Với những giá trị lịch sử, văn hóa của khu đền tháp Chăm hơn 1.000 năm tuổi vừa khám phá ở Phong Lệ (phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ), vấn đề bảo tồn, phát triển du lịch đang được đặt ra cấp thiết.
Hố thiêng đã đào được một nửa. |
Đỉnh cao kiến trúc văn hóa Chămpa
Theo ông Nguyễn Chiều, phụ trách đoàn khai quật di tích đền tháp Chăm Phong Lệ cả hai giai đoạn vừa qua, ở nhiều nước, di tích như thế này rất quý, cần được bảo vệ, tôn tạo. Ở Việt Nam, có những di tích quan trọng sau khi phát hiện, khai quật vẫn phải lấp đi, xung quanh vì không có kinh phí và kỹ thuật phục dựng chưa đáp ứng được. Trong tương lai, nếu có điều kiện thì đào lên, bảo vệ tôn tạo trở lại. Di tích Phong Lệ thuộc dạng này nhưng có thuận lợi là nằm trên cao, dễ thoát nước, chỉ cần làm tường bao xung quanh và mái che rộng thì có thể bảo quản được khu phế tích trước thời gian, mưa, nắng. “Nhưng tất nhiên đó chỉ là giải pháp trước mắt, tạm thời, điều quan trọng hơn vẫn là kế hoạch, phương án cụ thể để bảo tồn lâu dài”, ông Chiều nói.
Ông Võ Văn Thắng, Giám đốc Bảo tàng Điêu khắc Chăm, nhận định: Mặc dù kiến trúc bề mặt của khu đền tháp Chăm vừa khai quật hầu như không còn, nhưng giá trị khảo cổ rất lớn. Đây là di tích nằm ở địa bàn tương đối gần đồng bằng ven biển và có niên đại thuộc đỉnh cao kiến trúc văn hóa Chămpa. Việc phát hiện, khai quật di tích nền móng tháp Chăm Phong Lệ lần này tương đối quy mô, sẽ góp phần vào việc nghiên cứu phân bổ di chỉ văn hóa Chăm ở khu vực miền Trung. Thực tế, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng cũng có một số kiến trúc Chăm, nhưng từ trước đến nay, chúng ta chưa có điều kiện làm công tác khai quật khảo cổ để nghiên cứu.
Phát triển du lịch để bảo tồn
Là người làm văn hóa gắn du lịch, ông Thắng đã đặt vấn đề khai thác du lịch đối với quần thể khu phế tích vừa phát lộ, nhất là khi di tích này nằm trong khu vực có nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể cần được bảo tồn. Làng cổ Phong Lệ, hay Phong Bắc ngày nay là vùng đất đặc biệt, tập trung nhiều cơ tầng văn hóa của Đà Nẵng. Phong Lệ có đình, chùa, miếu, có nhà thờ tiền hiền của làng và nhiều nhà thờ các tộc họ. Dân làng còn lưu truyền nhiều câu chuyện, nhiều giai thoại về tên đất, tên làng, về tài năng của Ông Ích Khiêm, về những cuộc viếng thăm của Cao Bá Quát và Phan Bội Châu... Tại làng Phong Lệ xưa, lễ hội Mục đồng, lễ hội dành riêng cho các trẻ chăn trâu, tôn vinh nghề nông, cầu cho những vụ mùa bội thu đang được khôi phục và thu hút đông đảo người dân tham gia. Làng lân cận có lễ hội rước hến, đặc sản hến Đông Hòa, bánh khô mè Cẩm Lệ, thuốc lá Cẩm Lệ; xa hơn thì có mì Quảng Túy Loan, làng dệt chiếu Cẩm Nê, chằm nón Yến Nê. Thêm nữa, cảnh quan thiên nhiên khu vực này còn được bảo tồn, chưa bị bê-tông hóa nhiều. Do đó, theo ông Thắng, giải pháp nên làm quy hoạch lại thành khu vực, kiểu như Công viên khảo cổ du lịch kết hợp phát triển một số làng nghề truyền thống để du khách có thể vừa tham quan một làng quê giữa lòng phố thị, vừa thưởng thức những đặc sản, nghề truyền thống, đồng thời tìm hiểu di tích lịch sử địa phương.
Đồng quan điểm với Giám đốc Bảo tàng Điêu khắc Chăm, ông Cao Trí Dũng, Phó Tổng Giám đốc Vitours Đà Nẵng cho rằng, đối với quần thể phế tích Chăm đang được khai quật tại Phong Lệ, rất cần sự vào cuộc nhanh chóng của lãnh đạo thành phố và các ngành liên quan. Đây là di tích chứa đựng nhiều yếu tố văn hóa, lịch sử, kiến trúc độc đáo, lại gắn với làng nghề là loại hình du lịch Đà Nẵng đang thiếu. Nói như thế, không có nghĩa Đà Nẵng vốn không có du lịch làng nghề, nhưng các làng nghề hiện phân tán, nhỏ lẻ, ít dấu ấn. “Nay là lúc chúng ta cần kết nối lại, tạo thành một tổ hợp sản phẩm du lịch làng nghề, điểm mua sắm, làng văn hóa, lịch sử... Làm được như thế, Đà Nẵng sẽ có thêm một sản phẩm du lịch hấp dẫn”, ông Dũng nhấn mạnh. Mặt khác, xét về địa thế, Phong Lệ nằm ở vị trí rất thuận lợi cho việc đi lại, có thể đi bằng đường sông và đường bộ theo quốc lộ 1A. Thuận lợi nữa là cả vùng quê Phong Lệ ở lân cận trong lòng thành phố Đà Nẵng nhưng vẫn chưa bị bê-tông hóa nhiều. Và với cách nhìn của người làm du lịch, ông Dũng khẳng định rất hiếm có khu vực nào lại có cơ hội tập trung đầu tư như ở Phong Lệ.
Cũng đặc biệt quan tâm khu phế tích đang được khai quật ở Phong Lệ, ông Nguyễn Xuân Bình, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch Đà Nẵng, cho rằng quy hoạch để phát triển du lịch là giải pháp khả thi để bảo tồn khu đền tháp Chămpa hơn 1.000 năm tuổi. Từ nguồn lợi du lịch, Đà Nẵng có thể tiếp tục khảo cổ, bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa đang có và sẽ khai thác. Nếu không làm thì sẽ mất hết. Song, ông Bình lưu ý, nếu quy hoạch tái định cư thì cần giữ cho được số dân cư vốn sinh sống đan xen quanh khu di tích, phải giữ người dân lại vì đó sẽ là những hướng dẫn viên du lịch giỏi nhất khi khu du lịch hình thành.
Được biết, ngày 28-8, đoàn khảo cổ sẽ phối hợp với Bảo tàng Điêu khắc Chăm tổ chức báo cáo kết quả 2 đợt khai quật, đồng thời đề xuất phương án bảo tồn khu di tích.
Bài và ảnh: THANH TÂN