.

Trần Đăng Khoa: Thích nhất là Đà Nẵng

.

Đây là tâm sự của Trần Đăng Khoa trên VOV2, nhà thơ Góc sân và khoảng trời nói “chuyện phiếm” nhưng nội dung câu chuyện là những vấn đề đời sống dân sinh mà nhiều người quan tâm. Bởi lẽ, đây không phải chuyện của “lão” Khoa, mà là chuyện của nhiều người.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa
Nhà thơ Trần Đăng Khoa

* Đồng ý. Bây giờ thì tôi hiểu vì sao có bạn đọc bảo: “Lão Khoa rất lắm chuyện! Chính tôi cũng muốn xem chuyện mới của lão!”.

- Ấy chết, tôi đâu có chuyện gì. Trông mặt đã thấy tẻ ngắt. Nghe tôi lại còn chán hơn.

* Anh có quan tâm đến vụ Trọng Tấn, Anh Thơ không?

- Đấy là hai ca sĩ tôi rất yêu mến. Họ cũng là những nghệ sĩ đứng đắn. Chất giọng lại đẹp. Trong suốt chặng đường làm nghệ thuật của mình, từ lúc bắt đầu xuất hiện cho đến hôm nay, hầu như họ chỉ hát những ca khúc cách mạng, ca khúc truyền thống, và hát rất hay. Trong chuyến công tác tại Lào, họ cũng đã biểu diễn xong. Chỉ bỏ cuộc gặp mặt, giao lưu. Như thế, kể ra cũng đáng trách, vì đây là đối ngoại. Tuy vậy, mấy tuần trước, đọc báo thấy họ có thể bị kỷ luật, bị đình chỉ giảng dạy và cấm biểu diễn, tôi lại thấy tiếc. Rất tiếc. Không phải tiếc cho họ mà tiếc cho chính chúng ta, cũng may, cuối cùng, kỷ luật chỉ là cảnh cáo, thôi thế cũng được. Cũng là một bài học cần nhắc nhở. Vậy thôi!

* Ông đã đi qua nhiều vùng đất. Vậy ông thích sống ở đâu hơn? Ở quê hay ở phố?

- Tôi là anh nhà quê, nhưng lại sống ở nhiều thành phố, trong đó Hải Phòng chỉ có 3 năm - hồi tôi là lính Hải quân, Mátxcơva (Nga) 7 năm - hồi đi học, còn Hà Nội là mấy chục năm sống và làm việc. Mỗi nơi đều có cái hay riêng. Hải Phòng cho tôi cảm giác thoải mái, bởi đây là thành phố thợ, cũng toàn dân tứ chiếng, nói như nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm: Những người dân nghèo về đây/ Như vỏ hến chiều chiều tấp lên các bến. Vì thế, đến với người Hải Phòng, mình không phải giữ kẽ, xã giao, có thể nằm lăn ra sàn nhà mà ngủ, vào bếp vét cơm nguội ăn. Tôi coi thành phố này như quê hương thứ hai của mình, dù sống ở đây rất ít. Hà Nội ô hợp, nhưng vẫn có vẻ đài các thanh lịch riêng. Quê hương Hải Dương thì tôi vẫn luôn gắn bó. Còn có những thành phố tôi chỉ ghé qua nhưng để lại trong tôi ấn tượng mạnh mẽ nhất, ví dụ như Đà Nẵng…

* Nhắc đến “phố”, ông nghĩ đến cái gì đầu tiên?

- Tốc độ và nhịp sống.

* Thế còn “quê”?

- Sự tĩnh lặng.

* Nhưng không phải lúc nào đó cũng là ưu điểm?

- Đúng vậy. Tốc độ khiến người ta biết tận dụng thời gian, nhưng sống quá gấp cũng dễ tạo ra tai họa. Còn tĩnh lặng lại kéo theo sự ứ đọng trì trệ.

