Mỗi dân tộc đều có một nền văn hóa. Mỗi nét văn hóa đều thể hiện được cốt cách, linh hồn của dân tộc. Dùng cơm với người Nhật tôi rất ấn tượng về một nghi lễ khi ăn.
Trước khi ăn, dù là người lớn hay trẻ em, mọi người đang ngồi ở tư thế nào cũng phải quỳ lên và chấp tay trước ngực (giống như phật tử đang niệm phật - PV) và nói “Itadakimasu”- có nghĩa là tôi xin nhận bữa ăn này. Sau đó là một phút nhắm mắt thầm cảm ơn thiên nhiên đã ban tặng cho chúng ta những hạt giống quý. Cảm ơn những người nông dân đã làm ra hạt lúa, hoa màu... cảm ơn những người đầu bếp đã nấu cho chúng ta bữa ăn ngon.
Mặc dù từ lâu Nhật Bản đã thành một nước văn minh, hiện đại bậc nhất thế giới, nhưng nghi thức trước khi ăn vẫn không bị phai mờ trong mỗi người dân. Để làm được điều đó, khi trẻ lên ba, lên năm… người Nhật đã chú trọng dạy cho chúng những điều này. Vì thế, trong một bếp ăn tập thể ở Nhật, chúng tôi luôn bắt gặp những em bé lớp một, lớp hai nhưng đã biết bắt nhịp “điều hành” một cách nghiêm túc nghi thức khi ăn. Và, dù trong một bếp ăn tập thể rất đông (có lúc lên đến 200 người), có rất nhiều thành phần nhưng khi bắt đầu vào nghi thức này thì tất cả im lặng tuyệt đối như một nghi lễ trịnh trọng.
Cũng xuất phát từ nghi thức này, mà người Nhật rất coi trọng việc ứng xử trong khi ăn. Họ rất ít nói chuyện trong khi ăn mà tập trung vào thưởng thức những món ăn. Mỗi khẩu phần ăn được chia đều cho từng người. Khi ăn chưa no hoặc có nhu cầu ăn thêm thì đến một nơi để thức ăn chung và tự tay lấy những món ăn. Người Nhật rất kỵ việc để thừa khẩu phần ăn của mình. Họ cho đó là không tôn trọng thiên nhiên, không tôn trọng những người đã vất vả làm ra lương thực và những người đầu bếp đã nấu cho chúng ta những món ăn.
Giống như người Việt Nam, người Nhật cũng coi hạt gạo là hạt ngọc của trời, là sự tinh túy của trời và đất. Chính vì thế, khi ăn người Nhật rất cẩn trọng không để đánh rơi hạt cơm. Trong bếp ăn của hàng trăm người cũng không thể nào tìm ra hạt cơm còn sót lại sau mỗi bữa ăn của họ.
Khi ăn xong, người Nhật lại quỳ lên và cảm ơn một lần nữa “Gochiso sama deshita” có nghĩa là “cám ơn vì bữa ăn ngon, chúc vui”.
VĂN NỞ