Trong buổi nói chuyện với gần 5 nghìn cán bộ chủ chốt trên địa bàn thành phố tại Cung Thể thao Tiên Sơn, đồng chí Nguyễn Bá Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng tỏ ý mong muốn Đài Phát thanh-Truyền hình (PTTH) Đà Nẵng sớm đưa kênh truyền hình DRT lên vệ tinh. Báo Đà Nẵng có cuộc trao đổi với Nghệ sĩ Ưu tú Huỳnh Hùng (ảnh), Thành ủy viên, Giám đốc Đài PTTH Đà Nẵng về nội dung này.
P.V: Thưa ông, việc đưa kênh truyền hình DRT lên vệ tinh theo chỉ đạo của lãnh đạo thành phố đến nay đã được Đài PTTH Đà Nẵng thực hiện đến đâu rồi?
Ông Huỳnh Hùng (H.H): Việc đưa kênh truyền hình DRT lên vệ tinh nhằm tuyên truyền, quảng bá rộng rãi hình ảnh của thành phố đến với khán giả cả nước là một việc làm rất cần thiết. Đây không chỉ là ước mong của tập thể cán bộ, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên của Đài mà còn là của cả Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố. Tuy nhiên, vì những lý do riêng nên Đài PTTH Đà Nẵng tiến hành việc này tương đối chậm so với một số Đài ở các tỉnh, thành bạn. Sau khi nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo thành phố và sau một thời gian phát thử nghiệm, từ đầu tháng 7-2012, Đài PTTH Đà Nẵng đã chính thức đưa kênh DRT lên vệ tinh qua dịch vụ của Công ty Cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu, gọi tắt là AVG. Tầm phủ sóng của vệ tinh này là cả khu vực Đông Nam Á.
P.V: Ông có thể nói rõ hơn về đối tác được Đài chọn để đưa DRT lên vệ tinh?
H.H: Cả nước hiện có 4 đơn vị được phép làm dịch vụ đưa sóng truyền hình lên vệ tinh là VTC, K+, HTV và AVG. Mỗi đơn vị đều có thế mạnh và điểm hạn chế riêng. Qua tìm hiểu thì AVG là đối tác phù hợp với các yêu cầu, các điều kiện của Đài như chất lượng dịch vụ tốt, giá cả hợp lý, thời gian khuyến mãi dài…
P.V: Như vậy là từ nay, qua vệ tinh, khán giả cả nước có thể xem được kênh truyền hình DRT?
H.H: Chưa hẳn như vậy. Đưa sóng truyền hình từ vệ tinh trở về mặt đất rồi truyền dẫn đến người xem phải kèm theo những điều kiện nhất định. Thông thường, có hai cách để xem được truyền hình từ vệ tinh: thu sóng trực tiếp và thu sóng gián tiếp. Thu sóng trực tiếp thì nhất thiết phải lắp ráp một chảo thu và đặt một đầu thu vệ tinh cạnh máy thu hình. Chảo thu và đầu thu vệ tinh này phải do đơn vị làm dịch vụ đưa sóng lên vệ tinh cung cấp (bà con ở vùng lõm, vùng sâu, vùng xa thường sử dụng phương thức này). Thu sóng gián tiếp là lấy tín hiệu từ vệ tinh để hòa vào các mạng truyền hình cáp hoặc truyền hình kỹ thuật số mặt đất, để từ đó truyền dẫn tín hiệu đến các thuê bao (người xem ở các thành phố, thị xã, khu dân cư tập trung chủ yếu sử dụng phương thức này).
P.V: Thưa ông, ở các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh có nhiều mạng truyền hình cáp cùng hoạt động thì làm thế nào để đưa sóng DRT vào các mạng ấy?
