Hội đồng trao giải của Giải thưởng Sách hay 2012 (gồm 6 thành viên: Nhà văn - Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyên Ngọc, Tiến sĩ Quách Thu Nguyệt, Giáo sư Chu Hảo, Nhà nghiên cứu triết học Bùi Văn Nam Sơn, Nhà hoạt động giáo dục Giản Tư Trung và Giáo sư Võ Tòng Xuân) đã thống nhất với sự đồng thuận cao trao “Giải thưởng Sách hay 2012”, hạng mục “Sách dấu ấn mới” cho công trình nghiên cứu, tác phẩm Có 500 năm như thế, tác giả Hồ Trung Tú.
Bìa tác phẩm Có 500 năm như thế của tác giả Hồ Trung Tú. |
Khát khao tìm hiểu bản sắc mỗi vùng đất nói chung và Quảng Nam nói riêng luôn gặp những khó khăn khó vượt qua. Thứ nhất là tư liệu và thứ hai là những định kiến khó còn có thể thay đổi. Vấn đề thực ra không phải là đi tìm bằng chứng mà chính là phương pháp tiếp cận và góc nhìn khả tín. Trước nay, nhiều nhà nghiên cứu lịch sử Đàng Trong đều dừng ý định lại vì thiếu tư liệu bằng chứng. Vĩnh viễn chúng ta sẽ không bao giờ tìm ra được bằng chứng nào đủ tin cậy để phản ảnh hết quãng thời gian dài đến 500 năm. Bây giờ nếu tìm thấy đoạn phim nào quay cảnh Đàng Trong năm 1402 những đoàn người di dân dưới thời Hồ Quy Ly sau đó chạy tan tác vì nhà Minh trả đất lại cho Chiêm Thành, thì bản thân đoạn phim đó cũng chỉ phản ảnh được thời kỳ đó, tại địa điểm đó; lúc khác, không gian khác mọi chuyện có thể đã không như vậy. Có một ví dụ sinh động là văn bản Thủy Thiên làng Câu Nhi, xã Hải Tân, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị được các tác giả Nguyễn Hữu Thông và Lê Đình Hùng khảo sát kỹ và xác định được là đã được viết vào những năm đầu thế kỷ XV, trong đó có nhiều dòng mô tả không gian cộng cư của hai tộc người Chàm và Việt mới vào; trong đó có những dòng khá hấp dẫn như: “Xứ này người Chiêm nhiều mà bình nhân (chỉ người Việt gốc từ đất Bắc) ít, sợ sinh hạ con cháu một Tề mười Sở rồi nhiễm biến phong tục của người Man”. Rõ ràng văn bản Thủy Thiên là một văn bản quý, thế nhưng nếu lấy đây làm chuẩn mực, làm tư liệu điển hình phản ảnh toàn bộ lịch sử Nam Tiến (điều đã từng xảy ra ở nhiều công trình về Nam Tiến) thì chúng ta lại rơi vào khái quát hóa vội vàng vì có thể lúc đó ở Quảng Trị là vậy nhưng ở Quảng Nam lúc đó thì khác hoàn toàn. Thật vậy, lúc này Quảng Nam, tức vùng đất Bắc Thu Bồn Nam Hải Vân, lúc này đã bị Chiêm Thành chiếm lại, trong khi Quảng Trị đã hoàn toàn thuộc nhà Minh chiếm giữ.
Về mặt phương pháp, cuốn sách này mở ra cách tiếp cận lịch sử liên ngành, điều mà ở Việt Nam ta tuy đã được nói đến thưa thớt như GS. Trần Quốc Vượng, GS. Từ Chi, Nguyễn Tài Cẩn... nhưng chưa ai làm. Lịch sử, lâu nay như mọi người thường hiểu chính là những ghi chép trong các sử liệu. Thế nhưng chúng ta quên rằng đó chỉ là lịch sử thành văn của các triều đại phong kiến, của các quan lại có học, có chữ. Lẽ nào lịch sử chỉ có vậy? Cứ nói đến lịch sử Đàng Trong là nói đến “Hoành Sơn Nhất Đái Vạn Đại Dung Thân”, nói đến mâu thuẫn Trịnh Nguyễn, nói đến lịch sử của gia đình Nguyễn Hoàng. Chúng ta thuộc chuyện Nguyễn Hoàng để con lại bắt làm con tin mà không một chút ý niệm nào cha ông mình lúc đó (Trước sau 1600) ăn mặc như thế nào, nhà cửa ra sao...
Như đã có mô tả nhiều trong sách, lịch sử Nam Tiến được nhìn qua các dòng ghi chép trong các gia phả. Gia phả nào cũng ghi “Tiền hiền khai cư, hậu hiền khai canh” “Các ngài chiêu dân lập ấp”. Thử hỏi, dân nào để các ngài chiêu? 7 tộc tiền hiền làng Thanh Quýt chiêu hàng vạn dân để lập làng Thanh Quýt sao ta chỉ thấy chuyện lịch sử của 7 ngài tiền hiền mà không thấy lịch sử của hàng ngàn người dân được chiêu ở bên dưới?
Vâng, lịch sử được viết nên bởi nhân dân, chúng ta nói vậy nhưng thường quên, hay nói đúng hơn là không nhận thức đầy đủ về vai trò của nhân dân khi làm nên lịch sử. Nói đến lịch sử giải phóng miền Nam, chúng ta nói đến vai trò của tướng Đồng Sĩ Nguyên khi nhận lệnh mở đường Trường Sơn, đến chiếc xe tăng nào húc đổ cổng dinh Độc Lập và tranh cãi rất nhiều chuyện ai soạn lời đầu hàng cho Dương Văn Minh mà quên những vai trò của chiếc võng dù trong chiến tranh Việt Nam, thứ không có quân đội nào trên thế giới sử dụng, thứ gọn nhẹ và thư giãn không có bất cứ chiếc giường xếp hay túi ngủ nào có thể sánh được; quên con búp bê gùi sau ba lô của người lính khi lên đường về Bắc, quên đi bao gia đình miền Nam ly tán và chính họ giờ đang tạo nên một bản sắc văn hóa nào đó ta chưa nhận thức đầy đủ.
