Cũng tập hợp thành đội múa lân như bao đội khác nhưng điều đặc biệt ở chỗ, các thành viên của đội lân “trẻ em đường phố Đà Nẵng” là những cậu bé bị cha mẹ bỏ rơi hay có hoàn cảnh quá khó khăn phải sớm rời xa gia đình...
Đội lân “trẻ em đường phố” luyện tập trước giờ xuất phát. |
Có một Trung thu khác...
Hơn nửa tháng nay, ngày nào cũng vậy, về nhà, vừa vứt cái cặp xuống bàn, 23 cậu bé tại cơ sở 2 thuộc Trung tâm Bảo trợ trẻ em đường phố Đà Nẵng (phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn) lại hí hoáy bên con lân. Đứa thì sơn sửa lại đầu lân, đứa mua pin, gắn thêm đèn để mắt lân sáng rực rỡ khi múa ban đêm. Niềm vui sướng hân hoan hiện trên từng khuôn mặt đen nhẻm. Ăn vội bữa cơm trưa, nghỉ lưng một chút, cả bọn lại xúm xít bên con lân. Mỗi đứa một nhiệm vụ: Đứa làm đầu, đứa làm mình lân, đứa đánh xèng, trống, còn đứa lo hậu cần...
Phan Tiến (quê ở xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang) đã 13 tuổi mà gầy gò và trông như đứa trẻ lên 10 cầm chiếc xèng, miệng nhịp theo điệu xèng hòa tiếng trống. Ngày mới vào trung tâm, Tiến khóc suốt vì nhớ mẹ, nhớ các em. Khi các cô chú ở trung tâm đến đón Tiến, cậu vẫn ở ngoài đồng, mặt mũi lấm len bùn đất vì đang chăn trâu thuê. Bố bỏ đi biền biệt khi mẹ Tiến còn bụng mang dạ chửa đứa thứ ba. Vào trung tâm, Tiến giã từ những tháng ngày rong ruổi ngoài đồng giữ trâu thuê và trở lại lớp học. “Tiến rất sáng dạ, mấy anh chị hướng dẫn vài lần là đánh trống, đánh xèng ngon ơ”, Phan Văn An (19 tuổi, quê ở huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam), đội trưởng đội lân bộc bạch. Hoàn cảnh của An cũng không khác gì Tiến. Ba mất từ khi em còn nhỏ, mẹ đầu tắt mặt tối ngoài ruộng vẫn không đủ nuôi mấy anh em nên An phải nghỉ học từ sớm đi làm thuê làm mướn phụ mẹ.
Ở Trung tâm Bảo trợ trẻ em đường phố Đà Nẵng, mỗi em một hoàn cảnh, một số phận. Có em ba mẹ bỏ nhau. Có em lang thang kiếm sống ngoài đường, đối mặt với đói, khát, với nỗi lo sợ thường trực. Tết Trung thu trong ký ức của mỗi đứa trẻ cũng thật đặc biệt. Đó là giấc ngủ vội nơi góc phố sau một ngày kiếm sống mệt nhoài. Đó là ánh mắt thèm thuồng nhìn bọn trẻ con trong xóm múa lân. Đó là bàn tay mân mê đến nhàu nát túm bánh kẹo rẻ tiền - “cỗ” Trung thu mà mẹ vừa mua về. Bây giờ, Trung thu với các em cũng đã khác nhiều. An thổ lộ: “Đứa nào cũng rất thích múa lân. Có đứa không được tham gia múa phải làm hậu cần nên khóc sưng cả mắt”.
Không chỉ rộn ràng với con lân, những đứa trẻ còn háo hức đón chờ những vị khách là các sinh viên, các nhà hảo tâm với túi quà, chiếc bánh Trung thu hấp dẫn, những cái mà trước đây các em chỉ nhìn thấy chứ chưa bao giờ được nếm thử.
Bay lên mơ ước
Trung thu được xem là “mùa” làm ăn của đội lân “trẻ em đường phố”. An nhẩm tính, mới đầu mùa mà đội lân đã nhận được lời mời của nhiều đơn vị như: Chi đoàn Điện lực khu vực 3, lò bánh mì Đồng Tâm, Đồng Tiến, tiệm điện máy trên đường Lê Duẩn... Trong các đêm, từ 12-15 tháng Tám âm lịch, đội lân “trẻ em đường phố” đã tất bật “chạy sô”. Với những nơi gần, cả bọn luôn lỉnh kỉnh cùng “đồ nghề” gồm: lân, trống, xèng, phục trang..., nếu đi xa hơn còn phải thuê xe tải mất từ 200.000 - 300.000 đồng/đêm. Đội lân cũng đoạt giải xuất sắc màn múa dưới đất trong Hội thi múa lân Trung thu năm 2011, “vượt mặt” khá nhiều đội lân đàn anh dày dạn kinh nghiệm, mạnh về chi phí, phục trang. Lần “ra quân” đầu tiên chỉ với chi phí 100.000 đồng đủ mua đầu lân và phục trang, các em đã tiết kiệm mua được 5 chiếc xe đạp để đi học.
Gần 20 năm qua, cứ thế đứa lớn truyền “nghề” cho đứa nhỏ và đội lân duy trì đến ngày hôm nay. “Dạo trước, bọn em chủ yếu múa theo cảm hứng, nhưng giờ mua đĩa về tập những điệu khó. Lân không chỉ biết bò, trườn, lăn mà đã biết diễn những trò như trèo cây hái lộc với kỹ thuật khó, nguy hiểm, đòi hỏi phải khéo léo, giữ thăng bằng tốt”, An cho biết. Những buổi luyện tập mệt nhoài, có đứa té chảy máu đầu gối, có đứa rách cả áo nhưng ai cũng vui. Riêng mùa Trung thu năm ngoái, trừ tiền chi phí thuê xe, đội lân thu về hơn 10 triệu đồng. Bọn trẻ dành một ít tiền để sang năm “tân trang” đầu lân, còn lại tổ chức liên hoan phá cỗ và chia nhau. Dù chỉ có vài trăm ngàn đồng ít ỏi nhưng cũng đủ để mỗi em thực hiện những ước mơ của mình. An để dành tiền sắm sách, vở. Tiến mua ngay chiếc áo mới mà em thích. Hùng nhờ các cô giữ giùm để “Tết con về mua quà tặng mẹ”... Dù bận rộn với nhiều lời mời nhưng bọn trẻ vẫn dành thời gian để đi múa cho trẻ em trong xóm xem, có lúc chỉ biểu diễn cho bà con coi miễn phí. An bảo, đi “múa” nhiều để quên đi nỗi nhớ nhà...
Giữa đêm Trung thu huyền ảo với chị Hằng, chú Cuội, những đứa trẻ háo hức được ba mẹ dẫn đi chơi. Còn An, Hùng và các bạn lại lặng lẽ hóa thân thành những chú lân, tự lấp đầy ký ức tuổi thơ của mình bằng những ước mơ nho nhỏ.
Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