“Tôi viết hồi ký này không chỉ để kể về chặng đường dài vất vả tìm cha mẹ và gốc tích của mình, mà trên hết, tôi muốn mọi người hiểu được những đau thương, mất mát, hy sinh mà đồng bào dân tộc Cơtu ở làng T’Râu trải qua trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ khốc liệt”, chị A Chước Đen, người con làng T’Râu (huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên-Huế) xúc động tâm sự.
Hình ảnh người mẹ T’Râu trong hồi ký “Làng T’Râu của tôi” của tác giả A Chước Đen. |
Bao nhiêu cảm xúc yêu thương về cha mẹ, người anh ruột và đồng bào làng T’Râu cứ như dòng nước, cuồn cuộn chảy trong tim, thôi thúc A Chước Đen (Hội viên Hội Nhà văn Đà Nẵng) ngày đêm miệt mài viết nên những trang hồi ký đầy nước mắt: “Làng T’Râu của tôi” do NXB Đà Nẵng ấn hành năm 2011. Chị nói, nếu viết về cuốn hồi ký này thì đừng nói nhiều về chuyện chị tìm cha mẹ, chuyện đó nhiều bài báo đã đề cập đến rồi. Điều chị muốn độc giả hiểu hơn cả là sự trân trọng, lòng biết ơn sâu sắc của chị đối với những người du kích T’Râu đã hy sinh cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc và hàng trăm người dân làng đã bị kẻ thù tàn sát dã man trong hai năm 1960, 1963. Sống sót sau một đợt thảm sát của bọn tay sai bán nước, xa lìa mảnh đất chôn nhau cắt rốn suốt mấy chục năm trời, đến khi tìm ra gốc gác và về lại ngôi làng năm xưa, những gì A Chước Đen cảm nhận được chỉ đơn giản là hơi thở của núi rừng qua màu xanh ngút ngàn và linh hồn của người dân làng T’Râu quyện cùng sông núi. A Chước Đen viết: “Máu của đồng bào, chiến sĩ vẫn còn chảy ngầm trong đất. Hơi thở của họ đã làm nên những giọt sương mai tưới mát cho cánh rừng. Mỗi bước đi của tôi ở trong rừng, tôi cảm nhận có cái gì đang đến rất gần vây quanh lấy tôi. Đó chính là linh hồn đồng bào đã che chở cho tôi đi đúng con đường mà mình đã lựa chọn”.
Đọc những dòng hồi ký của A Chước Đen, cái đọng lại khiến chúng ta đau đớn chính là hình ảnh những người dân làng T’Râu vì bám làng, giữ đất mà bị kẻ thù tàn sát không gớm tay. Vào năm 1960 và 1963, dân làng T’Râu chỉ có gần 200 người. Những người dân tộc Cơtu hiền lành, chất phác, thật thà, sống giản dị, chân chất, quanh năm gắn bó với núi rừng. Cho dù họ không hiểu nhiều về độc lập, tự do, về cách mạng nhưng điều mà họ cảm nhận chính là tình yêu dành cho mảnh đất T’Râu. Bất cứ kẻ thù nào xâm phạm đến mảnh đất thiêng liêng, đến tự do của đồng bào dân tộc cũng đều chạm đến lòng tự tôn của họ, thôi thúc họ kiên cường bám trụ để giữ làng, giữ đất. Những người mạnh khỏe trong làng thì theo bộ đội, làm du kích địa phương. Phụ nữ yếu hơn ở nhà sản xuất, nuôi dưỡng cán bộ, bộ đội. Cuộc sống tưởng chừng bình yên nhưng lại không thoát khỏi sự dòm ngó, theo dõi sát sao của kẻ địch. Khi trực thăng oanh tạc trực tiếp vào làng, người dân T’Râu hầu như bị bất ngờ và cả làng bị tàn sát gần hết. Trong những năm đó, nhiều du kích của làng T’Râu bị địch bắt rồi chặt đầu treo lên trụ cờ uy hiếp tinh thần dân T’Râu. Người anh Hồ Văn Đéh của A Chước Đen, tổ trưởng đội du kích ở thôn, trước khi địch đưa đi hành quyết đã khuyên anh nên đầu hàng thì sẽ tha chết. Thế nhưng anh và đồng đội đã dũng cảm đối đầu với kẻ thù, lựa chọn cái chết vinh quang bằng cách hô to khẩu hiệu: “Đả đảo Ngô Đình Diệm, Đảng Lao động Việt Nam muôn năm - Hồ Chí Minh muôn năm”.
