Thực trạng dễ dãi của múa minh họa (MMH) là vấn đề đặt ra không chỉ cho ngành múa, hay cho giới nghệ sĩ mà đáng ngại hơn, đó là sự xô bồ, nông cạn trong thưởng thức nghệ thuật của công chúng. Hệ lụy gì sẽ đến với nhận thức thẩm mỹ, đạo đức, tâm hồn những người trẻ?
Ngày nay nhiều ca sĩ tên tuổi từ chối múa minh họa. TRONG ẢNH: Ca sĩ Mỹ Linh với “Và em sẽ hát” tại Đà Nẵng. |
Múa dễ dãi, người xem dễ dãi
NSND Lê Huân chỉ rõ nguyên nhân của thực trạng “múa may quay cuồng” hiện nay là do sự dễ dãi của các biên đạo múa, cả diễn viên múa thiếu tay nghề cũng như có tay nghề của các đoàn nghệ thuật. Ông nói rằng, nếu những người làm MMH biết dừng lại một chút, có tâm một chút thì sẽ không có tình trạng MMH bát nháo. Với kinh nghiệm của những người có 50 tuổi nghề, NSND Lê Huân rút ra rằng, bước quan trọng nhất để có một tác phẩm MMH như ý là phải chịu khó nghiền ngẫm ca khúc cần minh họa. Khi đã cảm và thấm rồi thì sẽ rất dễ dàng để minh họa cho một ca khúc thường thường, có khi chỉ mất một ngày để biên đạo hoàn chỉnh bài MMH. Do đó, ông cho rằng, đừng đổ lỗi do hạn chế thời gian, áp lực công việc hay bất kỳ điều gì khác với những tác phẩm MMH không có tính nghệ thuật.
Qua khảo sát thực tế, chúng tôi nhận thấy, hiện tượng MMH đi ngược với nghệ thuật chân chính vẫn phổ biến trong các chương trình liên hoan, nghệ thuật quần chúng hơn các chương trình chuyên nghiệp, nhất là ở Đà Nẵng, với xu hướng phát triển bề rộng của nghệ thuật quần chúng hơn chiều cao, chiều sâu của nghệ thuật chuyên nghiệp. Tâm lý chung của những đoàn nghệ thuật nghiệp dư là khi hát nếu có múa phụ họa thì tiết mục nhìn sẽ hoành tráng hơn, dễ thu hút hơn. Tại nhiều hội thi, hội diễn của các doanh nghiệp, cơ quan Nhà nước hay đơn vị, đoàn thể không chuyên, nhiều người vẫn muốn tiết mục của mình có đủ hát, múa. Thế mới gọi là “hợp thời”, tiết mục mới hoàn chỉnh. Một bộ phận khán giả xem ca nhạc cũng tỏ ra rất thích thú với sự rộn ràng trên sân khấu của múa phụ họa, đặc biệt là lớp trẻ. Tất cả những tâm lý, thói quen đó đã khiến MMH trở nên phổ biến, dù bài múa đó được dựng vội vàng, bắt chước, lấy “râu ông nọ cắm cằm bà kia”...
Đâu là giải pháp?
Trong câu chuyện về MMH, nhạc sĩ Trần Ái Nghĩa, giám khảo của rất nhiều chương trình ca nhạc trên địa bàn thành phố, không thể quên những tình cảnh buồn cười như có lần xem màn minh họa ca khúc “Đất nước”, vì cô gái đóng vai người mẹ trẻ quá, lại không biết hóa trang nên đến đoạn người mẹ ra ôm anh bộ đội (người con), thì người xem không thể phân biệt được đó là mẹ và con, hay cô gái ôm người yêu của mình trên sân khấu. Rồi có đoàn minh họa hình ảnh Bác Hồ trong tâm thức của người dân Việt, lẽ ra phải làm sao để Bác là hình tượng trong trí nhớ, trong trái tim người xem, thì đằng này lại chọn một người có phong thái không phù hợp đi sừng sững trên sân khấu, làm ảnh hưởng không tốt đến hình tượng lãnh tụ. Nhạc sĩ Ái Nghĩa cho rằng, một giải pháp tạo hiệu ứng nghệ thuật tốt cho ca khúc hát múa là cần sự trao đổi giữa người biên đạo với nhạc sĩ sáng tác về nguồn gốc, xuất xứ, dụng ý nghệ thuật...
Theo NSND Lê Huân, MMH không nhất thiết phải rập khuôn máy móc câu chữ của ca khúc, mà phải suy ngẫm để tạo hình tượng nghệ thuật riêng của múa, chứ không phải là sự sao chép quá cụ thể, thật thà và cục mịch nội dung ca khúc. MMH không tách bạch ca khúc, nhưng cần được khai thác chiều sâu, tính hình tượng, góp phần nâng tầm ca khúc.
Để cải thiện tình trạng rối rắm của MMH hiện nay, rất cần sự vào cuộc của đơn vị liên quan, trước hết là Hội Nghệ sĩ múa thành phố, làm sao để nâng cao ý thức nghề nghiệp của các biên đạo múa chuyên và không chuyên hiện nay. Có ý kiến cho rằng, các cơ quan quản lý cần tăng cường công tác kiểm soát, xử phạt. Ý kiến khác đặt ngược vấn đề rằng, khi các tiết mục MMH có thể chưa hay, chưa phù hợp nhưng lại không phạm vào những lỗi cụ thể như hở hang, sai phạm về chính trị... thì căn cứ vào đâu để xử phạt? Phải chăng, đây là lúc những nghệ sĩ có chuyên môn, có tâm huyết với nghệ thuật múa cần nêu cao trách nhiệm của mình trong việc tuyên truyền, định hướng dư luận. Cụ thể cần đẩy mạnh hơn nữa công tác phê bình, đánh giá, nêu gương để giảm đi sự sai lệch, dễ dãi. Có thể mở các lớp tập huấn biên đạo múa thường xuyên, rộng rãi và hấp dẫn hơn để thu hút các đoàn nghệ thuật, cá nhân làm nghề MMH tham gia học tập.
“Ngoài vấn đề của biên đạo, của diễn viên múa, chúng ta nên tạo điều kiện để người dân tiếp xúc với những chương trình nghệ thuật có chất lượng, tránh những thị hiếu thẩm mỹ tầm thường trở thành thói quen, nếp nghĩ”, NSND Lê Huân nhấn mạnh.
Bài và ảnh: THANH TÂN