Vâng, cuộc vận động, chuyển động, chuyển dịch và cả những va chạm xung đột văn hóa của các cộng đồng dân cư, của các tộc người mới là đối tượng chính của lịch sử. Hay nói cách khác lịch sử là cuộc hành trình đi tìm bản sắc chứ không phải chỉ là tìm lại các câu chuyện. Nếu lịch sử là những câu chuyện thì lịch sử chỉ có một nhiệm vụ duy nhất là tạo nên những bài học. Những bài học lịch sử thường rất hay nhưng xem ra rất khó thuộc, cho dầu đã được bắt học thuộc lòng ở trường phổ thông thế nhưng người ta cũng thường quên đi nhanh chóng khi va vào thực tế, có sự kiện nào lặp lại y nguyên với lịch sử đâu? Những bài học ứng xử với đất nước Trung Hoa có lẽ không ai nhiều hơn Việt Nam chúng ta nhưng xem ra Việt Nam ta chẳng ai chịu thuộc, từ cấp lãnh đạo đến người dân bình thường cũng thế. Chúng ta không thuộc vì ứng xử của mỗi thời đại mỗi khác, góc nhìn của mỗi người cũng mỗi khác. Thế nhưng nếu hiểu lịch sử là bản sắc thì ta sẽ có những thái độ chắc chắn là vững bền hơn với người bạn khổng lồ này, không phải thái quá yêu thương để rồi lại thái quá giận hờn như đã xảy ra.
Và vì là đây là giải thưởng sách hay nên xin nói thêm đôi điều về cách viết. Nếu là một công trình nghiên cứu chắc chắn sự trình bày đã có một hình thức khác. Vì nhắm đến đối tượng người đọc bình dân tôi đã chọn cách diễn đạt đơn giản nhất có thể. Tại sao lại chọn đối tượng người đọc bình dân, với một đề tài khoa học khá là rắc rối . Đơn giản là vì tôi hiểu nhận thức khoa học ở đây, trong lĩnh vực này là hoàn toàn không đáng kể, không quan trọng một chút nào so với sự nhận thức lại nguồn cội tộc họ tổ tiên ông bà của chính bản thân mỗi người Quảng Nam nói riêng và người miền Trung nói chung. Chính vì xác định người đọc là ông bác tộc trưởng, là ông chú nhiều băn khoăn về tộc họ sau nghỉ hưu lặn lội ra Bắc, hết Nghệ đến Thanh, đến Hải Dương đối chiếu so sánh để nối lại cội nguồn với tiên tổ nên cuốn sách đã mắc khá nhiều lỗi về diễn đạt, nhiều chỗ lặp lại vì nhiều nội dung cùng dùng chung một nguồn tư liệu, chung một phương pháp lập luận vì không muốn những ông chú, ông bác ấy đứt mạch đọc liền lạc vì những trích dẫn hoặc xem thêm. Những nhược điểm này sẽ được khắc phục trong lần tái bản sắp tới. Lần này, toàn bộ nội dung sẽ được chia làm hai phần là phần xây dựng công cụ và phần tổng luận. Vấn đề thế hệ, phương pháp phân kỳ hay khảo sát về giọng nói của người Quảng Nam đều là những công cụ để từ đó giúp ta có những hình dung về những gì xảy ra suốt 500 năm ấy. Bên cạnh phần giọng nói người Quảng Nam vấn đề vốn từ đã được đặt ra ở lần xuất bản đầu giờ cũng được khảo sát kỹ. Thật bất ngờ, người Quảng Nam đã có một lượng vốn từ ít ỏi một cách đến tội nghiệp. Rất hay là điền lại đưa đến một kết luận tất yếu là tính cách. Người Quảng Nam hay cãi là do bởi lượng vốn từ đưa đến khó khăn trong diễn đạt.
Tôi không biết hội đồng xét chọn sách hay có điều lệ trao thêm lần nữa cho sách tái bản hay không chứ thực sự tôi rất hào hứng với những gì viết thêm cho lần tái bản này và nó xứng đáng để được gọi là sách hay hơn lần được trao giải này.
Nói điều đó để một lần nữa cảm ơn con mắt xanh của bạn đọc và hội đồng xét giải đã trao giải cho một cuốn sách còn ở dạng là ý tưởng. Tôi biết sự đánh giá này của bạn đọc và ban thư ký cũng như hội đồng xét chọn trao giải không chỉ vì “dấu ấn mới” mà cuốn sách đặt ra mà còn là sự động viên với những nhà nghiên cứu trẻ tuổi. Tôi bắt tay vào thực hiện những ý tưởng của mình lúc mới hơn 40. Trong lĩnh vực xã hội học thì tuổi này quả thực là rất trẻ để có thể nêu ra được điều gì đó mới mẻ. Các bạn trẻ hãy mạnh dạn bước qua những điều mà mình cảm nhận thấy là đúng nhưng chưa thấy một ai nói đến. Hơn ai hết, tôi biết, họ, tức ban giám khảo, tức thế hệ đi trước thèm thấy lớp trẻ phát triển và họ không ngại ngần trao những giải thưởng vinh quang như giải này cho các bạn trẻ.
HỒ TRUNG TÚ