.

Công bố khu đền tháp Chăm hơn 1.000 năm tuổi

.

(ĐNĐT) - Ngày 28-8, tại Đà Nẵng, đoàn khai quật phối hợp với Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng công bố kết quả 2 đợt khai quật, đồng thời đề xuất ý tưởng bảo tồn khu di tích đền tháp Chăm hơn 1.000 năm tuổi vừa khám phá ở làng Phong Lệ (phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng).

Hố thiêng
Ở chính tâm móng tháp này có một hố vuông sâu hơn 2m mà các nhà khảo cổ học gọi đây là “Hố thiêng”.
Hiện vật độc đáo tìm thấy trong các ô cửa trong Hố thiêng
Hiện vật độc đáo tìm thấy trong các ô cửa trong Hố thiêng

Tại buổi công bố, nhà nghiên cứu Nguyễn Chiều (Khoa Khảo cổ học, ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn- ĐHQG Hà Nội), chủ trì đoàn khai quật, cho biết đã làm lộ khá rõ ràng và chính xác toàn bộ quy mô và cấu trúc của chân móng của một tòa tháp Chăm này là rất lớn.

Theo kết luận của các nhà nghiên cứu, chân móng có bình đồ gần hình chữ thập (+). Từ cửa Đông tới cửa Tây dài 23,15m. từ cửa Bắc tới cửa Nam dài 19,30m. Từ móng tường Đông tới móng tường Tây dài 18,35m. Từ móng tường Bắc tới móng tường Nam dài 16,15m. Bề mặt của chân móng khá bằng phẳng và được tạo bằng một lớp gạch vụn đầm rất chắc, dày khoảng 10cm.

Phía dưới lớp gạch vụn đầm mặt móng nền đến độ sâu hơn 2m là những lớp gạch vụn đầm khác xen kẽ giữa những lớp đá cuội + cát trắng với độ dày không đều nhau. Dưới cùng là lớp sinh thổ (đất cát pha khá mịn và chặt).

Ở chính tâm móng tháp có một hố vuông sâu hơn 2m mà các nhà khảo cổ học gọi đây là “Hố thiêng”.

Theo ông Chiều, nếu căn cứ vào nền móng đồ sộ như vậy thì nơi đây đã từng tồn tại một tháp Chăm lớn, tương tự các đền tháp tại khu vực miền Trung, được xây dựng theo kiến trúc, tâm linh của người Chăm từ thế kỉ 12.

“Tuy nhiên, để có thể nghiên cứu sâu hơn, có thể đưa ra lý giải chính xác về kiến trúc di tích này cũng như lý giải về hố thiêng, rất cần có thời gian nghiên cứu, phân tích”, ông Chiều nói.

Ông Võ Văn Thắng, Giám đốc Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng cho biết, việc phát hiện, khai quật di tích nền móng tháp Chăm Phong Lệ (Đà Nẵng) lần này tương đối quy mô, sẽ góp phần vào việc bảo tồn, nghiên cứu, giới thiệu về phần nền móng kiến trúc.

Ông Thắng cũng cho biết, đã có ý tưởng đề xuất theo hướng đề nghị quy hoạch di tích và khu vực xung quanh thành một khu bảo tồn di dản văn hóa, trưng bày, giới thiệu sản phẩm truyền thống của địa phương, gắn liền bảo tồn di tích với phát triển kinh tế du lịch.

“Việc bảo tồn, khai thác vừa phục vụ công tác nghiên cứu, giáo dục, du lịch đồng thời góp phần vào việc phát triển kinh tế xã hội của thành phố và cho cả nhân dân địa phương”, ông Thắng nhấn mạnh.

Đắc Mạnh

;
.
.
.
.
.