.

Cũng là mười sáu chữ

.

1.

Cách đây 60 năm, những năm 1950-1951, tôi học lớp đầu cấp 3, Trường Nguyễn Thượng Hiền, một trường trung học chuyên khoa của Liên khu 3, tản cư vào Thanh Hóa đóng ở Ngô Xá (còn gọi là Làng Ngò) Thiệu Hóa.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Các lớp học đặt ở các đình chùa. Học sinh chúng tôi kết thành từng nhóm ở nhà dân góp gạo thổi cơm ăn chung và tất nhiên dựa vào dân. Dân hồi đó rất nghèo, nhưng vẫn hào phóng cho chúng tôi rơm, củi đun nấu, và muối trắng giã với nghệ vàng (một cấp thấp hơn muối mè) cùng những quả cà muối mặn chát.

Lúc đó chúng tôi chẳng được tuyên truyền giáo dục gì về công tác dân vận, cũng chẳng hề biết tới cụm từ sống vì cộng đồng. Chúng tôi sống hồn nhiên giữa lòng dân và làm công tác dân vận cũng hồn nhiên.

Hình như những năm đó, lần đầu chính quyền cách mạng đề ra chính sách thuế nông nghiệp. Chúng tôi chẳng còn nhớ được ai bày bảo, tất cả lý luận về chính sách quan trọng này tóm tắt trong một câu “Đảm bảo sản xuất, khuyến khích tăng gia, ích nước lợi nhà, công bằng hợp lý”. Và được học những bài hát cổ động về thuế nông nghiệp mà giai điệu và ca từ đều giản dị, dễ thương. Tôi dốt nhạc, nhưng ca từ thì đến nay vẫn nhớ rất rõ.

“Nghe tin vui miền Việt Bắc quân ta chiếm đồn tin về nửa đêm chiến thắng trào dâng.

Ta cắt nhanh mau nộp thuế, đem ra tiếp tế, ấm lòng anh bộ đội, ăn no rồi thì hăng sức mà diệt Tây. Quân ta dẫu nhiều không lo lương thiếu vì đồng lúa đang chín vàng, ta phơi ta quạt, ta nạp đầy kho.

Anh cứ lo giết thù, tôi gửi miền chinh chiến, hạt lúa vàng chan chứa tình hậu phương,
Anh nắng mưa dãi dầu, tôi chẳng đành khai dấu, dù ít nhiều no đói cùng hưởng chung…”.

Chúng tôi hồn nhiên hát, bà con hồn nhiên nghe. Lúc ấy không có loa, đài, chẳng có truyền hình, báo chí thì rất hiếm. Không biết nó thấm tới đâu nhưng tôi tin là nó đi vào lòng người.

2.

Bây giờ chúng ta đang thảo luận về sửa đổi, bổ sung Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN). Người thì bảo phải khoan thư sức dân. Người thì lo nếu giảm nhiều mức giảm trừ gia cảnh… thì ngân sách Nhà nước sẽ thiếu hụt lấy đâu mà lo mọi việc của quốc gia.

Tôi nhớ lại, những ngày hồn nhiên cách đây 60 năm, lúc ấy chỉ có mười sáu chữ (không phải là chữ vàng, chữ bạc gì) mà gói ghém bao ý nghĩa thực sự chinh phục được người dân. Và tôi thầm hát lại những lời ca dễ thương năm ấy.

Xin các nhà làm luật thuế (và cả các cơ quan truyền thông về thuế) hãy tập trung xem luật ấy, chính sách ấy có thực sự ích nước lợi nhà, công bằng hợp lý không, có sức thuyết phục trăm họ không.
Đương nhiên, việc thời nay có những khó khăn của nó. Chỉ 15 ngày sau khi đọc Tuyên ngôn Độc lập, trong thư gửi các đồng chí tỉnh nhà, cụ Hồ viết: “Trong việc phá hoại chống kẻ thù đòi độc lập thì dễ lôi kéo cả toàn dân. Trong việc kiến thiết thì khó kéo hơn, vì nó động chạm đến một đôi giai tầng trong nước”.

Không phải tất cả những gì tốt đẹp ngày ấy đều biến, có những điều bất biến.

Nhân dân ta vốn giàu lòng yêu nước, chuộng lẽ phải, nếu làm cho họ ngộ ra đóng thuế (trong đó có thuế TNCN) là chung tay góp sức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thì tôi tin rằng họ sẽ hăng hái đóng góp như thế hệ ông cha họ từng hát và làm “Anh gắng công giết thù, tôi gửi miền chinh chiến, hạt lúa vàng chan chứa tình hậu phương”.

Và một câu hỏi lớn mà nhân dân luôn đặt ra với Đảng và Nhà nước là tiền thuế của dân thấm đẫm mồ hôi, nước mắt những người lao động, chan chứa tình cảm yêu nước thương nòi, gửi gắm bao hy vọng về xây dựng một tương lai hạnh phúc sẽ được sử dụng như thế nào.

Nếu cứ để quốc nạn tham nhũng hoành hành, nuốt chửng hàng ngàn tỷ, nếu cứ để cho lãng phí phô trương hình thức mãi là trọng bệnh làm tiêu tùng hàng ngàn tỷ. Và không chỉ làm hư tổn vật chất, tham nhũng, lãng phí còn làm hư hỏng, hủy hoại một (hay nhiều) thế hệ. Nếu cứ còn cảnh 3 thậm chí 7 người bệnh chung một giường, cha mẹ thức trắng đêm, đạp đổ cổng trường để kiếm một chỗ học cho con thì… tìm đâu ra sự đồng thuận và những hệ lụy về sự bức xúc, giận dữ của người dân còn đắng cay hơn lời nói của bà mẹ năm nào trút những lon gạo cuối cùng cho bộ đội, giờ đây giơ hai tay lên trời “Làm ăn như ri thì một cắc bạc cũng chẳng lấy được của tôi”.

NGUYỄN ĐÌNH AN

;
.
.
.
.
.