.
Hội nghị Nhà văn Việt Nam - Lào - Campuchia lần thứ 4

Văn học là cầu nối tình hữu nghị, đoàn kết

.

Ngày 11-9, tại Đà Nẵng, Hội nghị Nhà văn 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia lần thứ 4 đã chính thức khai mạc với sự tham dự của gần 100 đại biểu là các nhà văn 3 nước nói trên, đại diện Hội Nhà văn Thái Lan cùng các nhà văn thuộc Hội Hữu nghị Ấn Độ - Việt Nam. Tham dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Bá Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng; PGS, TS Hồng Vinh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương.

Đồng chí Nguyễn Bá Thanh trao Giải thưởng Văn học sông Mekong cho các nhà văn Lào. 						             Ảnh: M.HẠNH
Đồng chí Nguyễn Bá Thanh trao Giải thưởng Văn học sông Mekong cho các nhà văn Lào. Ảnh: M.HẠNH

Trao đổi tại hội nghị, các nhà văn đều khẳng định ý nghĩa quan trọng của việc giao lưu về văn học, nghệ thuật giữa các nước trong khu vực, xem đây là cơ hội để đẩy mạnh phong trào sáng tác tác phẩm văn học về đề tài quan hệ hữu nghị, đoàn kết Việt Nam - Lào - Campuchia. Để hiểu hơn về nền văn hóa cùng những hoạt động văn học, nghệ thuật của nhau, thời gian qua, đã có nhiều hoạt động giao lưu giữa nhà văn 3 nước, trong đó có các chuyến đi trở lại chiến trường xưa của nhà văn Việt Nam tại Lào, Campuchia. Nhà thơ, nhà lý luận phê bình Lê Quang Trang, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng, bằng hoạt động nghề nghiệp phong phú, các nhà văn đã giúp các nền văn hóa xích lại gần nhau hơn; tạo cơ hội để người dân 3 nước hiểu thêm về lịch sử, đất nước, con người Đông Dương qua các thời kỳ…

Phát biểu chào mừng hội nghị, đồng chí Nguyễn Bá Thanh nhấn mạnh, đây là diễn đàn văn hóa quan trọng nhằm tôn vinh những tác giả tiêu biểu có những tác phẩm xuất sắc, vừa mang bản sắc văn hóa riêng của mỗi nước, vừa thể hiện tính nhân văn cao cả của 3 dân tộc có chung dòng sông Mekong. Đồng thời, hội nghị cũng là dịp để nhà văn 3 nước trao đổi kinh nghiệm sáng tác nghệ thuật, hiểu hơn về nền văn hóa của nhau và thưởng thức những tác phẩm văn học đậm đà bản sắc của 3 dân tộc.

Để hiểu hơn về nền văn học mỗi nước, các đại biểu cũng đề nghị thời gian đến, cần ưu tiên hàng đầu cho công tác dịch thuật và quảng bá những tinh hoa văn học của 3 nước Đông Dương. Ngoài ra, Hội Nhà văn các nước cũng đề nghị Chính phủ mỗi nước tạo điều kiện cho hoạt động sáng tác văn học nghệ thuật, tổ chức các đoàn thăm và viết về đất nước của nhau nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả sáng tác.

Tại hội nghị, Giải thưởng Văn học sông Mekong lần thứ 4 đã được trao cho 15 tác giả xuất sắc của 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia. Các tác phẩm được vinh danh lần này viết về cuộc sống, tình hữu nghị và lịch sử gắn bó lâu đời của người dân 3 nước Đông Dương; ngợi ca con sông Mekong, dòng nước đang tạo nên nguồn sống cho hàng triệu người dân Việt - Lào - Campuchia. Ngoài ra, 3 nhà văn của Việt Nam cũng được tặng bằng khen vì có nhiều tác phẩm ngợi ca tình hữu nghị, hợp tác hiệu quả của 3 nước nói trên.

Dịp này, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Chính phủ Lào Thongsing Thammavong, Thủ tướng Chính phủ Campuchia Hun Sen đã gửi thư và điện mừng đến hội nghị với mong muốn sự kiện này sẽ góp phần tích cực vào việc kỷ niệm 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Lào; 45 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Campuchia.

Trước đó, tại cuộc họp giữa Trưởng đoàn Hội Nhà văn 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia diễn ra vào ngày 10-9, các nước thống nhất sẽ tổ chức Hội nghị lần thứ 5 tại Campuchia vào năm 2014. Đồng thời, từ kỳ họp thứ 4 trở đi, các nhà văn Thái Lan, thuộc Hội Nhà văn Thái Lan sẽ được quyền tham gia Giải thưởng Văn học sông Mekong.

M.HẠNH

;
.
.
.
.
.