.

Lan man nghĩ về việc tìm ca khúc hay cho Đà Nẵng

Khi bàn về việc tìm ca khúc hay cho Đà Nẵng, có người cho rằng chúng ta có rất nhiều ca khúc hay, nhưng do khâu quảng bá, phát hành còn yếu nên công chúng không có nhiều cơ hội để thưởng thức. Tôi xin góp một lá phiếu đồng tình với nhận xét này, mặc dù hiểu rằng đấy không phải là lý do duy nhất trong số nhiều lý do! Quả thật, chúng ta phải làm sao cho công chúng được nghe nhiều bài hát về Đà Nẵng hơn và nghe nhiều lần hơn. Những quán cà-phê trên địa bàn thành phố hiện nay vẫn còn tình trạng phổ biến những bài hát rất cũ, ca từ sáo mòn, thậm chí nhiều khi không có ý nghĩa gì. Đại loại như những “tuyên bố” thẳng thừng bằng âm thanh của một chàng trai nào đó, rằng: “Không! tôi không còn tôi không còn yêu em nữa”, cứ nhắc đi nhắc lại ba lần như thế là trở thành một ca khúc viết về tình yêu. Rồi “Tình yêu đến tôi không đợi chờ/ Tình yêu đi tôi không hề nuối tiếc”. Và đây là lời tâm sự với người yêu của một anh chàng si tình được người nhạc sĩ nào đó gửi gắm giùm bằng tiếng nói của âm nhạc mà tôi nghe được: “Tôi ngu gì mà để mất em”, v.v... và v.v... Một thực tế là người uống cà-phê thường theo “gu”, nên đã ngồi quán nào thường hay tới quán ấy. Thậm chí có những góc ngồi quen trong quán nữa. Mà cứ ngày nào cũng nghe  như thế, không khéo lâu ngày rồi cũng thành chấp nhận những thứ “gu” thẩm mỹ như vậy. Tôi cứ lẩn thẩn nghĩ, ta thử đếm xem có bao nhiêu quán cà-phê đông khách, hay là ta đầu tư sản xuất nhiều CD bài hát về Đà Nẵng phát không hay bán rẻ cho chủ tiệm để phổ biến rộng và tạo cơ hội cho người nghe bình giá thử. Biết đâu, tự dưng một ngày nào đó, sẽ có những giai điệu, những ca từ về Đà Nẵng ngân vang đâu đó trong tâm hồn và “làm tổ” trong công chúng. Thật may mắn cho những ca khúc nào được sàng lọc như vậy. Còn nếu như người nghe đông đảo cảm thấy “chối”, quán cà-phê mất khách thì rõ ràng ta phải xem lại chất lượng bài hát về Đà Nẵng đang có vấn đề. Các cụ ta xưa từng nói: Lời hay ai chẳng ngâm nga/ Trước đà thuận miệng sau ra cảm lòng. Như vậy rất cần khâu quảng bá để “thuận miệng” sau đó sinh tình mà “cảm lòng”, nhưng quả là người xưa đã rất chí lý khi đặt yêu cầu trước tiên là yếu tố chất lượng, phải là “lời hay” - hiểu theo nghĩa là nhạc và lời đều phải hay!

