.

Ngoại ơi...!

Chào đời được 3 tháng, ba mẹ đắng lòng để tôi lại cho ngoại nuôi với hy vọng lá rách ít sẽ đùm bọc tốt hơn lá rách nhiều. Tôi lớn lên thiếu bầu sữa ngọt ngào của mẹ, bù lại, ngoại dành cho tôi một tình yêu thương vô bờ bến.

Mảnh đất Phước Tượng thời những năm 90, không chỉ nghèo mà còn đói ăn. Nhà ngoại thuộc dạng khó khăn nhất làng. Khi tôi đủ lớn để biết được cái khổ thì ngoại đã không còn khỏe nữa. Mấy chục năm nhọc nhằn kiếm miếng cơm cho gia đình, cộng thêm suy nghĩ, lo toan khi cái đói vẫn cứ lẩn quẩn làm cho ngoại ngày càng yếu đi. Người ta cải thiện bữa ăn cho người già ốm bằng những tô cháo gà, cháo thịt hay bằng những món ăn đặc sản khác. Nhà tôi, người ốm thì cũng chỉ có tô cháo trắng, những bát cơm độn khoai, sắn. Những lúc nhìn ngoại nhọc nhằn ăn bát cơm độn, tôi xót xa nhưng không biết làm cách nào khác. 7 tuổi tôi đã phải chăn trâu, hơn 10 tuổi đã đi làm thuê khắp đồng trên xóm dưới. Nhưng sức trẻ con, làm nhiều nhưng tiền công thì ít. Mỗi lần đưa tiền về mua thịt cá cải thiện bữa ăn, ngoại sẻ ra một ít mua gạo, còn lại để dành mua áo quần, sách vở cho tôi đi học. Dù sức yếu dần vì bệnh tật nhưng ngoại nhất quyết giữ số tiền để dành để dụm ấy khi tôi năn nỉ ngoại mua thịt cá về tẩm bổ. Ngoại bảo: “Mệ già rồi, ăn uống kham khổ cũng quen rồi. Thằng cu phải đi học, khó khăn mấy cũng không được nghỉ. Vài hôm nữa cậu cháu chở nhau đi mua áo quần, sách vở cho năm học mới”.

Những cơn đau không thôi hành hạ ngoại, tay chân, mặt mày sưng húp. Ngoại không chịu đi bác sĩ chữa bệnh vì trong nhà chả có tiền. Cậu bàn bán đi con trâu nhưng ngoại bảo thà chết chứ không được bán trâu - cái gia tài quý giá duy nhất còn lại và cũng là nguồn kiếm cơm của gia đình. Những cơn ho làm cho ngoại không thở nổi và không ngồi lên được nữa. Hai cậu cháu quyết tâm đưa ngoại đi viện.

Cho đến mãi tận bây giờ, tôi vẫn không thể nào quên hình ảnh người xe thồ già chở cậu và ngoại lên bệnh viện huyện Phú Lộc, tôi cong lưng đạp chiếc xe đạp chở theo áo quần, mùng mền và đống sách vở. Trong căn nhà trống huơ trống hoắc, mợ (vợ cậu) ôm đứa con nhỏ rớt nước mắt nhìn theo. Phía sau, mảnh vườn heo hút, những bụi môn xơ xác vì bị bóc hết bẹ để nấu cháo nấu canh, những luống khoai bị bới tung lấy củ như bị gà bới đất tìm giun… Tôi không dám quay lưng lại nhìn cảnh tượng ấy, cắm cúi đạp xe với hy vọng đến bệnh viện sẽ có phép tiên.

