.

Lan tỏa trí thức và cổ vũ xã hội phát triển

.

LTS: Ngày 20-9-2012 tại TP. Hồ Chí Minh, Hội đồng chấm và trao Giải thưởng Sách hay 2012 đã công bố danh sách những tác phẩm đoạt giải. Tác phẩm Biến động kinh tế Đông Á và con đường công nghiệp hóa của Việt Nam (NXB Chính trị Quốc gia, 2005) của GS. Trần Văn Thọ được chọn trao cho lĩnh vực Kinh tế. Tại lễ trao giải, GS. Trần Văn Thọ có bài diễn từ nhận giải, Báo Đà Nẵng xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Giáo sư Trần Văn Thọ và bìa sách Biến động kinh tế Đông Á và con đường công nghiệp hóa Việt Nam.
Giáo sư Trần Văn Thọ và bìa sách Biến động kinh tế Đông Á và con đường công nghiệp hóa Việt Nam.

Trước hết tôi xin cảm ơn Hội đồng trao Giải thưởng Sách hay và Ban Tổ chức Giải thưởng Sách hay 2012 đã cho tôi vinh dự được phát biểu tại diễn đàn rất quan trọng này, một diễn đàn của những người đang thực hiện sứ mệnh khai dân trí, chấn dân khí cho nước Việt Nam thân yêu của chúng ta.

Khi được tin cuốn sách Biến động kinh tế Đông Á và Con đường công nghiệp hóa Việt Nam của tôi được chọn trao Giải thưởng Sách hay năm nay, cảm tưởng đầu tiên là vui và hãnh diện vì đây là giải thưởng của một dự án văn hóa, giáo dục có uy tín, được thực hiện với cả tâm huyết của những người thuộc giới tinh hoa của đất nước. Nhưng trong niềm vui lại đan xen một tâm trạng phức tạp vì dịp này lại làm tôi nghĩ đến thực trạng công nghiệp hiện nay của nước ta, một nền công nghiệp còn quá yếu trước thách thức to lớn của dòng thác công nghiệp mới tại khu vực. Cuốn sách của tôi viết ra nhằm đề khởi những chiến lược, chính sách đẩy mạnh công nghiệp hóa đất nước trước những biến động lớn có tính cách thời đại tại Đông Á, thế nhưng thực tế là sách xuất bản đã 7 năm, trong đó nhiều chương, nhiều tiết được viết trên báo đã gần 10 năm, mà thực trạng công nghiệp nước ta cho đến nay đã không tiến triển như mong muốn. Tuy vậy, dù không được các nhà hoạch định chính sách quan tâm hoặc có quan tâm nhưng không áp dụng vào thực tiễn, cuốn sách ấy bây giờ được giới trí thức đánh giá, tôi cảm thấy như được an ủi, khích lệ nhiều, và tuy có tình cảm phức tạp, nhưng niềm vui nhận giải thưởng thì rất lớn.

Nhân dịp này cho phép tôi nói thêm vài ý nghĩ về vấn đề công nghiệp hóa, những điểm mà trong cuốn sách nhận giải thưởng chưa được nói đến.

Nhìn lại lịch sử thế giới, ta thấy từ cuộc cách mạng công nghệ ở Anh cho đến nay đã có 5 thời đại công nghiệp hóa. Từ Anh đến Pháp, Đức, Mỹ… rồi đến Nhật là 3 thời đại. Thời đại thứ tư thì riêng ở Á châu có Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore và Hong Kong. Thời đại thứ năm có Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc và một số nước khác. Từ khi bắt đầu đổi mới, nếu Việt Nam không nhiều lần bỏ mất thời cơ thì ta đã tham gia vào thời đại công nghiệp hóa thứ năm, không chậm hơn Trung Quốc bao nhiêu. Bây giờ tình hình thế giới và khu vực biến đổi nhanh và phức tạp hơn, trong đó, nổi bật nhất là công nghệ và các nguồn lực kinh doanh thay đổi từng ngày, khuynh hướng toàn cầu hóa và tự do mậu dịch tại khu vực Á châu tiến triển nhanh, và tác động của dòng thác công nghiệp từ Trung Quốc đang mạnh. So với hai mươi năm trước, Việt Nam phải nỗ lực hơn nhiều mới thành công trong giai đoạn mới, giai đoạn công nghiệp hóa thứ sáu của thế giới. Nếu không, các nước đi sau Việt Nam sẽ tiến lên và ta sẽ phải đối diện với thời đại công nghiệp hóa thứ bảy!

Để thành công trong công nghiệp hóa nói riêng và phát triển kinh tế nói chung, cần những điều kiện gì? Theo tôi hai điều kiện tiên quyết là năng lực xã hội và thể chế. Các thành phần của năng lực xã hội gồm các tố chất cần thiết của lãnh đạo chính trị, của quan chức, của lãnh đạo doanh nghiệp, của giới lao động và trí thức, và thể chế chi phối hành động của các thành phần xã hội ấy. Trách nhiệm của lãnh đạo chính trị là xây dựng và hoàn thiện một thể chế đủ chất lượng để hướng các nguồn lực của xã hội vào mục tiêu phát triển.

Trong các thành tố của năng lực xã hội, hiện nay quan trọng nhất là lãnh đạo chính trị và đội ngũ quan chức. Họ phải là những anh hùng trong thời đại phát triển này. Chúng ta có rất nhiều anh hùng dân tộc trong lịch sử chống ngoại xâm. Hiện nay, trong thời đại phát triển chúng ta cũng cần anh hùng. Anh hùng ngày nay có thể nói là những lãnh đạo chính trị, những quan chức có trách nhiệm cao luôn thao thức về cuộc sống của đại đa số dân chúng, về một đất nước giàu mạnh trong tương lại và lắng nghe chuyên gia, trí thức để tìm ra các biện pháp hữu hiệu cho các mục tiêu đó.

