.

Lan man chuyện ăn

.

Không biết rảnh quá hay không mà mấy vị ở  Cục V.  nghĩ ra chuyện quy định từ nay thịt gia súc chỉ được phép lưu dụng trong thời gian 8 tiếng. Quá thời gian đó là tịch thu, xử lý... Nghe mà sướng cái bụng! Ai bảo dân mình không văn minh, và cơ quan quản lý không sâu sát sự tình? Trên đời không chi quan trọng bằng chuyện ăn, dù nó vốn dĩ “là miếng tồi tàn”. Quy định ban ra, cả nước khấp khởi, từ nay thế gian này chỉ toàn thịt an toàn. Ấy thế mà chẳng bao lâu, người ta mới chợt nhận ra, tác giả của văn bản trên quả là lãng mạn: Ai có thể kiểm soát và làm thế nào biết được, thịt nào là quá 8 tiếng để mà cấm, và thịt nào mới 7 tiếng để mà còn cho phép bán? Nghe đâu cái qui định trên thọ không quá... 8 tiếng. Bây giờ chắc là phải bỏ rồi.

Đọc đâu đó viết rằng, thế giới chỉ có hai nơi ăn lòng heo: Việt Nam và Miến Điện. Mấy anh thợ hồ xóm tôi nghêu ngao: “Chiều chiều một đĩa lòng heo/ Một chai rượu gạo dẫu nghèo vẫn vui”. Nghe mà thấy ruột gan mình cứ trôi theo cái sự sung sướng.  “Con lợn có béo bộ lòng mới ngon” người xưa dạy chẳng sai. Chắc không ai trong xứ mình mà chưa một lần nhâm nha chén rượu cùng với những đoạn phèo thơm ngậy. Hồi nhỏ, mỗi khi nhà có đám giỗ là mỗi lần bọn trẻ rạo rực cả tuần! Nhìn dĩa thịt heo có mấy lát huyết và đoạn lòng để hờ hững bên trên mà cảm thấy sự kiêu hãnh của chủ nhà trào dâng. Đó là thịt tươi, lòng tươi và dĩ nhiên là ngon.  Đọc Nguyễn Tuân, kể rằng, mỗi lần sinh nhật Nguyên Hồng, bác Nguyễn tự tay mang một đùm lòng heo gói lá chuối còn nóng và một chai rượu Martel đến chung vui, tôi đọc mà cảm thấy sự tinh tế và chân thành của tình bạn. Bây giờ chắc không còn mấy những tri âm như vậy. Thay vào đó là hàng ngày đầy dẫy tin tức về việc cơ quan chức năng phát hiện, tịch thu hàng tấn ngũ tạng ung rữa đang trên đường chuyển đến cho dân mình.

Có người nói rằng lỗi không phải do người tiêu dùng mà chính là do người bán. Suy cho cùng, việc chạy theo tiền lời cũng là lẽ thường tình của những người hám tiền, cho nên mới sinh ra cơ quan quản lý về nhà nước. Xem ra, thì đủ cả các qui định, điều cho, điều cấm. Nhưng sao tình hình vẫn không cải thiện?

Nhưng nghĩ kỹ lỗi chính là do người tiêu dùng. Cầu quyết định cái cung. Ai cũng biết vậy, nhưng hình như do ham của rẻ mà dễ dãi đến cẩu thả trong ăn uống. Cứ nhìn chuyện nam thanh nữ tú của xứ mình ăn chân gà mà phát sợ. Không biết chân gà ở đâu mà nhiều đến vô tận? Nhìn mấy đứa trẻ ngồi nướng một cách ơ hờ cái đống chân gà, và mấy thực khách đang khoái trá nhai rạo rạo mà cảm thấy xốn xang. Làm sao cho họ biết chặng đường dài cả ngàn cây số, và mùi hôi nồng nặc của đống chân gà bỗ lên để họ bớt đi cái phàm ăn?

MAI CHI

;
.
.
.
.
.