LTS: Sắp tới tỉnh Nam Định sẽ tổ chức Lễ kỷ niệm 750 năm Thiên Trường - Nam Định (1262-2012); đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh và Quyết định công nhận thành phố Nam Định là đô thị loại I, Báo Đà Nẵng giới thiệu bài viết sau của Lam Hồng như lời chúc mừng nhân sự kiện quan trọng này.
Thiên Trường xưa, Nam Định nay tự hào là nơi phát tích của vương triều Trần. Nơi đây hiện còn lưu giữ nguồn di sản văn hóa phong phú, đậm đặc như một minh chứng cho sự tồn tại của triều đại vàng son, rực rỡ nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam.
Khu di tích lịch sử - văn hóa đền Trần chùa Tháp, phường Lộc Vượng (TP. Nam Định) được xem là điển hình của di sản văn hóa Trần ở Việt Nam. |
Dấu tích Thiên Trường
Vùng đất Tức Mặc - nơi dấy nghiệp và lập căn cứ địa của ba lần chống giặc Nguyên - Mông của nhà Trần, theo thuyết phong thủy xưa có thế “ngọa long” (rồng nằm) là thế đất đẹp, phát về đường đế vương, khanh tướng. Ngay từ năm 1239, Trần Thái Tông - vị vua đầu tiên của triều Trần đã cho xây dựng ở đây nhiều đền đài, cung điện nguy nga, tráng lệ. Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” ghi rõ: “Đến năm 1262, vào tháng 2, Thượng hoàng ngự đến hành cung Tức Mặc ban tiệc lớn. Đổi hương Tức Mặc làm phủ Thiên Trường, cung ngoài gọi là Trùng Quang. Lại xây riêng một cung cho vua đương triều đến chầu ở, gọi là cung Trùng Hoa. Từ đây về sau các vua nhường ngôi đều ngự ở cung này”. Bao bọc khu cung điện là dinh thự, thái ấp, phủ đệ của các tướng lĩnh cao cấp, các vương tôn, công hầu của triều đình. Trong suốt 175 năm trị vì, phủ Thiên Trường được coi như kinh đô thứ hai, là phên dậu vững chắc phía nam kinh thành Thăng Long. Nhà thơ đương thời Phạm Sư Mạnh từng ca tụng:
"Tức Mặc hành đô cảnh lạ lùng
Dân vui đời thịnh lại thuần phong"
Dấu tích về một vương triều vàng son với những võ công văn trị rực rỡ còn lưu dấu đến nay qua hệ thống di sản văn hóa đậm đặc và phong phú. Bên cạnh những ngọc phả, gia phả, thần tích ghi lại hoạt động dựng nước và giữ nước của nhà Trần là hàng loạt địa danh cổ như: cánh đồng Nội Cung, Cửa Triều, Kho Nhi; vườn Dinh, vườn Quan, Cảnh Phủ (dinh thự của các quan, nơi các quan tập trung trước khi vào bái kiến Thượng hoàng); các làng Phù Hoa, Lựu Phố, Liễu Nha để vua quan đi vãn cảnh; Phương Bông là khu ở cũ của ca vũ; Văn Hưng, Cồn Đình (nơi giảng văn, hội Tao Đàn tụ họp); ao Bến bên bờ sông Vĩnh Giang; hồ Bến Đình - căn cứ thủy quân của nhà Trần; rồi Đệ Nhất, Đệ Nhị, Đệ Tam, Đệ Tứ... Ngoài ra, Nam Định đang sở hữu 225 di tích liên quan đến thời Trần, phân bố trên phạm vi rộng ở tất cả các huyện trong tỉnh. Trong đó, đền Bảo Lộc, xã Mỹ Phúc (Mỹ Lộc) và khu di tích lịch sử - văn hóa đền Trần chùa Tháp, phường Lộc Vượng (TP. Nam Định) được xem là điển hình của di sản văn hóa Trần ở Việt Nam. Theo “Nam Định dư địa chí” của Ngô Giáp Đậu, Bảo Lộc là nơi lập ấp của An Sinh Vương Trần Liễu, gọi là ấp An Lạc. Cuốn “Thái Vi quốc tế ngọc ký” phần ngọc phả nhà Trần cũng ghi rõ: “Khu Thiên Bồi dành cho Chiêu Minh đại vương Trần Quang Khải, khu Bảo Lộc dành cho Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn. Tất cả đều đặt dân tạo lệ, ấp thang mộc”. Còn đền Cố Trạch, đền Thiên Trường ngày nay được xây dựng trên nền cung điện Trùng Quang, Trùng Hoa xưa. Nơi đây từ lâu đã trở thành trung tâm sinh hoạt văn hóa cộng đồng, lưu giữ nhiều hình thức lễ nghi, hội hè, các phong tục cổ truyền độc đáo của dân tộc. Đặc biệt, qua những di vật khảo cổ học phát hiện từ trước