.

Bầu sữa

.

Trong cuộc đời 35 năm theo nghề dạy học của tôi (1977-2012), có không ít những kỷ niệm vui buồn mà tôi nghĩ, lúc nào rảnh rỗi trước khi đi thật xa (có lẽ cũng “sắp” rồi), tôi sẽ hồi tưởng và kể lại…

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Tôi được mời đi dạy cho hệ đại học từ xa của Đại học Huế vào khoảng năm 2000, mở ở Đà Nẵng. Hôm ấy là ngày đầu tiên tôi đến giảng bài cho lớp giáo dục tiểu học, hệ hai năm, môn đại cương lịch sử thế giới. Khỏi phải nói về tâm trạng của một người thầy khi phải chuyển tải kiến thức từ 5.000 năm lịch sử của loài người trong một ngày (!?) cho những sinh viên đã kinh qua hệ cao đẳng sư phạm, đang là giáo viên tiểu học, có chất lượng khác xa hệ chính quy là thế nào. Phần thì lo những học viên (là đồng nghiệp) bị hổng kiến thức từ lâu không chịu học, không chịu hiểu nên có thể mình nói nhiều quá sẽ “uổng” đi; phần thì nghĩ cách để giảng sao cho vừa khái quát lại vừa đủ sâu ở những nội dung theo tôi là quan trọng...

Lớp đông chật hết các ghế ngồi. Tôi thầm nghĩ: Trước hết, về tinh thần học, Đà Nẵng chưa bao giờ là một mảnh đất cằn, trong mấy năm gần đây, thực tế tôn vinh nhiều học sinh đoạt giải chứng tỏ điều đó. Nghĩ xong, có lẽ tôi đã cười bằng ánh mắt khi biết được sự đồng cảm và trân trọng của những người mà chỉ ít phút trước đây, tôi nghĩ họ chỉ đi từ xa để có tấm bằng từ chỗ không xa! Tôi giảng bài bằng phong cách có đượm chút nửa vời, không thật sự “hay” như khi giảng cho hệ chính quy ở Huế.

Lúc buộc phải viết và phiên âm mấy cái tên người bằng tiếng Latinh, tôi quay nhìn xuống để xem thử học viên có khó khăn quá hay không. Tôi chợt để ý đến một học viên nữ ngồi ngay ở bàn đầu. Đó là một cô giáo trẻ, đang ở độ tuổi vừa kịp bước vào cái ranh giới đẹp nhất của một người đàn bà, hơi mập nhưng dễ nhìn và, nhất là đôi mắt, theo tiêu chuẩn của Khổng Tử - “mỹ tại kỳ trung”, vẻ đẹp đáng trân trọng nhất là vẻ đẹp trong tâm hồn - thì khỏi phải bàn. Học viên đó làm tôi bối rối vì cứ liên tục đưa tay trái lên xoa khắp vùng ngực tròn căng sau làn áo có lẽ là hơi chật. Kể từ lúc đó, tất nhiên ai cũng hiểu là dù muốn hay không, thỉnh thoảng tôi lại nhìn về... “phía ấy”.

Khi nhìn đến lần thứ ba thì tôi mới chợt hiểu ra rằng cái khoảng “không gian rất riêng tư” ấy thật ra là của một người mẹ trẻ. Một thoáng lúng túng và xúc động làm tôi bị hụt hơi. Tôi bước xuống và hỏi: “Em tên gì?”. Cô giáo đứng lên, mặt đỏ rần: “Dạ. Em tên Hoài. Nguyễn Thu Hoài, ở Hòa Vang”. Tôi nói tiếp: “Em có thể về rồi hôm sau ghi lại bài cũng được - Tôi cố cười thật tươi để giảm bớt sự căng thẳng - Cháu còn bé lắm phải không?”. Tôi thấy cả lớp nhìn nhau và cô học viên ngồi bàn sau đỡ lời: “Con nó được gần ba tháng thầy ạ”. Đến lượt Hoài cúi đầu nói thật nhỏ: “Dạ. Em chịu được thầy ạ. Thầy cho em ngồi nghe chút nữa”. Tôi cầm cuốn vở lên xem. Cái chữ H viết hoa thật ngộ: phía sau là một số 6 vênh vênh, mảnh và rất điệu ở phần thứ hai của con chữ...

Đó có thể là kỷ niệm độc đáo nhất trong cái nghiệp đời “bán cháo lưỡi” của tôi. Tôi đã dạy như chưa bao giờ được dạy. Có thể nói, hàng chục năm đi dạy đã làm cho kinh nghiệm và kiến thức của tôi thăng hoa trong chỉ có mấy giờ đồng hồ. Tôi đã nói nhiều như thể đó là lần cuối cùng được nói; đã “bùng nổ” những ngôn từ mới chỉ kịp nghĩ đã thấy choáng vì sự bất ngờ của chúng. Chính những giọt sữa căng tròn bức bối của cô giáo trẻ - vì chưa thể cho đứa trẻ ba tháng tuổi bú mớm đã làm tôi hiểu thêm nhiều điều. Trong mắt tôi của “ngày xưa”, tại chức hay từ xa chỉ là sự đào tạo về hình thức. Thậm chí tôi đã từng cho rằng những cán bộ lãnh đạo “xuất thân” từ tại chức không đủ trình độ để dạy bảo mình (?). Bây giờ thì tôi đã biết thêm cái khái niệm “học nhi bất yếm” (học không biết chán) nó vô cùng và đa nghĩa lắm. Chắc gì tôi đã chăm và cố gắng hết sức để học như người mẹ trẻ có bầu ngực căng đầy ấy? Cảm ơn cô giáo - sinh viên Hoài: Chính em đã cho tôi biết thêm một điều nữa; rằng “hối nhân bất quyện” (dạy người không biết mỏi) của cái phần “thầy” trong tôi chưa đủ, bao giờ…

Huế, 2000-2007-2012

HÀ VĂN THỊNH

;
.
.
.
.
.