Cho nên dù sao thì cũng phải nhận rằng, những ca khúc hay viết về Đà Nẵng được công chúng sàng lọc và công nhận vẫn còn quá ít. Bởi vậy mà đến hôm nay, sau 37 năm Đà Nẵng hiện ra với tư cách một thành phố đã được giải phóng, độc lập tự do, văn minh hiện đại... vậy mà vẫn chưa có bài để ngâm nga như những câu nhạc để đời được tác thành bởi cảm xúc dào dạt của nhạc sĩ Huy Du cùng lời thơ của Dương Hương Ly từ ngày đầu Đà Nẵng mới giải phóng: Ơi biển xanh biển xanh ơi trời mây bát ngát/ Đây bến Tiên Sa ta cúi hôn bờ cát... Anh dẫn em đi giữa những ngày tươi nắng/ Hôn chiếc hôn nồng lên mảnh đất yêu thương... Yêu làm sao Đà Nẵng! Cũng có người nói vui với tôi rằng cái chữ “Đà Nẵng” nghe nó trúc trắc quá, khó hát, khó tạo nên giai điệu êm nhẹ... Xin hãy nghe lại nghệ sĩ Kiều Hưng hát bài hát này mấy chục năm trước đây. Một câu hát thật giản dị: Yêu làm sao Đà Nẵng, vậy mà giai điệu cất lên nhẹ bỗng, lung linh đến nghẹt thở. Thốt lên câu nói ấy không chỉ là cảm xúc nhất thời khi bước chân vào thành phố vừa được giải phóng mà đó là sự trải nghiệm qua bao năm chiến đấu hy sinh.

Dù có thể đổ lỗi cho khâu quảng bá tác phẩm về Đà Nẵng, nhưng có lẽ trước tiên phải trở lại với một lý do nghe rất cũ, “cũ hơn trái đất”, vậy mà nói ra vẫn thấy rất mới, rất thời sự; đó là cảm xúc về Đà Nẵng hình như vẫn chưa tới độ để có thể làm nên một ca khúc làm xáo động tâm hồn người Đà Nẵng và những người quan tâm yêu mến Đà Nẵng. Sự nghiệp “nuôi dưỡng cảm xúc” này thật sự kỳ công lắm lắm. Cảm xúc là cái gì hồ mơ, rất khó nắm bắt. Với những trạng thái “cảm xúc xuất thần” thì lại càng khó. Nó xuất hiện một cách bất ngờ, không kịp thời nắm bắt thì nó lặn đi, bay đi mất tăm, có khi một đi không trở lại. Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu đã có lần tâm sự: “Trong nghệ thuật, đừng nên lấy cái này so sánh với cái kia, rồi quy chụp ngang bằng, hơn thua, bởi mỗi sự ra đời của ca khúc gắn với một thời điểm, có thể một sự tình cờ, không lặp lại. Và chuyện treo giải 100, 200 triệu đồng hay hơn thế nữa cũng không phải cách để có ca khúc hay, vì tác phẩm nghệ thuật là thứ đặc biệt không thể mua mà có”.
Vì thế, yếu tố hàng đầu để có một bài hát hay về Đà Nẵng là cảm xúc thật sự về Đà Nẵng. Nhưng cảm xúc bắt nguồn từ đâu? Có nhiều nhân tố gợi cảm xúc. Có khi từ một sự việc không đâu, một chi tiết rất nhỏ nhặt rất dễ bỏ qua nhưng một tài năng âm nhạc có thể biến những hình ảnh, chi tiết thô sơ, mộc mạc ấy thành ngôn ngữ âm nhạc đẹp đẽ lộng lẫy sang trọng. Đã bao lần người Hà Nội quen thuộc với “cốm sữa vỉa hè”, với hàng cây cơm nguội, với màn sương thương nhớ chốn Tây Hồ, vậy mà Trịnh Công Sơn vẫn có thể gợi lại một Hà Nội thẳm sâu trong tâm khảm mọi người thông qua những chi tiết, hình ảnh quen thuộc đó. Cảm xúc cũng có thể đến từ những địa danh, những di tích ghi dấu chiến công, rồi kể cả những đặc sản của một vùng đất. Không ít nhạc sĩ đã thành công với những ca khúc khai thác theo cách