đến nay tại một số địa điểm xung quanh các di tích thời Trần, chúng ta có thể hình dung phần nào diện mạo, quy mô rộng lớn của hành cung Thiên Trường thuở trước. Ngay từ cuối thập kỷ 60 (thế kỷ XX), nhân dân địa phương trong khi lao động sản xuất đã tìm thấy nhiều di vật thời Trần dưới lòng đất như: gạch ngói, đầu rồng, đồ gốm, sành sứ trang trí hoa văn cầu kỳ, tinh tế. Chiếc giếng cổ được tạo bởi 152 chiếc bao nung phát hiện phía sau chùa Phổ Minh cùng các loại chén bát, bình men ngọc có viết dòng chữ Hán “Thiên Trường phủ chế” cũng đã gợi mở và thu hút sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu. Năm 1975 tại chùa Đệ Tứ, phường Lộc Hạ, các nhà khảo cổ lại phát hiện được sân gạch vuông trang trí hoa cúc dây còn khá nguyên vẹn. Gần đây nhất, từ tháng 6 đến tháng 12 năm 2006, Viện Khảo cổ học Việt Nam và Bảo tàng tỉnh Nam Định tiến hành thám sát khai quật khu vực di tích Hậu Bồi, Vạn Khoảnh, Đệ Tam Tây, Lựu Phố và khu vực cánh đồng giữa chùa Phổ Minh và đền Trần, đã phát hiện hàng vạn di vật có niên đại và tầng văn hóa kéo dài từ thế kỷ XIII đến XIX như: dải hoa chanh dạng vòm cuốn, các loại gạch ngói xây dựng (ngói mũi lá, ngói mũi sen kép, ngói cong, gạch lát nền hình vuông), tượng uyên ương, bờ kè đá nằm nghiêng; các ô vuông, ô bát giác dạng bồn hoa. Đáng lưu ý là lần đầu tiên xuất lộ hệ thống các móng trụ được gia cố bằng gạch và ngói vụn. Từ kết quả đó cho thấy các dấu tích kiến trúc ở đây có sự tương đồng với kiến trúc thời Trần ở Thăng Long. Theo GS, TSKH Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa Việt Nam thì: “Việc phát hiện khảo cổ học lần này đã góp phần khẳng định hành cung Thiên Trường đích thực là kinh đô thứ hai của nhà Trần”.
Lễ hội dân gian
Với hệ thống di tích dày đặc liên quan đến nhà Trần, tỉnh Nam Định hằng năm diễn ra nhiều hoạt động lễ hội đa dạng, phong phú. Mỗi dịp “Tháng 8 giỗ Cha”, dân chúng khắp nơi lại nô nức hành hương về với mảnh đất phát tích của vương triều Trần để chiêm ngưỡng các di sản văn hóa, tưởng nhớ công đức các Vua Trần và Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo. Lễ hội Trần thường tổ chức từ ngày 10 tháng 8 (âm lịch) theo những nghi thức cung đình. Ngoài các cuộc tế, lễ, rước từ các đình, đền xung quanh về dâng hương tại đền Thiên Trường là nhiều nghi lễ tượng trưng cho các hoạt động của triều đình xưa cùng nhiều trò chơi dân gian độc đáo, hấp dẫn: chọi gà, biểu diễn võ thuật ba thế hệ, đấu vật, múa lân, chơi cờ thẻ, đi cầu kiều. Đặc sắc nhất và thu hút du khách hơn cả là múa bài bông - một sinh hoạt văn hóa dân gian gắn bó với nhà Trần và các nhân vật thời Trần đang được khôi phục lại. Tương truyền, đời vua Trần Nhân Tông, sau khi chiến thắng quân Nguyên Mông lần thứ hai, nhà vua mở tiệc ăn mừng suốt ba ngày liền, gọi là “Thái bình diên yến”. Nhân dịp này, Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải đã hứng khởi sáng tác ra điệu múa ăn mừng chiến thắng đặt tên là “múa bài bông”, dạy cho các ca công của cung đình. Về sau, dân làng Phương Bông xã Mỹ Trung, xưa là phường hát múa chuyên phục vụ triều đình đã tập luyện điệu múa này và trình diễn trong các dịp hội làng. Tham gia đội hình múa bài bông gồm những thiếu nữ trẻ đẹp, hát hay, múa dẻo được tuyển chọn khắp trong làng, ngoài xã. Mỗi người đều mang trang phục màu sắc rực rỡ, trên vai là chiếc đòn gánh ngắn quẩy hai giỏ hoa tươi xinh xắn hay hai chiếc đèn lồng trang trí rất đẹp bên trong có thắp nến lung linh. Người múa còn cầm chiếc quạt giấy phụ họa cho các