* Hai thành phố lớn Hà Nội – thành phố Hồ Chí Minh vẫn thường được đưa ra so sánh như đại diện cho miền Bắc - miền Nam, về con người, cảnh quan, lối sống... Đối với ông thì thế nào?

- Tôi có cảm giác thành phố Hồ Chí Minh giống một cô gái tràn căng sức sống, mặc quần soóc chạy việt dã, còn Hà Nội lại là một cụ già mang khăn xếp áo the, tập dưỡng sinh, gương mặt trầm mặc như đang nghĩ ngợi, nhưng thực chất thì chẳng nghĩ gì cả.

* Tôi lại thấy  Hà Nội xô bồ hơn là sự trầm mặc?

- Sự xô bồ thì ở đâu chả có. Hải Phòng, thành phố Hồ Chí Minh và bất cứ thành phố nào, có lẽ trừ Đà Nẵng. Phố xá là thế. Ở Hà Nội có còn gì là nguyên gốc của nó đâu. Nhà văn Tô Hoài gọi Hà Nội là cái chợ, toàn dân “tứ chiếng”. Bây giờ thủ đô của chúng ta còn có cả đồng bào dân tộc ít người. Ở Hà Nội không có sự kỳ thị địa phương. Đó là điều hay nhất, cho thấy thành phố này còn có khả năng phát triển tốt.

Các cụ bảo Đất lành chim đậu. Nhưng có điều lạ, chỉ người Bắc ùn ùn vào Nam sinh sống, chứ không có người Nam nào ra Bắc sống cả. Người Nam chỉ tập kết ra Bắc trong những năm chiến tranh, hoặc ra Bắc làm nhiệm vụ, như các bác Nguyễn Minh Triết, Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải..., nhưng khi hết nhiệm kỳ, các bác ấy lại trở về quê hương bản quán. Những người dân Nam bộ khác cũng vậy. Như thế, Hà Nội, hay rộng hơn, miền Bắc liệu có phải là Đất lành không?

* Ông vừa nhắc đến hai thành phố lớn: thành phố  Hồ Chí Minh và thành phố Hà Nội. Vậy còn đặc tính của người dân…?

- Người Nam sống thật hơn và họ cũng sống thực tế hơn người Bắc. Tôi chỉ xin đơn cử một chi tiết thôi. Đó là cái xe máy. Với người thành phố Hồ Chí Minh, xe chỉ là vật dụng đơn giản, giúp con người đi lại. Thế thôi. Người thành phố Hồ Chí Minh thường chọn mua xe tốt, nhưng không chú ý đến xe lắm. Xe thế nào cũng được, miễn chạy tốt, còn tróc sơn, xây xát cũng chẳng sao. Xe vứt lăn lóc ở đâu cũng được. Còn với người Hà Nội, cái xe còn là vật trang trí, là tài sản, danh dự, là rất nhiều thứ… ngoài xe, nên họ dán ni-lon, giữ gìn rất cẩn thận.

Nếu không may có sự va chạm, với người thành phố Hồ Chí Minh, chỉ xin lỗi một câu là xong, nhưng với người Hà Nội thì phải đền lớn đấy, nếu là xe mới. Vì thế người thành phố Hồ Chí Minh sướng hơn người Hà Nội. Người thành phố Hồ Chí Minh cưỡi xe, còn ở Hà Nội thì xe nó lại… cưỡi người. Khác nhau căn bản là thế đấy.

Chiều trên biển Mỹ Khê.        Ảnh: QUỐC TÍN
Chiều trên biển Mỹ Khê. Ảnh: QUỐC TÍN

* Ông vừa nhắc đến Đà Nẵng, một thành phố dù chỉ đi qua, nhưng lại lưu trong ông ấn tượng mạnh nhất?