này. Nhưng theo tôi, có lẽ nhân tố làm nên cảm xúc sâu sắc nhất cho tác phẩm âm nhạc vẫn là cảm xúc về con người, cụ thể chúng ta đang nói ở đây là con người Đà Nẵng. Có thể là cảm xúc chung rộng về tính cách con người của vùng đất này như một số ca khúc viết về tình người Đà Nẵng. Nhưng cũng có thể cảm xúc đến từ những tình cảm rất riêng tư, ngẫu nhiên, có điều cái riêng tư ấy phải gắn với cái lớn rộng của cuộc đời chung thì mới làm nên tình cảm đẹp, cảm xúc đẹp cho bài hát được. Không có gì trừu tượng hơn khi nói về con người nhưng cũng không có gì thầm thì thủ thỉ hơn khi nói về con người. Nghe lại những ca khúc về Hà Nội thời chiến tranh phá hoại ác liệt, có thể thấy một điều là súng ống vẫn ầm ầm trong ca từ nhưng nhạc thì dịu nhẹ vô cùng và người ta vẫn cứ thấy một Hà Nội bằng xương bằng thịt để yêu mến. Vẫn có một Hà Nội rực rỡ chiến công nhưng vẫn có một Hà Nội yêu kiều: Súng trên vai sao vuông đầu mũ/ Em đi về đâu mà khói bay trong nắng/ Em đi về đâu mà chân bước hiên ngang. Cảm xúc lịch sử Thăng Long Hà Nội được nói bằng một lời tâm tình: Em nghe chăng trong lắng sâu nơi hồng trái tim mình. Hà Nội mùa thu ôi xao xuyến trong lòng ta. Như bâng khuâng nghe gió đưa vang vọng giữa Ba Đình. Trong những cảm xúc về thành phố Nha Trang đang phát triển lớn mạnh, có bóng dáng của một chút riêng tư: Mùa thu sang anh cùng em lên đường. Và một Hải Phòng hiên ngang chỉ biết ngẩng đầu, vẫn có những phút giây xao xuyến rất riêng trong cảm xúc của những người đã tạo ra một Thành phố hoa phượng đỏ bằng âm nhạc: Hỡi em yêu trong đêm dài tiễn biệt…Hình như bao giờ cũng vậy, người nhạc sĩ luôn có những cảm xúc mông lung không rõ rệt về con người và về một vùng đất để làm nên những ca khúc có tên cụ thể, giai điệu cụ thể. “Nhớ mùa thu Hà Nội” là ca khúc nổi tiếng, nhưng người nhạc sĩ thì Lòng như thầm hỏi tôi đang nhớ ai; và ông không quên “nói lại cho rõ”:  Nhớ đến một người để nhớ mọi người. Đó là cảm xúc thật. Không phải là thứ tình cảm nhỏ hẹp riêng tư mà từ một cảm xúc riêng tư để hướng đến mọi người. Đó cũng là chiều sâu và  tầm vóc của một ca khúc có thể khiến cho công chúng yêu mến, thừa nhận.

Cảm xúc trong âm nhạc mang dấu ấn của từng nhạc sĩ, nhưng từng cảm xúc riêng rẽ, rời rạc cũng có thể gom góp lại, “hun nóng” ngọn lửa sáng tạo chung. Trong hoạt động sáng tạo, cũng có hiện tượng “hội tụ cảm xúc”, “hợp lực cảm xúc”. Tôi muốn nói đến sự kết hợp của người làm nhạc và người sáng tác ca từ. Việc phổ thơ như các nhạc sĩ lâu nay vẫn làm là một câu chuyện khác. Tôi muốn nói ở đây là sự hợp tác song hành theo lối “làm việc nhóm” giữa nhạc sĩ và người hỗ trợ về ca từ. Có thể một câu nhạc đẹp, người nhạc sĩ viết cho nó một đoạn ca từ tương ứng. Nhưng với một nhà văn, nhà thơ, họ có thể giúp cho câu ca từ ấy gợi cảm thêm, thấm thía thêm, làm cho câu nhạc thêm bay bổng. Có lẽ đấy cũng là một cách làm để góp phần làm ra những ca khúc hay về Đà Nẵng.

8-2012

Bùi Công Minh
 

;
.
.
.
.
.