H.H: Chi phí hòa mạng truyền hình cáp ở các thành phố lớn khá tốn kém. Trong khi đó, do tổng thời lượng chương trình phát sóng hằng ngày của kênh DRT cũng như tỷ lệ chương trình do đài tự sản xuất còn thấp nên chúng tôi chỉ đề nghị lãnh đạo thành phố cho chọn một vài mạng truyền hình cáp tiêu biểu ở các thành phố lớn để hòa sóng DRT mà thôi. Và đài chọn hòa sóng DRT vào mạng truyền hình cáp công nghệ kỹ thuật số SCTV ở thành phố Hồ Chí Minh, và hòa mạng truyền hình cáp công nghệ tương tự (analog) BTS ở Hà Nội. (Riêng SCTV là mạng truyền hình cáp lớn nhất trong cả nước ở thời điểm hiện nay với hạ tầng truyền dẫn qua 30 tỉnh, thành khu vực miền Nam và miền Trung). Tôi xin nhắc lại, không phải đã đưa kênh DRT lên vệ tinh rồi thì ở đâu cũng xem được kênh truyền hình này, mà chỉ những ai có sử dụng bộ chảo thu - đầu thu vệ tinh do đơn vị làm dịch vụ đưa sóng truyền hình lên vệ tinh cung cấp, hoặc chỉ mạng truyền hình cáp nào có lấy kênh DRT từ vệ tinh hòa vào thì các thuê bao của mạng đó mới xem được kênh DRT. Bất kỳ kênh truyền hình nào trong cả nước đã lên vệ tinh đều cũng như vậy.
Tác nghiệp đưa kênh DRT lên vệ tinh. |
P.V: Vậy làm thế nào để nhiều khán giả trong cả nước có thể xem được kênh truyền hình DRT, thưa Giám đốc?
H.H: Hiện nay có nhiều phương thức truyền dẫn sóng truyền hình đến với khán giả như: truyền hình tương tự (ăng-ten trời), truyền hình cáp, truyền hình Internet, truyền hình di động, truyền hình kỹ thuật số mặt đất, truyền hình vệ tinh. Kênh DRT đã được truyền dẫn bởi hầu hết các phương thức nêu trên. Từ đầu tháng 6-2012, Đài đã hoàn thành việc nâng cấp trang thông tin điện tử (website) tại địa chỉ www.drt.danang.vn, phát sóng trực tiếp (online) đồng thời lưu giữ các chương trình do Đài tự sản xuất và phát sóng trong vòng 30 ngày để phục vụ khán giả có nhu cầu xem lại, nghe lại. Ngoài ra, Đài cũng đã chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan để đưa kênh DRT vào các mạng Mobile TV, IPTV của các đơn vị Viettel, FPT, VTC. Ở khắp mọi nơi trong cả nước, nếu sử dụng các dịch vụ truyền hình nói trên thì đều có thể xem tốt kênh DRT1 hoặc DRT2.
P.V: Về lâu dài, ngoài việc đưa chương trình lên vệ tinh, mở rộng phạm vi phủ sóng, Đài còn có dự kiến nào khác để xứng đáng là Đài PTTH của một thành phố năng động, thành phố động lực của miền Trung - Tây Nguyên?
H.H: Hiện nay nhiều tỉnh, thành đua nhau đưa sóng truyền hình lên vệ tinh nhưng số lượng và chất lượng chương trình tự sản xuất chưa tương xứng, phần lớn chiếu phim nước ngoài, phim Trung Quốc, Hàn Quốc…, và do vậy, hiệu quả tuyên truyền rất thấp, gây lãng phí cho địa phương. Nhiệm vụ chủ yếu trước mắt cũng như lâu dài của Đài PTTH Đà Nẵng là tổ chức sản xuất chương trình tăng nhanh về số lượng, nâng cao về chất lượng, nội dung giàu bản sắc, phản ánh một cách chân thực, sinh động vùng đất, con người, những giá trị văn hóa, lịch sử của Đà Nẵng. Có như vậy chương trình DRT mới hy vọng thu hút sự theo dõi của khán giả Đà Nẵng cũng như khán giả cả nước. Để làm được việc này, Đài đang xây dựng kế hoạch bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên, đồng thời làm đề án trình lãnh đạo thành phố cho đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật sản xuất chương trình theo hướng đồng bộ, hiện đại.
P.V: Xin cảm ơn ông!
HOÀI AN thực hiện