất, đạt nhất về việc tạo dựng hình ảnh Bác Hồ - lãnh tụ vĩ đại và kính yêu của dân tộc. Trong một lần ra Vinh giỗ ngoại, tôi đã đến thăm cậu và được nghe ông kể về hoàn cảnh ra đời của bài thơ nổi tiếng đó cùng những giai thoại kèm theo bài thơ trong kháng chiến chống Pháp. Ông kể rằng, trong một đêm đi cùng một người bạn thân vừa trở về từ Chiến khu Việt Bắc, nghe người bạn kể những mẩu chuyện về sự quan tâm và tấm lòng của Bác Hồ đối với quân - dân miền chiến khu như chăm sóc bộ đội, dân công; chuyện Bác nhường thức ăn cho thương binh... Đặc biệt, chuyện có một anh đội viên (từ quen dùng để chỉ các chiến sĩ Vệ quốc quân thời đánh Pháp) được Bác đốt lửa sưởi ấm cho giấc ngủ ngon giữa rừng già đã làm ông xúc động để phác thảo những ý tưởng đầu tiên về bài thơ. Ít lâu sau, bài thơ hoàn thành và được Hội Văn nghệ Liên khu 4 xuất bản. Bài thơ sau đó đã được các giới từ cán bộ, trí thức, bộ đội, dân công và nhân dân đón nhận với sự trân trọng, đồng thời được đọc, ngâm trên suốt những nẻo đường kháng chiến.

Liên quan đến bài thơ Đêm nay Bác không ngủ có câu chuyện thú vị: Có lần, bạn của nhà thơ Minh Huệ là nhạc sĩ Trần Hoàn (sau này là Bộ trưởng Bộ Văn hóa) đi thăm một đơn vị dân công hỏa tuyến, bất ngờ gặp tình huống căng thẳng khi anh chị em dân công đòi trở về hậu phương ăn Tết, bất chấp sự giải thích của cán bộ chỉ huy giữa lúc chiến trường còn đang nước sôi lửa bỏng. Nhạc sĩ Trần Hoàn sau khi hỏi thăm những người dân công đó đã cầm lấy cây đàn guitar, đệm đàn ngâm bài thơ Đêm nay Bác không ngủ với âm điệu thiết tha... Tiếng thơ đã ngưng, nhưng cả đơn vị vẫn im phăng phắc, và những khuôn mặt dịu hẳn đi, như được hồi sinh. Nắm lấy giây phút xúc động đó, các cán bộ chỉ huy nhắc lại kế hoạch vận chuyển vũ khí, khí tài và lương thực, thuốc men cho bộ đội, sẵn sàng cùng bộ đội đón Tết tại chiến trường. Không chút do dự, cả đơn vị đã lên đường nhận nhiệm vụ.

... Sau này, khi đã nghỉ hưu và sống cùng con cháu tại thành phố Vinh, cậu Huệ vẫn sống thanh bạch, đạm bạc và luôn dạy bảo con cháu luôn học tập và học tập cả đời tấm gương của Bác, kể cả trong những công việc dù nhỏ nhất. Vì vậy, khi các anh chị con cậu tôi tốt nghiệp đại học, mặc dù có những người bạn nay đã giữ những vị trí quan trọng (có người giữ chức Phó Thủ tướng), cậu vẫn không hề nhờ vả ai mà luôn bảo con cháu mình phải tự đi xin việc và cố gắng phấn đấu trưởng thành. Suốt đời cậu sống không bon chen, luôn nhận phần thiệt về mình. Đến hết cuộc đời, ông vẫn luôn tự hào là người trong sạch, mà những điều đó ông học tập từ Bác trong những năm kháng chiến.

Khi viết những dòng này, cậu tôi đã mất gần 9 năm (ông mất ngày 11-10-2003). 9 năm là quãng thời gian không hề ngắn trong mỗi đời người với những biến chuyển và đổi thay. Nhưng với cậu Huệ, tôi luôn là đứa cháu lúc nào cũng ngưỡng mộ ông bởi một nhân cách lớn, đạo đức trong sáng và một đời đi theo cách mạng.

Đêm nay Bác không ngủ

Anh đội viên thức dậy
Thấy trời khuya lắm rồi
Mà sao Bác vẫn ngồi
Đêm nay Bác không ngủ

Lặng yên bên bếp lửa
Vẻ mặt Bác trầm ngâm
Ngoài trời mưa lâm thâm
Mái lều tranh xơ xác

Anh đội viên nhìn Bác
Càng nhìn lại càng thương
Người cha mái tóc bạc
Đốt lửa cho anh nằm

Rồi Bác đi dém chăn
Từng người... từng người một
Sợ cháu mình giật thột
Bác nhón chân nhẹ nhàng

Anh đội viên mơ màng
Như nằm trong giấc mộng
Bóng Bác cao lồng lộng
Ấm hơn ngọn lửa hồng

Thổn thức cả nỗi lòng
Thầm thì anh hỏi nhỏ
- Bác ơi, Bác chưa ngủ
Bác có lạnh lắm không?

- Chú cứ việc ngủ ngon
Ngày mai đi đánh giặc!
Vâng lời anh nhắm mắt
Nhưng bụng vẫn bồn chồn

Không biết nói gì hơn
Anh nằm lo Bác ốm
Lòng anh cứ bề bộn
Vì Bác vẫn thức hoài

Chiến dịch vẫn còn dài
Rừng lắm dốc, lắm ụ
Đêm nay Bác không ngủ
Lấy sức đâu mà đi!

... Lần thứ ba thức dậy
Anh hốt hoảng giật mình!
Bác vẫn ngồi đinh ninh
Chòm râu im phăng phắc.

Anh vội vàng nằng nặc
- Mời Bác ngủ Bác ơi
Trời sắp sáng mất rồi
Bác ơi, mời Bác ngủ.
- Chú cứ việc ngủ ngon
Ngày mai đi đánh giặc
Bác thức thì mặc Bác
Bác ngủ không an lòng

Bác thương đoàn dân công
Đêm nay ngủ ngoài rừng
Rải lá cây làm chiếu
Manh áo phủ làm chăn

Trời thì mưa lâm thâm
Làm sao cho khỏi ướt
Càng thương càng nóng ruột
Mong trời sáng mau mau

Anh đội viên nhìn Bác
Bác nhìn ngọn lửa hồng
Lòng vui sướng mênh mông
Anh thức luôn cùng Bác

Đêm nay Bác ngồi đó
Đêm nay Bác không ngủ
Vì một lẽ thường tình
Bác là Hồ Chí Minh!
(1951)

CHUNG ANH

;
.
.
.
.
.