.

Văn hóa ứng xử nơi công cộng

.

Ứng xử có văn hóa nơi công cộng là nếp sống văn minh cần được mọi người coi trọng. Tuy nhiên, hiện tồn tại một bộ phận không nhỏ người dân  hành xử thiếu văn hóa, nhất là ở giới trẻ.

Ở những nơi làm việc văn minh, hiện đại rất cần ý thức hành xử có văn hóa của mỗi người. Trong ảnh: Phòng làm việc ở Trung tâm học liệu Đại học Đà Nẵng.                Ảnh: ÔNG VĂN SINH
Ở những nơi làm việc văn minh, hiện đại rất cần ý thức hành xử có văn hóa của mỗi người. Trong ảnh: Phòng làm việc ở Trung tâm học liệu Đại học Đà Nẵng. Ảnh: ÔNG VĂN SINH

Cách đây vài tháng, tại lễ hội Quán Thế Âm - Ngũ Hành Sơn, nhiều người lắc đầu khi chứng kiến một đôi nam nữ ăn mặc hớ hênh, cầm tay nhau đi lễ Phật. Có người cảm thấy ái ngại, có những người cho rằng việc ăn mặc không phù hợp như thế đã ảnh hưởng đến chốn cửa Phật và thể hiện sự lệch lạc trong văn hóa ứng xử của một bộ phận giới trẻ.

Song, đây chỉ là một trong hàng trăm hành vi thiếu văn hóa mà chúng ta bắt gặp đâu đó trong cuộc sống hằng ngày như nói năng tục tĩu, nói chuyện điện thoại oang oang nơi đông người; chen lấn, xô đẩy khi xếp hàng; bóp còi inh ỏi khi tắc đường… Không ít người thừa nhận rằng, những hành vi này đang tạo ra thói quen xấu, môi trường thiếu văn hóa trong xã hội, gây ảnh hưởng không nhỏ đến hành vi, nhân cách của những người trẻ.

Trong lần chuyện trò bên ly

cà-phê, một người bạn của tôi - anh Nguyễn Bảy, Giám đốc Công ty TNHH Minh Ngọc Phú cho rằng, ở các cơ quan, công sở, văn phòng, hầu hết là những người có học thức thì ứng xử có khi không cần phải bàn nữa. Tuy nhiên, người bạn của anh ngồi bên cạnh kể: Công ty nơi cô làm việc vừa đầu tư nâng cấp, sửa chữa văn phòng làm việc hàng trăm triệu đồng. Cô và các đồng nghiệp rất vui mừng khi có chỗ làm việc khang trang, hiện đại và tiện nghi. Có văn phòng mới, nhiều người ý thức được việc ứng xử văn hóa nên đã tự giác mua tai nghe điện thoại, trao đổi điện thoại nhỏ nhẹ và có khi tắt chuông điện thoại khi bước vào phòng làm việc. Nhưng cũng có những người dửng dưng, không để ý đến mọi người xung quanh mà mặc nhiên mở nhạc oang oang, đang chat trên mạng bỗng phát cười rần rật làm cả phòng nhìn nhau mà ngao ngán. Lại có những người trò chuyện điện thoại một cách vô tư trong lúc mọi người đang tập trung vào công việc. Rồi chuyện rất nhỏ như kéo lê ghế khi đứng lên hoặc ngồi xuống, gây ra tiếng ồn lớn đã làm ảnh hưởng đến người khác.

Đã có nhiều cuộc trao đổi, diễn đàn trên mạng bàn về văn hóa ứng xử nơi công cộng. Tại các trang mạng xã hội như facebook, blog…, nhiều bạn trẻ bày tỏ sự phản đối với cách ứng xử thiếu văn hóa và xem đó như sự ích kỷ, thiếu ý thức. Giao tiếp, ứng xử nơi công cộng được xem là kỹ năng sống quan trọng, nhưng không phải ai cũng thấy được điều đó. Song, cũng có nhiều ý kiến đồng tình với những hành vi ứng xử bị cho là thiếu văn hóa và nói rằng, đó là cách sống, quyền tự do riêng của mỗi người, không thể áp đặt.

Chia sẻ về vấn đề này, một cán bộ ở Trung tâm Tổ chức sự kiện và lễ hội Đà Nẵng cho rằng, để cuộc sống chất lượng hơn và xây dựng nếp sống văn hóa - văn minh, quan trọng nhất vẫn là ý thức hành xử có văn hóa của mỗi người.

VĂN NỞ

;
.
.
.
.
.