động tác múa thêm nhịp nhàng, uyển chuyển. Làm nền cho vũ đạo kết hợp với những lời ca là dàn nhạc cổ có trống giữ nhịp, tạo không khí tưng bừng, rộn rã. Các động tác múa đều mô phỏng những sinh hoạt đời thường, lao động sản xuất của người nông dân như trồng bông, quay tơ, dệt vải, đi săn... Múa bài bông mở đầu bằng bài hát chúc tụng vị thần được tôn thờ, ca ngợi quê hương, con người và kết thúc bằng hợp ca hát mừng công lao vị thần đã có công đánh giặc, dạy dân làm ăn. Đến thời Nguyễn, điệu múa đã trở thành quy củ, chia thành “bát dật”, “lục dật”, “tứ dật”. Sách “Đại Nam hội điển sự lệ” chép: “Tế giao thì múa bát dật, tế Văn Miếu thì múa lục dật hoặc tứ dật. Múa bát dật chỉ biểu diễn trong cung đình phục vụ thiên tử...”. Từ một điệu múa trong cung đình, được nâng cao và phát triển qua các triều đại, khi đi vào quần chúng, múa bài bông đã tiếp thu những yếu tố mới, thấm đẫm hơi thở cuộc sống. Có thời gian gần 50 năm, điệu múa dường như chỉ tồn tại trong tâm thức của các nghệ nhân và những người yêu mến nghệ thuật này; nhưng sức sống của điệu múa thì còn mãi. Thời gian gần đây, múa bài bông đang được khôi phục và biểu diễn, tạo ra màu sắc riêng của lễ hội Trần.
Về Nam Định vào dịp “Tháng 8 hội Cha”, khách thập phương còn được đáp ứng nhu cầu tâm linh. Với tư cách một vị phúc thần có công lớn đối với dân tộc, Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn đã tạo được một dòng tín ngưỡng riêng suốt hơn 7 thế kỷ qua trong một không gian thiêng rộng lớn. Người dân đi lễ hội Trần để gửi gắm những ước vọng bình dị: sức khỏe, bình an, để cầu phúc, cầu lộc, cầu hiền, tỏ lòng tri ân công đức của các Vua Trần và Đức Thánh Trần. Đó là biểu hiện cao đẹp của sự hướng thiện mang yếu tố tâm linh, của lòng tự hào dân tộc và đạo lý “uống nước nhớ nguồn” vốn đã trở thành truyền thống của dân tộc Việt Nam.
Những năm gần đây, cùng với lễ hội Trần, lễ khai ấn vào đêm 14 tháng Giêng (âm lịch) cũng tạo được ấn tượng đặc biệt đối với du khách gần xa. Tương truyền: tục lệ này có từ thời Trần ở vùng Thiên Trường. Vào các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu, từ 11 giờ đêm đến 1 giờ sáng, trước sân đền Thượng, nghi lễ khai ấn được tiến hành với sự tham gia của 7 làng: Vọc, Lốc, Hậu Bồi, Bảo Lộc, Kênh, Bái, Tức Mặc. Dân làng làm lễ rước ấn từ đền Cố Trạch thờ Hưng Đạo đại vương sang đền Đức vua, tổ chức nghi lễ khai ấn, xin phép hoàng đế đóng ấn và ban phát cho mọi người đến dự lấy may. Ai có được ấn triều Trần vào thời khắc thiêng liêng, quý hiếm này, cả năm sẽ may mắn, tốt lành. Chính bởi ý nghĩa đó mà lễ khai ấn tuy diễn ra lúc nửa đêm nhưng khách hành hương khắp nơi đổ về mỗi năm một đông, túc trực chờ xin bằng được.
Di sản văn hóa Trần là tài sản quý giá do cha ông để lại cho mỗi người dân Nam Định. Trong thời kỳ hiện tại với xu thế hiện đại hóa đất nước và hội nhập với bốn bể năm châu, chân giá trị của thời Trần vẫn tỏa sáng chói lọi. Vì vậy, hằng ngày hằng giờ, những di sản văn hóa Trần đang được nhân dân trong tỉnh chăm lo, giữ gìn. Dự án “Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích lịch sử văn hóa thời Trần” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cũng sẽ góp phần không nhỏ vào việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong cộng đồng văn hóa nhân loại.
Thơ ghi bên Tượng đài Trần Hưng Đạo (*) 40 tuổi nhường ngôi HẢI NHƯ (*) Tượng đài Trần Hưng Đạo tại thành phố Nam Định uy nghi với bệ 6,25m, tổng trọng lượng 24 tấn đặt bên hồ Vị Xuyên. |
LAM HỒNG (Báo Nam Định)