.

Đưa quê về phố

.

Đà Nẵng bây chừ khác xưa nhiều lắm.

Trên chặng đường đổi mới và phát triển, chỉ hơn 15 năm trở thành đơn vị hành chính trực thuộc trung ương, Đà Nẵng đã có một diện mạo mới, khang trang, hiện đại, nền nếp và là tâm điểm của những câu chuyện bàn luận của bạn bè gần xa về một thành phố thân thiện với môi trường và đáng sống.

Nhưng điều gì đã làm Đà Nẵng có một ấn tượng đẹp như vậy?

Người viết xin đi vào câu chuyện nhỏ sau đây.

Mới đó mà nhiều vùng đất ven sông Hàn, ven cầu Cẩm Lệ, ven biển Thanh Khê - Thuận Phước - Sơn Trà - Non Nước, ven sân bay nay đã nhanh chóng trở thành những trung tâm hành chính, những khu đô thị hiện đại, những khu du lịch tuyệt đẹp, những khu dân cư đông đúc,  những khu công nghiệp tập trung, những con đường rộng thênh thang...

Ngay tại khu trung tâm quận Hải Châu, đã mọc lên hàng chục cao ốc, siêu thị tôn vinh cho vẻ đẹp hiện đại của thành phố bên sông Hàn thơ mộng.

Nhưng không vì thế mà Đà Nẵng mất đi bóng dáng của phố thị ngày xưa hay cảnh vật của những làng quê Việt đặc sắc từng ăn sâu vào tâm trí của bao người. Bởi người Đà Nẵng rất muốn giữ cho mình những kỷ niệm đẹp của “một thời xa vắng” vốn ăn sâu trong tâm trí họ khi rời làng quê đến sống ở thị thành, để làm nên những cảm xúc cho cuộc sống thường ngày vốn nhiều lo toan, bận bịu.

Chính vì vậy mà các nhà kinh doanh đã biết chiều lòng người, nên đã tạo dựng nên một không gian giải trí khá thú vị ngay giữa lòng thành phố. Nó đã làm cho thành phố thêm xanh, thêm rộng ra, thêm thư thái và yên bình. Đó là những quán cà-phê, quán ăn mang đậm nét làng quê hay phố thị nho nhỏ ngày xưa dưới cái tên chung cà-phê vườn.

Cách đây dăm mười năm, Đà Nẵng mới chỉ có một Trúc Lâm Viên nằm trên đường Lê Đình Dương thuộc quận Hải Châu. Đây là khu điểm tâm giải trí khá nổi tiếng lúc bấy giờ, thu hút rất nhiều người tới thưởng thức cà-phê, ăn sáng, chuyện trò và ngắm nhìn khung cảnh làng quê được thu nhỏ với những ngôi nhà cổ kính, những hàng cau, dây trầu, ao cá, những non bộ đặc sắc biểu trưng cho làng quê Việt Nam. Sau khi tuyến đường này giải tỏa để mở rộng thành đường Nguyễn Văn Linh, Trúc Lâm Viên đã chuyển về đường Trần Quý Cáp và tiếp tục tạo dựng nên một không gian thi vị để du khách bốn phương lui tới hàng ngày .

Cũng từ đó, ngày nay Đà Nẵng có rất nhiều  điểm cà-phê vườn như vậy. Người ta có thể biết tới Phố Xưa, Vườn phố, Vip Vườn, Huế xưa, Vườn Duy, Bạch Dương, Không gian xưa… mỗi nơi một dáng vẻ, nhưng tựu trung vẫn mang  hồn quê đậm nét trong cách bài trí và phục vụ. Gần đây, người ta còn đưa một không gian phố thị mang dáng dấp của phố cổ Hội An đến với Đà Nẵng đó là Madam Lan nằm trên đường Bạch Đằng.

Khách có thể cùng bạn bè, gia đình tới nhâm nhi ly cà-phê, điểm tâm sáng, hay thời gian khác trong ngày, với các món ăn nổi tiếng của nhiều vùng miền trong cả nước giữa một không gian hoàn toàn tĩnh lặng. Ở đó khách có thể ngồi trong ngôi nhà cổ, bên gốc cây cổ thụ, hay dưới hàng cau thoảng hương ngào ngạt. Không những vậy, một số quán cà-phê vườn còn chú ý tới khách hàng “nhí”, một đối tượng không thể thiếu của nhiều gia đình muốn thư giãn trong ngày nghỉ cuối tuần cùng với con cái, đã tạo dựng cho trẻ em không gian riêng biệt như vườn thú, khu vui chơi tuy nhỏ nhưng cũng đủ sức hấp dẫn.

Một đặc trưng khác của cà-phê vườn ở Đà Nẵng chính là những khu này nằm ở vị trí ngã ba, ngã tư, hay trong một không gian rộng rãi đã giúp tạo nên sự thoáng đãng của phố phường vốn có nhiều nhà cao tầng nằm san sát bên nhau. Hơn thế, ở những quán cà-phê vườn này đều trồng rất nhiều cây cổ thụ, cây cảnh khá đẹp, làm cho màu xanh lan tỏa cả một góc trời nho nhỏ để dịu bớt cơn nắng hè vàng rực hay mùa đông giá lạnh.

Đưa quê, đưa những cảnh sắc thiên nhiên về với phố cũng là một cách mà người Đà Nẵng đang tích cực làm để môi trường thêm xanh, thêm dịu mát, để cho cuộc sống thêm đa dạng và đáng yêu.

TUYẾT MINH

;
.
.
.
.
.