- Đúng vậy. Vì đó là một thành phố chuẩn, dù nhìn ở mọi góc độ. Tôi không thấy đâu hay như Đà Nẵng. Theo tôi, Đà Nẵng là thành phố nền nếp nhất nước. Nhìn đâu, ta cũng thấy dấu ấn, tầm nhìn của nhà lãnh đạo. Đường phố sạch sẽ, quy củ. Không người lang thang ăn xin, không có trấn lột, cũng không có trẻ con chạy theo khách du lịch ăn xin. Thành phố có biện pháp tạo công ăn việc làm cho mọi kiếp người bất hạnh. Bất cứ người dân bình thường nào cũng có thể gặp Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh, dù gặp trực tiếp hay “gặp” qua điện thoại. Thậm chí ông Bí thư còn tìm đến cả những người mới ra tù để bố trí công ăn việc làm cho họ.

* Ông đã gặp ông Nguyễn Bá Thanh chưa?

- Chưa, nhưng đi đâu tôi cũng thấy dân khen ông ấy. Từ một Giáo sư có tên tuổi, đến những ông xe thồ, xe xích lô, ba gác, ai cũng khen ông Nguyễn Bá Thanh. Trong khi ở các tỉnh khác, không hiếm trường hợp người dân kêu ca về lãnh đạo của họ.

Tôi có một kỷ niệm ở phố cổ Hội An, một nơi trong lành, người ta buôn bán trong một bầu khí quyển trong vắt. Tôi vào một cửa hàng quần áo, người bán cẩn thận hỏi “Ông mua để mặc lâu dài hay mặc vài lần rồi bỏ?”, tôi trả lời rằng tôi mua đồ mặc lâu dài chứ, “Nếu thế thì ông nên sang cửa hàng bên kia, còn ở đây đồ không được tốt”. Có mấy ai buôn bán, lại nói hàng của mình không tốt, và có trách nhiệm với khách hàng như thế không?

Ở Hà Nội, nếu chỉ hỏi mà từ chối mua hàng có khi còn bị người bán hàng chửi bới, có khi còn “đốt vía”, như xua ma quỷ hiện hình. Thêm nữa, ở Hội An, giá  bán cho Tây cũng như bán cho ta. Tất cả đều một giá, chứ không như ở Hà Nội, cứ thấy ông ngoại quốc nào đó là đội giá lên. Rất không ổn. Đó là buôn bán nhỏ, là làm ăn manh mún, tư duy tỉnh lẻ. Người làm ăn lớn thì chữ tín hàng đầu. Người ta có thể chịu thiệt để giữ uy tín. Ai đã đến rồi còn muốn trở lại.

Tôi còn nhớ một ấn tượng nữa với lãnh đạo Đà Nẵng. Đó là chuyến đi Trường Sa đợt tháng 4 vừa qua. Khi đến thăm các đơn vị tác chiến nơi đầu sóng ngọn gió, phát hiện một chàng trai Đà Nẵng có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn, và thế là ngay giữa trùng khơi, họ đã gọi điện thoại về đất liền hội ý và đã ký quyết định trao tặng gia đình anh lính ấy một căn hộ ngay giữa trung tâm thành phố Đà Nẵng. Rồi sau, họ còn phát hiện thêm một chiến sĩ nữa, anh không phải công dân Đà Nẵng mà là người Thanh Hóa, nhưng lấy vợ Đà Nẵng, và vì thế, anh cũng được ghi nhận, để về đất liền tìm hiểu. Nếu anh cũng có cảnh ngộ tương tự như người lính kia thì cũng sẽ được trao một căn hộ như vậy.

Nếu vị lãnh đạo nào cũng hết lòng tận tụy, biết chăm lo cho công dân của mình như thế thì cuộc sống của chúng ta đã khác rồi.

Ở nước mình, có rất nhiều người như Nguyễn Bá Thanh và các cộng sự của ông, chỉ có điều họ có được trao trọng trách, có được đặt đúng vị trí để phát huy hiệu quả hay không?

Dù cuộc sống hôm nay còn nhiều chuyện đau lòng, nhưng tôi tin, rất tin trong xã hội ta vẫn còn rất nhiều điều tốt đẹp. Và những gì tốt đẹp ấy sẽ còn lại mãi.

T.A.G

;
.
.
.
.
.