Bài cuối: VĂN HÓA GIAO THÔNG
Trông người mà ngẫm đến ta!
Chuyến công tác của chúng tôi trên đất nước Nhật Bản chỉ 10 ngày. Dù đi bộ trên đường phố Tokyo, đi xe buýt trên đường cao tốc hay đi ô-tô về tận những vùng ngoại ô..., nhưng ấn tượng nhất trong mỗi chúng tôi là nét văn hóa khi tham gia giao thông của người Nhật.
Một góc đường cao tốc vào thành phố Tokyo. |
Chuyến xe buýt đưa chúng tôi từ Sân bay quốc tế Narita về thành phố Omachi của tỉnh Nagano trên con đường cao tốc dài gần 1.000km. Sau chuyến bay dài, mọi người rất mệt, nhưng lần đầu tiên đến Nhật, ai cũng háo hức nên vẫn cố thức để ngắm cảnh. Thật ra, đi trên đường cao tốc ở Nhật, rất khó quan sát cảnh vật hai bên đường, vì bị che chắn bởi những tường rào và tường xây kiên cố cao khoảng 2,5m. Chỉ khi nào xe chạy qua những đoạn đường trên địa hình cao hay chạy trên những đoạn đường được xây dựng vượt qua các khu dân cư, cao cách mặt đất khoảng từ 7m đến vài chục mét, người ngồi trên xe buýt mới được phóng tầm mắt ra xa.
Đi nhiều giờ liền trên đường cao tốc, chúng tôi vẫn không thấy bất kỳ người đi bộ hay đi xe đạp trên đường. Trên đường cao tốc, khoảng 200m thì có một cầu vượt bắc ngang qua đường. Khoảng 1 giờ ô-tô (gần 100km) thì có đường rẽ giao nhau. Vì vậy, dù là người Nhật Bản, thậm chí là những người tài xế xe buýt bản địa cũng phải thường xuyên mang theo bản đồ giao thông. Trước khi đi, họ nghiên cứu rất kỹ về hành trình...; nếu không, chỉ cần lơ là đi quá đường rẽ vào điểm cần đến một đoạn thôi thì phải mất thêm vài giờ đồng hồ trên đường cao tốc mới có thể quay lại điểm cần đến.
Những ngày ở Nhật Bản, một câu hỏi xuất hiện trong tôi: Tại sao Nhật Bản là quốc gia có các tập đoàn sản xuất ô-tô mạnh vào loại bậc nhất thế giới, giá thành các loại xe (trong nước Nhật) lại rẻ, vậy mà trên các đường phố Tokyo, mật độ ô-tô tham gia giao thông lại không nhiều như các nước khác? Masuoka Masaki, sinh viên Trường ĐH Tokyo (tham gia cùng đoàn) giải thích: Ở Nhật, người dân đã quen với các phương tiện vận tải công cộng. Việc đi lại hằng ngày của họ chủ yếu là các phương tiện vận tải khách công cộng như tàu điện trên cao, tàu điện ngầm và hệ thống xe buýt.
Nói vậy không có nghĩa là người Nhật ít sắm ô-tô riêng. Từ nông thôn lên thành phố, nhà nào cũng có ô-tô, nhưng cách sử dụng xe của họ đáng để chúng ta học hỏi. Tại các điểm dừng xe buýt, các nhà ga hay ở các cửa ô vào thành phố đều có các bãi đỗ ô-tô rộng lớn. Đây là điểm đỗ ô-tô cá nhân của người dân trước khi chọn một phương tiện giao thông công cộng khác để vào trung tâm thành phố.
Khác với ở Việt Nam, các phương tiện vận tải hành khách công cộng tại Nhật Bản đã vận chuyển tới 3/4 lưu lượng khách trong thành phố. Các tuyến tàu điện ngầm, tàu trên cao hay xe buýt đều được trang bị ghế mềm, diện tích rộng và hành trình chính xác được tính đến từng phút.
Tàu điện ngầm và tàu điện trên cao cứ vài phút lại có một chuyến. Tại các nhà ga đều có sự chỉ dẫn chi tiết về thời gian tàu đến, tàu đi và các hướng đi lại. Tất cả những hoạt động ở nhà ga đều tự động hóa, từ khâu mua vé đến lối vào cổng lên tàu. Khách chỉ cần chọn tuyến đường đi, bỏ số tiền theo giá niêm yết vào máy là đã có tấm vé cho hành trình của mình. Khi qua cổng lên tàu, chỉ cần bỏ vé vào máy thì cổng lập tức được mở ra và máy sẽ trả lại vé chỉ trong vòng vài giây để bạn tiếp tục qua các nhà ga khác. Hành trình đi từ điểm A đến điểm B và đi về lại ga xuất phát phải qua rất nhiều ga với hệ thống giao thông được thiết kế theo các phương án tối ưu nhất. Có những con đường chạy thẳng lên những ngôi nhà cao tầng, vòng vèo vào bên trong, xoắn vào những dãy nhà cao vút rồi bất chợt xuống dốc chui vào lòng đất... Đây chính là lời giải bài toán chống ùn tắc giao thông ở một thủ đô có hơn 12 triệu dân và hàng triệu khách vãng lai. Khác với ở nhiều nước, nạn kẹt xe, tắc đường như cơm bữa thì ở Nhật Bản nạn ùn tắc giao thông về cơ bản đã được giải quyết.
Bức tranh giao thông ở Nhật thật ấn tượng, hiện đại, tiện lợi và an toàn. Từ các tàu điện trên cao, qua các ô cửa sổ người ta dễ dàng nhìn thấy những con đường tầng tầng, nấc nấc uốn lượn đẹp như tranh vẽ. Nhưng có lẽ, bức tranh đẹp nhất để lại trong mỗi chúng tôi những ngày ở đất nước mặt trời mọc chính là ý thức tham gia giao thông của người dân nơi đây.
Suốt chặng đường dài hành trình trên đất Nhật, rất hiếm khi chúng tôi gặp công nhân sửa chữa đường, nhưng có một lần, trên đường từ Tokyo về thành phố Omachi, có một nhóm công nhân khoảng 5 người đang vá đường bằng những chiếc máy rất nhỏ, gọn và hiện đại. Trong số đó, có một người đứng ra điều phối giao thông. Khi xe chúng tôi đi qua, người công nhân này trịnh trọng cúi gập người xuống, khi xe qua khỏi họ mới ngước đầu lên. Hỏi bác tài xế xe buýt mới biết, đó là sự chào hỏi thông thường của người Nhật. Và, trong trường hợp này, còn có một ý nghĩa khác của người Nhật, đó là lời xin lỗi của những người công nhân, vì công việc của họ đã làm cho xe bạn chậm lại.
Không những thế, khi tham gia giao thông, xe lớn phải nhường đường cho xe nhỏ, ô-tô phải nhường đường cho người đi bộ. Có lẽ văn hóa nhường đường đã in sâu trong tiềm thức của người dân Nhật Bản, nên hơn 10 ngày tham gia giao thông ở Tokyo hay về các vùng ngoại ô, chúng tôi cũng không một lần nghe tiếng còi ô-tô. Đây chính là điều mà chúng ta cần phải suy ngẫm.
Ký sự: VĂN NỞ