Làm thủ tục nhập viện cho ngoại xong, cậu hối hả trở về nhà cho kịp buổi cày thuê chiều. Tôi đưa ngoại đến gặp bác sĩ. Bác sĩ bảo bệnh tim của ngoại đã nặng, may mắn lắm chỉ sống hết năm. Lời bác sĩ làm tôi chết điếng. Nhưng tôi vẫn nuôi hy vọng rằng bác sĩ chỉ nói quá, rằng sẽ có một phép nhiệm màu. Trong căn phòng bệnh với 6 bệnh nhân, 6 người chăm bệnh nhưng chỉ có duy nhất tôi là đứa cháu trai chăm bà bị ốm. Hằng ngày, tôi dậy thật sớm đi chợ nấu cháo, sau đó giặt giũ, tắm rửa vệ sinh rồi cho ngoại uống thuốc theo sự hướng dẫn của bác sĩ. Mọi người trong phòng bảo ngoại tôi có phúc vì có đứa cháu ngoại hiếu thảo. Họ đâu hiểu rằng, chính đôi bàn tay đang sưng vù kia của ngoại đã bồng bế, dỗ dành tôi, chính giọng nói đã khàn đục kia đã hát ru ầu ơ đưa tôi vào giấc ngủ, chính người bà đang còm cõi nằm đau đớn với bệnh tật kia đã ôm ấp sưởi ấm tôi những ngày tôi còn đỏ hỏn và thiếu thốn hơi ấm của mẹ. Tôi chăm ngoại bằng tất cả tình thương, cố gạt nước mắt lo lắng để cười tươi cho ngoại an lòng. Tôi gom hết sách vở vào viện để vừa chăm ngoại vừa học. Lúc ấy, tôi chả muốn đi học, chỉ muốn ở bên, chăm cho ngoại. Nhưng nghe lời ngoại, tôi chăm chỉ đến trường. Những lúc ngồi trong lớp, tôi chẳng học được gì vì lo cho ngoại một mình trong viện. Hết giờ học, tôi phi như bay về bệnh viện như thể chậm mất một giây thôi thì sẽ xảy ra điều bất an với ngoại.

Ròng rã hơn nửa tháng trời, bệnh tình của ngoại không thuyên giảm. Ngoại nhất quyết đòi về vì ngoại biết, số tiền vay mượn để đi viện đã hết và giờ có đi vay thì cũng chả có ai sẵn lòng cho mượn. Lúc xếp đồ đạc để về nhà, thằng cháu trai là tôi khóc như mưa như gió. Nhìn tôi sụt sùi, ngoại gắng gượng cười: “Mệ không khóc thì mắc mớ chi mi khóc. Ngoại có chết liền mô!”. Cái cảm giác sẽ không còn có ngoại bên cạnh làm tôi sợ hơn bất cứ điều gì. Từ khi còn đỏ hỏn, đến lúc chạy nhảy rồi khi đã là cậu thiếu niên đủ lớn để nhận thức mọi vấn đề, tôi chỉ biết có ngoại. Ngoại là mẹ, là bà, là người bạn - tình cảm ấy thiêng liêng hơn bất cứ thứ tình cảm nào trong cuộc đời tôi. Chưa bao giờ cảm giác bất an đè nặng đến thế, tôi sống trong sợ hãi, lo lắng. Bao miếng ngon tôi dành cả cho ngoại. Tôi cố gắng làm lụng nhiều hơn để có tiền mua những thứ ngoại thích ăn. Việc chạy đua cùng thời gian vắt kiệt sức tôi nhưng điều đó chả hề gì, miễn sao vẫn còn được nhìn thấy ngoại cười. Nhưng tôi có thể chạy đua cùng thời gian, còn ngoại, ngoại không đua nổi với căn bệnh tim đã suy đến độ 3…

Ngày ngoại mất, mưa trắng trời Phước Tượng. Cơn mưa làm mát dịu ruộng lúa nứt nẻ, tưới mát những luống khoai, luống môn cằn cỗi. Nhưng cơn mưa trong lòng tôi thì ngược lại. Ông trời không công bằng khi đặt tôi vào lòng ngoại rồi cướp mất ngoại khi tôi còn chưa kịp trưởng thành. Không có ngoại, tôi như cây cỏ hoang không được chăm bón. Nhưng tôi đã sống, lớn lên và trưởng thành vì muốn thực hiện cho được lời nhắn nhủ của ngoại, rằng “thằng cu không được bỏ học, phải học giỏi, học chăm để thoát cái nghèo, cái khổ. Đời mệ khổ quá rồi, đời con phải khác!”.

Ngoại ơi, nếu ngoại còn sống, ngoại sẽ tự hào vì thằng cu đỏ hỏn trong tay ngoại ngày nào giờ đã tạm cứng cáp trên con đường đời. Con là cây cỏ hoang nhưng mạnh mẽ và tha thiết sống, ngoại ơi!

NGỌC PHÚ

;
.
.
.
.
.