.

Sốc khi nghe bé hát

.

“Anh yêu em yêu say đắm, không cần toan tính, nghĩ suy làm chi...”, chị hàng xóm cạnh nhà tôi sốc khi nghe những câu hát mùi mẫn, đầy tâm trạng phát ra từ miệng cậu con trai 4 tuổi của mình.

Trẻ em cần có những chương trình ca nhạc phù hợp lứa tuổi. TRONG ẢNH: Chương trình Tuổi thần tiên 5 diễn ra tại Nhà hát Trưng Vương (Đà Nẵng) đã thu hút đông đảo khán giả nhỏ tuổi.                                                                                                                                                                          Ảnh: TÚ PHƯƠNG
Trẻ em cần có những chương trình ca nhạc phù hợp lứa tuổi. TRONG ẢNH: Chương trình Tuổi thần tiên 5 diễn ra tại Nhà hát Trưng Vương (Đà Nẵng) đã thu hút đông đảo khán giả nhỏ tuổi. Ảnh: TÚ PHƯƠNG

Khi bé hát nhạc... tình

Chị Lan (ở phường Thanh Bình, quận Hải Châu) than thở: “Không biết bé học ở đâu mà thuộc khá nhiều bài hát của người lớn. Tôi thấy ngại vì toàn những từ ngữ yêu đương sống sượng”. Cu Bin, con trai chị Lan, mới 4 tuổi nhưng biết nhún nhảy, lắc người một cách chuyên nghiệp như ca sĩ thực thụ do bắt chước trong những đĩa nhạc thiếu nhi và cả việc học lỏm khi được anh trai đưa đi hát karaoke. Khi hát những bài thất tình, Bin cũng lên gân, đau khổ quằn quại: “Đến bao giờ anh mới có được em?”.

Trong khi đó, anh Hùng (ở phường Chính Gián, quận Thanh Khê) ngỡ ngàng rồi buồn cười khi cô con gái 6 tuổi “gào” lên: “Người đàn ông tham lam chính là anh!”, rồi thì “Anh nỡ phũ phàng lừa dối tình em”. Anh Hùng chỉ căn dặn con lần sau đừng hát những bài đó nữa, nhưng thấy bé vẫn thích thú với các bài hát của người lớn nên đành thôi. “Mỗi lần bật kênh ca nhạc trên truyền hình cáp thì con bé xem rất chăm chú, thuộc ngay những bài hát của người lớn. Lúc đầu, tôi vui vì thấy con nhớ nhanh, có năng khiếu âm nhạc, nhưng giờ cũng đâm lo...”, anh Hùng bộc bạch. Anh Hùng còn cho biết, khuyên con hát những bài phù hợp với lứa tuổi nhưng cô bé xem ra chẳng mặn mà với nhạc thiếu nhi.

Nhạc nào dành cho trẻ?

Dạo quanh một số cửa hàng bán băng đĩa trên địa bàn thành phố thì thấy đĩa nhạc dành cho thiếu nhi khá nhiều, nhưng phần lớn là đĩa lậu tái bản từ những sản phẩm đã phát hành gần chục năm về trước như: “Cả nhà thương nhau”, “Con cò bé bé”... Có những đĩa nhạc của Xuân Mai từ lúc mới vài tuổi đến nay cô đã thành thiếu nữ vẫn được tái bản nhiều lần và bày bán. Chiếc kệ đựng đĩa nhạc thiếu nhi trong nhà chị Lê Thị Hoa (ở phường Thanh Bình, quận Hải Châu) đã phủ bụi từ lâu bởi cô con gái nhỏ của chị không quan tâm với lý do “con đã thuộc hết các bài đó, nghe lại chán lắm”. Đã thế, lại có một vài ca sĩ “nhí” hiện ra clip ca nhạc với toàn bài nhạc… tình ướt át của người lớn khiến trẻ em cũng học theo. Trái với vẻ ảm đạm của nhạc thiếu nhi, dòng nhạc thị trường của người lớn ngày càng phong phú, hấp dẫn và có ở mọi lúc, mọi nơi, thu hút các em.

PGS, TS Tâm lý học Lê Quang Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm - ĐH Đà Nẵng, chia sẻ: “Âm nhạc có vai trò, vị trí rất quan trọng nuôi dưỡng tâm hồn và hướng các em tới chân - thiện - mỹ. Các em như tờ giấy trắng, rất dễ tiếp thu những cái chưa tốt và dần dần dễ đi lạc đường nếu không có sự định hướng, uốn nắn đúng đắn, kịp thời”.

KIM NGÂN

;
.
.
.
.
.