Múa chỉ để lấp đầy sân khấu, hát một đằng - múa một nẻo, dễ dãi, tùy tiện… là thực trạng đáng báo động về múa minh họa (MMH), hình thức phụ họa đang diễn ra ở hầu hết các chương trình ca múa nhạc hiện nay.
Múa minh họa phù hợp sẽ góp phần nâng tầm ca khúc. Trong ảnh: Ca khúc “Đà Nẵng mến yêu” do ca sĩ Mỹ Nương và vũ đoàn Minh Nhật trình bày trong đêm chung kết cuộc thi Người đẹp Đà Nẵng 2012. |
“Loạn” sân khấu
Chưa bao giờ MMH lại tràn lan và thống lĩnh các sân khấu như hiện nay. Cũng chưa bao giờ MMH làm người ta chán ngán như lúc này. Hát đơn ca, hát tốp ca có MMH, thậm chí hợp xướng cũng không thể thiếu MMH. Nhạc trữ tình có MMH đã đành, đến cả rap, rock… đều có MMH. Chị Trần Thị Đào (29 tuổi, trú quận Hải Châu) tự nhận mình không phải người khó tính nhưng nhăn mặt: “Thôi, đừng nhắc đến MMH nữa, tôi ghét loại hình này lắm, cứ xù tóc, xoạc chân, cả đoàn chạy ngang chạy dọc”. Tất nhiên, chị Đào chỉ là một trong rất nhiều người phản ứng khá gay gắt với MMH.
Sự lạm dụng, xuống cấp trầm trọng của MMH khiến ngay cả những người trong ngành cũng thừa nhận đây là một “đại dịch” đang tấn công các sân khấu ca nhạc. Biên đạo múa, NSND Lê Huân, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ múa Đà Nẵng bất bình: “Có những phần múa đưa vào diễn cho bất kỳ bài hát nào cũng được. Nón, sen, cờ, hoa, quạt nhỏ, quạt to…, những đạo cụ vương vãi khắp nơi làm rối loạn sân khấu. Mới đây có một chương trình lễ hội cấp thành phố, tôi còn thấy biên đạo sử dụng những diễn viên nam, nữ chở nhau trên hàng chục chiếc xe đạp, đi qua đi lại đến khi bài hát kết thúc, đến nỗi cháu ngoại của tôi mới 10 tuổi cũng phải thốt lên: Sao múa dễ thế vậy ông?”.
NSND Lê Huân còn dẫn ra vô vàn tiết mục ca nhạc đã bị làm hỏng chỉ vì MMH. Nội dung bài hát một đằng nhưng múa một nẻo; các động tác, trang phục, đạo cụ hoàn toàn không phù hợp với bài hát. Có bài hát rất hùng tráng với nội dung ngợi ca đất nước thì được minh họa bằng màn thể dục nhịp điệu. Đáng lưu ý là những bài hát trong các chương trình ngợi ca về Đảng, Bác Hồ, về quê hương, đất nước... có hình ảnh Bác Hồ, cờ Đảng, cờ Tổ quốc... nhưng dàn múa vẫn thực hiện những động tác đá chân, dạng chân, bê, xoạc… rất phản cảm. Thực trạng rối loạn của MMH cho ca khúc không chỉ diễn ra ở những chương trình văn nghệ quần chúng nhỏ lẻ, mà tại các chương trình lớn - nơi người ta đặt nhiều kỳ vọng về tính chuyên nghiệp cũng tồn tại những tiết mục khiến người có chuyên môn không thể không lên tiếng. Sự dễ dãi, tùy tiện trong việc xây dựng các tiết mục múa minh họa hiện nay đã làm cho nghệ thuật múa chân chính bị “mang tiếng” và biến dạng. “Bởi vậy, khi Đà Nẵng tổ chức giải thưởng Văn học-nghệ thuật 5 năm lần thứ hai (2010), trong phần biểu diễn các tác phẩm ca khúc đoạt giải, Chủ tịch UBND thành phố Trần Văn Minh đã chỉ thị không một ca khúc nào được có phần phụ diễn múa”, NSND Lê Huân nói.
“Sửa” ca khúc
Nhạc sĩ Trần Ái Nghĩa, Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Đà Nẵng cho rằng, cách làm của MMH hiện nay không chỉ là thực trạng đáng lo của ngành múa mà nó còn tạo ra những hiệu ứng không mấy tốt đẹp đối với nền âm nhạc. Tác giả của ca khúc “Nhịp điệu thành phố” thẳng thắn: “Với tất cả các chương trình ca múa nhạc có MMH chuyên và không chuyên hiện nay ở thành phố Đà Nẵng, tôi chỉ hài lòng khoảng 20%, số còn lại rất khó được chấp nhận”.
Nhạc sĩ Ái Nghĩa còn cho biết, không ít lần ông chứng kiến cảnh ca khúc mình tâm huyết sáng tác ra bị MMH bóp méo, sửa chữa không thương tiếc. “Câu chữ còn nguyên nhưng cái “thần” của bài hát hoàn toàn bị biến dạng. Và cảm giác của chúng tôi lúc ấy nói khó chịu thì chưa đủ, mà phải dùng 2 chữ “đau khổ”. Có những màn múa “câu khách” khiến người xem quên luôn ca sĩ, quên luôn việc họ đang nghe ca khúc gì”, nhạc sĩ Ái Nghĩa nói. Và theo ông, đó là lý do khiến nhiều nhạc sĩ, ca sĩ tên tuổi ngày nay từ chối MMH.
Đại diện Sở VH-TT&DL thành phố cho biết, hiện ở Đà Nẵng có 2 đoàn ca múa nhạc chuyên nghiệp là Đoàn ca múa nhạc thành phố và Đoàn ca múa Quân khu 5 phục vụ nhiệm vụ tuyên truyền chính trị, thường biểu diễn múa, hát trong các ngày lễ lớn của thành phố. Ngoài ra, có hai vũ đoàn là Minh Nhật và Hoàn Vũ có xin giấy phép biểu diễn. Còn lại, không thể nắm được con số chính xác các đoàn tự đặt tên, tự biểu diễn không có phép, không ai quản lý và không ai chịu trách nhiệm. |
(Còn nữa)
Bài và ảnh: THANH TÂN