Trong ký ức của bé A Chước Đen khi xưa, hình ảnh ngôi làng T’Râu ngập tràn lửa đỏ và máu. “Tháng 4 năm 1963, không biết lúc đó tôi mấy tuổi. Ba, bốn, hay năm tuổi gì đó. Tôi tận mắt chứng kiến sự hủy diệt, tôi không biết chiến tranh là gì, cái điều mà tôi không thể quên đó là cuộc thảm sát xảy ra tại ngôi làng của tôi, thôn T’Râu. Tiếng súng, người ngã xuống và máu, máu lai láng… Tất cả dân làng thôn T’Râu bị tàn sát và chìm trong biển lửa dưới bàn tay của bọn giặc. Cả làng chừ chỉ còn 13 đứa trẻ lớn nhỏ được gom lại”. Và cho đến tận bây giờ, cảnh tượng đau thương đó vẫn cứ đeo đuổi trong từng giấc ngủ của chị, khiến cho con tim nhói đau và khối óc cứ vật vã suy nghĩ làm cách nào để khắc ghi lại những gì mà đồng bào T’Râu phải chịu đựng. Lắm lúc, chị thốt lên trong nước mắt: “Mẹ ơi! Đồng bào ơi. Con phải làm gì để các linh hồn đồng bào ta được yên vui?”.
Thương cha mẹ và đồng bào Cơtu chết thảm sau các đợt thảm sát của địch, thương anh trai và những du kích địa phương đã kiên cường hy sinh vì cách mạng, A Chước Đen bỏ lại sau lưng cuộc sống êm đềm ở thành phố Đà Nẵng, trở lại huyện Nam Đông, một mình lặn lội tìm về nơi dân làng T’Râu yên nghỉ. Năm 2007, A Chước Đen bỏ công sức, tiền bạc, xây lại phần mộ tập thể cho những người dân T’Râu bị tàn sát. Rồi một năm sau đó, chị tìm lại hài cốt của anh trai và những đồng đội của anh quy tập vào nghĩa trang liệt sĩ huyện Nam Đông. Trong hồi ký của mình, A Chước Đen kể lại: “Có người hỏi tôi: “Sau lưng cô có một thế lực nào thúc đẩy cô làm việc này không?”. Cố nén nỗi đau trong lòng và trả lời: “Chỉ có thế lực vô hình mà mắt thường không bao giờ thấy, tay cũng không thể nắm bắt được, đó là linh hồn đồng bào và linh hồn người thân của tôi”. Mấy chục năm rồi, đứa trẻ A Chước Đen sống sót sau trận tàn sát của giặc nay đã có một cuộc sống hạnh phúc ở Đà Nẵng. Cuộc sống của chị bình lặng trôi qua nhưng trong thâm tâm, không lúc nào chị thôi nhớ về những người thân đã mất, về đồng bào T’Râu và ngôi làng bé nhỏ của mình. Chị nói, khi biết về nguồn gốc của mình, chị không tránh khỏi cảm xúc đau thương, mất mát nhưng chen lẫn với tình cảm này là niềm tự hào trào dâng về những người con T’Râu. Chị vui vì biết mình thuộc về mảnh đất nơi con người sống và yêu thương nhau thật lòng, biết hy sinh cho Tổ quốc đến hơi thở cuối cùng. Với chị, dù đi đâu, làm gì thì linh hồn cha mẹ, anh trai và đồng bào vẫn luôn bên cạnh và “Quê hương luôn là điểm sáng trong ký ức tôi, những con người thật thà và rất đáng yêu. Khi ta cùng sống chung với họ, ta mới thấy điều kỳ diệu ấy!”.
HÀ AN