.
Tạp bút

Bắp đây!

.

Tuổi thơ tôi gắn liền với những tiếng rao. Tiếng rao giữa trưa hè đứng bóng hay trong đêm mưa tĩnh mịch. Mỗi tiếng rao là một âm điệu, một nốt nhạc luôn khiến tôi thích thú lắng nghe và đoán xem đây là món quà vặt gì. “Hô vi lô”, “Mì đây”... Trong vô vàn những “nhạc điệu” thường xuyên vang lên trong cái khu tập thể, tôi hay để ý tiếng rao “bắp đêy, bánh chưng đêy...” bởi nó thường vang lên lúc tôi đã mơ màng ngủ. Tiếng rao sau cùng của một ngày.

(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)

Thức khuya làm việc, nhìn ra cửa số của dãy nhà tập thể, giữa mùa mưa tháng mười, hay cái hanh hao tháng bảy, chú bán bắp thường ngang qua nhà tôi. Rất nhiều đêm, cả một dãy nhà dài hun hút chẳng có ai mua lấy cái bánh. Hồi nhỏ, ba tôi cũng từng đi bán kem, nên trong cái bao la của đêm tối hay giữa cái thinh lặng khẽ khàng, có lẽ ba tôi là người đồng cảm với người bán bánh chưng mà sau đó khi đã thân quen, tôi mới biết chú có cái tên mà với cái tuổi lớp hai, chẳng hiểu vì sao mà tôi nhớ tới giờ: Chú Cho. Cũng trở nên thân quen, mỗi đêm chú Cho thường ghé vào hiên nhà tôi dăm ba phút, đón từ ba tôi chén trà và ba tôi thường mua giúp chú cặp bánh chưng nhỏ xíu. Ba mua, nhưng thường không ăn, để lại cho tôi sáng mai có chút quà ăn sáng đi học. Qua những lần trò chuyện bên tách trà, chú Cho hiền lành trở thành người nhà của gia đình tôi. Lúc đấy, mặc dù còn bé xíu nhưng tôi vẫn hình dung ra được quãng đường từ Hội An ra thành phố của chú Cho. Nghe chú kể có chiếc xe “đăm”, hằng ngày đi lấy bánh, bỏ vào cái bội sắt, quấn thật chặt để giữ hơi nóng. Chiều khoảng 5 giờ, chú chạy ra tới Bắc Mỹ An. Gửi xe máy ở đó và chuyển qua chiếc xe đạp thồ. Chú Cho bắt đầu tiếng rao “bắp đêy, bánh chưng đêy” từ khu vực Bắc Mỹ An và kết thúc sau 24 giờ. Giữa đêm thanh vắng, tiếng rao khàn khàn như van lơn, như níu kéo người dưng. Chẳng hiểu vì sao cứ mỗi lần nghe cái tiếng rao ấy, tôi cảm thấy day dứt, ám ảnh hơn. Có lần, chú Cho vào nhà tôi xin một chai nước, vì lúc chiều đi vội vàng nên chú quên không mang theo. Nếu không có nước uống dặm thì không thể nào rao được. Chú kể nhà có hai con nhỏ, vợ chú làm công. Còn chú kiếm sống qua hàng triệu vòng xe và tiếng rao đêm. Cảm ơn chú, nhờ tiếng rao của chú mà tuổi thơ tôi hiểu thêm về nỗi vất vả của cuộc mưu sinh. Cảm ơn những lần trò chuyện giữa chú và ba, cảm ơn cái cách mẹ tôi pha nước ấm gửi bác..., tất cả đều qua chân thành và ấm áp.

Ngày nay, khi Đà Nẵng đô thị hóa với hàng trăm khu dân cư mới, những con phố rộng thênh thang, những tòa nhà chất ngất, đời sống của người dân cũng khác đi rất nhiều. Chú Cho chẳng hiểu vì sao không còn đi bán nữa, có lẽ tuổi già đã lấy cạn sức lực của chú rồi chăng? Những người bán dạo nay không còn đạp xe nữa, thay vào đó là xe máy. Tiếng rao ngày xưa khàn khàn, da diết ấy bây giờ cũng không còn nữa. Tiếng rao cũng được công nghiệp hóa rồi, tiếng rao “bắp đêy” được thu vào máy và được phát ra từ cái loa nhỏ chạy bằng ắc-quy vang lên đều đều bất tận. Tiếng rao rõ ràng, đều đặn, giống nhau đến... lạnh lùng. Tôi không còn thói quen lắng tai nghe nhạc điệu trầm bổng rồi thích thú đoán xem đây là tiếng rao của món quà vặt gì, của người bán lạ hay quen, thậm chí người bán hôm nay khỏe hay ốm, giọng rao khàn hay thanh hơn ngày thường? Vẫn biết rằng, khi cuộc sống phát triển, đường sá thênh thang thì việc rao “thủ công” là không thể, bởi tiếng rao sẽ rơi tõm và mất hút giữa không gian rộng lớn, giữa ồn ào xe cộ, giữa tất bật, vội vã của thành phố. Vẫn biết rằng, những cái loa và bình ắc-quy đang giúp công việc của người bán hàng rong đỡ nhọc nhằn... Nhưng, tôi vẫn ấm ức khi như bị đánh cắp một miền ký ức tuổi thơ. Những lời rao lảnh lót, những câu chuyện đời đằng sau mỗi tiếng rao. Ba tôi kể, chỉ ai từng đi bán dạo mới thấy cái âm thanh kỳ diệu của tiếng gọi mua hàng sau mỗi tiếng rao. Bán mỗi đêm hàng trăm chiếc bánh, nhưng niềm vui của mỗi lần bán được đôi bắp, cặp bánh rất khác nhau. Ấy là sự giao hòa của những con người vẫn còn có để hiểu nhau, là sự đồng cảm với người có hoàn cảnh khó khăn đã in dấu tuổi thơ và vẫn mãi ám ảnh, nhắc nhở tôi đến tận ngày hôm nay...

Tiếc thay, những nhạc điệu đa màu sắc này sẽ không bao giờ vang lên nữa, tiếc nhưng tôi vẫn thấy hạnh phúc vì mình đã từng có cơ hội để lắng nghe, cảm nhận và hiểu ra nhiều điều đằng sau mỗi tiếng rao.

MAI TRANG

;
.
.
.
.
.