Các anh hùng dân tộc thời nhà Trần đã lập nên những chiến công hiển hách, đuổi được quân Nguyên ra khỏi bờ cõi làm nức lòng người. Hai câu thơ của Trần Nhân Tông đã phản ánh không khí hồ hởi kéo dài nhiều năm tháng đó:

“Người lính già đầu bạc
Kể mãi chuyện Nguyên phong”

Cảm xúc với câu chuyện này, tôi mong rằng hai ba mươi năm nữa, những quan chức, những vị lãnh đạo đầu đã bạc ngồi ở quán cà-phê bên hồ Hoàn Kiếm trò chuyện mãi về những ngày mà thời trung niên của họ đã hết lòng vì nước vì dân nên Việt Nam đã chen chân được vào hàng ngũ những nước giàu mạnh trên thế giới.

Một khái niệm liên quan đến các thời đại công nghiệp hóa của thế giới là “lợi thế của nước đi sau”. Nước đi sau có thể học hỏi kinh nghiệm và du nhập tư bản, công nghệ của nước đi trước nên rút ngắn được quá trình công nghiệp hóa. Dĩ nhiên điều kiện đủ là nước đi sau phải có các năng lực cần thiết và thể chế thích hợp. Nhưng cho đến nay các nước đi sau rút ra các kinh nghiệm thành công và thất bại của nước đi trước chủ yếu trên phương diện phát triển công nghiệp, phát triển lực lượng sản xuất, chứ không hoặc ít quan tâm đến phạm trù văn hóa, tính nhân văn của quá trình phát triển. Công nghiệp hóa không phải chỉ là làm sao để xây dựng những ngành công nghiệp hiện đại có sức cạnh tranh trên thị trường thế giới và được thể hiện bởi những nhà doanh nghiệp chỉ chạy theo lợi nhuận. Nhà doanh nghiệp có văn hóa thì có động cơ và mục tiêu phát triển cao cả hơn, đậm tính nhân văn hơn. Tôi xin nêu vài ví dụ về trường hợp Nhật Bản. Năm 1946, giữa cảnh hoang tàn đổ nát sau Thế chiến thứ hai, Ibuka Masaru, người sáng lập Sony, tại buổi lễ thành lập công ty đã nói một câu làm xúc động lòng người: “Bổn phận hiện nay của chúng ta là phải đem công nghệ và trí tuệ đóng góp vào việc phục hưng Tổ quốc”. Nghĩa là việc phục hưng Tổ quốc, xây dựng đất nước là mục tiêu đầu tiên. Matsushita Konosuke, người sáng lập công ty mà bây giờ có tên là Panasonic, cũng đã đưa ra triết lý kinh doanh vì cộng đồng, vì sự phồn vinh của xã hội, của đất nước. Ông đã lấy việc cải thiện đời sống của người lao động trong công ty làm mục tiêu đuổi kịp trình độ của các nước Âu Mỹ. Không ít những nhà doanh nghiệp hàng đầu khác của Nhật bắt đầu sự nghiệp bằng động cơ cao cả ấy.

Chúng ta phải có những nhà kinh doanh đầy tính nhân văn như vậy.

" So với hai mươi năm trước, Việt Nam phải nỗ lực hơn nhiều mới thành công trong giai đoạn mới, giai đoạn công nghiệp hóa thứ sáu của thế giới. Nếu không, các nước đi sau Việt Nam sẽ tiến lên và ta sẽ phải đối diện với thời đại công nghiệp hóa thứ bảy! "

(Giáo sư Trần Văn Thọ - Đại học Waseda, Tokyo)

Còn nhiều mặt khác của quá trình công nghiệp hóa cũng cần được nói đến. Nói chung, làm sao để mọi người trong xã hội tham gia vào quá trình công nghiệp hóa, quá trình phát triển một cách tự nguyện và ngày càng thấy yêu cuộc sống? Làm sao để đời sống và điều kiện làm việc của người lao động được cải thiện nhanh? Làm sao để mọi người trong xã hội có ý thức cộng đồng ngày càng tăng và đối xử với nhau có văn hóa?

Đây là những vấn đề tôi nghĩ rất thiết thân ở nước ta trong giai đoạn hiện nay. Rút ngắn khoảng cách phát triển trên cơ sở ngày càng làm phong phú cuộc sống tinh thần của người dân mới đạt ý nghĩa đích thực của phát triển. Mỗi người ở mọi tầng lớp, dù khác nhau về trình độ học vấn và chỗ đứng trong xã hội, đều phải là những người có văn hóa và có ý thức, có triết lý sống theo tiêu chuẩn chân, thiện, mỹ. Ở đây, ngoài chính sách giáo dục, văn hóa mà Nhà nước phải đảm nhận, ta thấy có trách nhiệm của người trí thức, của các nhà văn hóa, giáo dục trong hoạt động khai trí và cổ vũ xã hội luôn hướng thượng, coi trọng và nâng tầm các giá trị văn hóa, tinh thần.

Trong ý nghĩa đó, tôi nghĩ vai trò, sứ mệnh của Dự án Sách hay trong việc lan tỏa trí thức và cổ vũ xã hội hướng đến chân thiện mỹ là vô cùng quan trọng.

TRẦN VĂN THỌ

;
.
.
.
.
.